.

Nghị quyết "xóa sổ" vườn tạp ở Nam Hóa

Thứ Năm, 17/08/2017, 14:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ hiệu quả khả quan của những mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) nhỏ lẻ do các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ trong vườn nhà dân giai đoạn năm 1983-2003, chính quyền xã Nam Hoá, huyện Tuyên Hoá đã sớm nhận ra được giá trị, lợi ích của việc cải tạo những khu vườn tạp, từ đó đưa vào nội dung nghị quyết chuyên đề trong từng nhiệm kỳ để từng bước "xoá sổ" các vườn tạp trên địa bàn...

Giai đoạn năm 1983-1984, hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, hàng trăm hộ dân ở xã Thạch Hoá và một số xã lân cận thuộc hai huyện Tuyên Hoà và Minh Hoá di cư tới vùng đất Nam Hoá (ngày nay) để tiến hành khai hoang phục hoá, xây dựng cuộc sống mới. Hầu hết các hộ dân di cư tới đây đều thuộc diện hộ nghèo, nhiều năm liền phải sống dựa vào chính sách hỗ trợ lương thực 6 tháng/năm của Nhà nước và mái ngói để lợp nhà...

Buổi đầu, những hộ di cư đến đây đều tham gia vào Hợp tác xã Nam Sơn, thuộc xã Thạch Hoá. Hoạt động được một thời gian thì HTX đi vào giải thể rồi thành lập thôn Nam Sơn. Sau đó, Nam Sơn được lại chia tách thành 3 thôn là Đồng Tâm, Hà Nam, Hà Cang (vẫn trực thuộc xã Thạch Hoá). Đến năm 2003, cả 3 thôn nói trên tách ra khỏi xã Thạch Hoá để thành lập nên xã Nam Hoá, với khoảng 2.000 nhân khẩu...

Xuất phát là những nông dân nghèo thiếu vốn, quỹ đất và tư liệu sản xuất, khi đến với vùng đất mới, người dân Nam Hoá may mắn có ngay cơ hội để phát huy được tinh thần cần cù chịu khó nhờ có quỹ đất vườn và đất đồi khá rộng (bình quân mỗi hộ ở Nam Hoá hiện đang sở hữu khoảng 1 ha đất vườn, chưa tính đến đất đồi).

Khu vườn trồng cam tập trung của một hộ dân ở xã Nam Hoá mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khu vườn trồng cam tập trung của một hộ dân ở xã Nam Hoá mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khai khẩn vùng đất rộng lớn toàn núi cao, cây rừng rậm rạp, lắm sim mua, cây bụi, đất trồng cây lương thực ít, bước đầu, đại đa số các hộ dân ở Nam Hoá đã dành rất nhiều thời gian để đầu tư vào việc làm vườn mưu sinh. Thời điểm đó, do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên nhiều hộ đã làm vườn theo kiểu tự phát, thích trồng cây, nuôi con gì là cứ thế mà làm, thiếu tính khoa học, tiện đâu trồng đó.

Nhưng, với thành quả lao động miệt mài của người dân, chỉ sau một quãng thời gian ngắn, cả một vùng đất rộng lớn ở Nam Hoá đã dần bạt ngàn màu xanh tràn trề nhựa sống của những cây ăn quả, cây lương thực ngắn ngày... thay thế dần các vùng sim mua, cỏ dại, lau lách.

Các khu vườn ở Nam Hoá bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con, cơ bản góp phần ổn định được cuộc sống hàng ngày cho người dân nơi vùng đất mới. Không chỉ chú trọng trồng cây trong vườn, nhiều hộ dân nơi đây còn mạnh dạn tiến lên các vườn đồi nghèo kiệt ở xã để trồng rừng kinh tế.

Cũng vào thời điểm đó, từ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, một số hộ dân Nam Hoá may mắn được tiếp cận và tham gia vào các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên vườn của họ được bố trí sản xuất theo mô hình VAC bài bản, khoa học. Phát hiện ra hiệu quả của mô hình VAC từ những hộ nói trên, chính quyền xã Nam Hoá đã tiếp thu rồi nhân rộng ra địa bàn toàn xã nhằm mở hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho rất nhiều hộ dân ở những năm tiếp theo...

