.

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh: 15 năm gắn kết tín dụng với người nghèo

Thứ Hai, 21/08/2017, 14:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 15 năm hoạt động, mạng lưới hoạt động tín dụng chính sách tại huyện Quảng Ninh đã thực sự gắn kết với người nghèo, góp phần xây dựng NTM và giúp người dân tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Ngày 10-5-2003, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Ninh được thành lập nhằm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ. Những thành quả của NHCSXH huyện Quảng Ninh góp phần cùng huyện thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, khi mới thành lập, NHCSXH huyện nhận bàn giao 2 chương trình: cho vay hộ nghèo từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước huyện, với dư nợ là 31.216 triệu đồng.

Sau 15 năm thành lập, NHCSXH huyện đã triển khai cho vay thêm 10 chương trình tín dụng chính sách mới. 12 chương trình tín dụng chính sách xã hội đã được Phòng giao dịch NHCSXH huyện tổ chức thực hiện kịp thời và đúng chính sách, chế độ. Trong 15 năm, doanh số cho vay đạt 767.003 triệu đồng với 34.618 khách hàng tham gia vay vốn và doanh số thu nợ các chương trình tín dụng đạt 495.300 triệu đồng.

Nhờ giải ngân tốt đồng vốn mà tổng dư nợ các chương trình cho vay tính đến 31-7-2017 đạt 302.919 triệu đồng, tăng so với ngày đầu thành lập là 271.703 triệu đồng (tăng 870,4%) với 11.502 khách hàng dư nợ. Cụ thể, dư nợ vốn tín dụng chính sách xã hội bình quân đạt 20,2 tỷ đồng/xã, thị trấn, tăng 18 tỷ đồng/xã, thị trấn so với thời điểm thành lập.

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh luôn sát sao trong công tác giải ngân nguồn vốn ưu đãi.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh luôn sát sao trong công tác giải ngân nguồn vốn ưu đãi.

Với những bước phát triển đáng ghi nhận đó, chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh, chia sẻ, trong quá trình hoạt động, đi đôi với tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng là yếu tố quan tâm hàng đầu đối với Ban đại diện HĐQT, NHCSXH huyện, chính quyền địa phương và Hội đoàn thể nhận ủy thác.

Nhờ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về quản lý hoạt động tín dụng chính sách; chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, ý thức có vay có trả của người dân; đồng thời, tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các  ngành, các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn.

Trong 15 năm hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm từ 1,57% (thời điểm nhận bàn giao năm 2003) xuống còn 0,15% (năm 2017), giảm gần 10,5 lần, trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 1,57% xuống còn 0,14% (giảm 11,2 lần) so với khi mới thành lập.

Tín dụng chính sách xã hội đã đến với hầu hết các đối tượng cần được hỗ trợ tại ở tất cả các thôn, xóm, bản làng của 15/15 xã, thị trấn tại huyện, gắn bó và thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Quan trọng hơn, vốn chính sách tín dụng xã hội kết hợp với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm làm ăn đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách biết sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện cuộc sống và trả được nợ cho Ngân hàng.

Trong 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã giúp cho 34.906 lao động được tạo thêm việc làm mới; 7.649 hộ đã thoát nghèo; tạo điều kiện cho 129 lao động có việc làm và thu nhập ổn định tại nước ngoài, các hộ gia đình có con đi xuất khẩu lao động có cuộc sống cải thiện hơn; tạo điều kiện cho 7.583 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí trong thời gian học tại trường; 463 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây nhà ở; 215 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt; nhiều làng nghề được khôi phục, như: làng nghề rượu Võ Xá, làng nghề bánh ướt xã Gia Ninh...

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cũng góp phần không nhỏ vào việc phát triển chăn nuôi đàn trâu bò, nuôi trồng thủy hải sản và các ngành nghề khác; đưa mục tiêu thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông nghiệp nông thôn ngày càng khởi sắc; mức tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng và làm ổn định chính trị xã hội.

Trong 15 năm qua, cơ chế quản trị điều hành ở địa phương với Ban đại diện Hội đồng quản trị đã phát huy được vai trò lãnh đạo, quản lý tập trung của Đảng, Nhà nước trong công cuộc giảm nghèo, bảo đảm đồng vốn phục vụ đúng đối tượng thụ hưởng. Thông qua phương thức ủy thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng qua các tổ chức chính trị - xã hội, việc thành lập các tổ TK&VV có sự tham gia giám sát của chính quyền địa phương, thực hiện giao dịch tại xã đã tạo điều kiện giải quyết vốn vay kịp thời cho người dân. Việc quản lý vốn chặt chẽ, sâu sát hơn cùng với cơ cấu bộ máy điều hành tác nghiệp ngân hàng gọn nhẹ nên đã tiết kiệm chi phí quản lý của Nhà nước.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong 15 năm qua, để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, trên cơ sở các chủ trương, chính sách tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Chính phủ, của ngành, đơn vị sẽ bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020 trên địa bàn huyện Quảng Ninh để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Hiền Phương