Chủ tịch UBND xã Nam Hoá Trần Kim Tuyến cho biết, Nam Hóa là xã vùng núi có gần 100% hộ dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, việc đưa ra định hướng cho người dân tổ chức sản xuất hiệu quả, nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích là điều rất cần thiết. Ngay khi vừa thành lập, Đảng bộ xã Nam Hoá đã nhiều lần họp bàn rồi quyết định đưa vấn đề "xoá sổ" các vườn tạp vào nghị quyết để triển khai thực hiện, lấy đó làm tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động hàng năm, bình xét thi đua.

Để thực hiện được điều này, chính quyền Nam Hoá yêu cầu mỗi một cán bộ, đảng viên phải tiên phong thực hiện trước, sau đó "làm gương" để nhân rộng ra các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong xã. Nhằm cụ thể hoá nội dung nghị quyết nói trên, những năm qua, rất nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Nam Hoá đã mạnh dạn "sắp xếp" lại vườn của mình một cách khoa học, phù hợp để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Thăm khu vườn "bạc tỷ" rộng hơn 1 ha của ông Hoàng Văn Biên, 82 tuổi, trú tại thôn Hà Trang và tận mắt chứng kiến cách thức cải tạo vườn tạp của gia đình, chúng tôi không khỏi thán phục. Ông Biên chia sẻ: “Với diện tích trên 1 ha đang sở hữu, thời gian qua, gia đình tui đã chặt bỏ vườn tạp rồi phân bố ra các khu đất riêng biệt để trồng tập trung trên 500 gốc hồ tiêu, hơn 50 cây vải thiều, hàng chục cây cam, 1.500m2 cây chè xanh, đào hồ nuôi cá với diện tích 500m2...

Để giúp cây tiêu phát triển, gia đình đã trồng hàng trăm cây mít và mớc. Kế đến, tận dụng khoảng đất trống dưới những tán cây hồ tiêu, vải thiều, bưởi, chè xanh..., có thời điểm gia đình nuôi vài chục đàn ong lấy mật, hàng trăm con gà, ngan, ngỗng. Ngoài ra, gia đình còn sử dụng vài sào đất để trồng cỏ chất lượng cao phục vụ nuôi trâu bò đàn, làm chuồng trại nuôi lợn. Chất thải của gia súc, gia cầm được dùng làm phân xanh bón cho cây trồng trong vườn nên rất tươi tốt”.

Ông Biên tâm sự thêm, khu vườn này nếu "khéo" khai thác, mỗi năm chí ít nó cũng mang lại hiệu quả kinh tế trên 300 triệu đồng. Cả 9 người con của ông đều nhờ khu vườn này mà học hành thành đạt. Khu vườn đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình trên 150 triệu/năm. Gia đình ông Biên là một trong hàng chục trường hợp ở xã Nam Hoá nhờ chú trọng cải tạo vườn tạp để tổ chức lại trồng trọt, chăn nuôi một cách hợp lý, khoa học mà hiệu quả kinh tế gia đình đã tăng lên rõ rệt.

Chủ tịch UBND xã Trần Kim Tuyến cho biết thêm, làm vườn ở  gần nhà nên thuận tiện trông nom, chăm sóc, bảo vệ; có thể tranh thủ sử dụng lao động nhàn rỗi bất cứ lúc nào; thuận tiện việc tưới, bón phân, vun xới, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch; có thể trồng được nhiều loại cây, nuôi kết hợp với nhiều loại con...

Chính từ nghị quyết "xoá sổ" các vườn tạp, đến nay hầu hết các khu vườn nhà dân ở Nam Hoá đều mang lại hiệu quả kinh tế từ 25 đến hơn 150 triệu đồng/vườn/năm và trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ ở xã. Từ một vùng đất hoang hoá, đến nay toàn xã hiện có trên 20 mô hình kinh tế gia trại, vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng và VACR tổng hợp, mỗi năm cho thu nhập từ 80- 150 triệu đồng. Tại Nam Hoá hiện có trên 60 ha diện tích cây ăn quả được trồng tập trung, như: cam voi, chanh, nhãn, vải thiều, thanh long ruột đỏ...

V.M