.

Lúa hè-thu và điều ước của nhà nông - Bài 1: "Tranh cãi" giữa lúa tái sinh và lúa hè-thu

Chủ Nhật, 13/08/2017, 11:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuộc “tranh cãi” giữa lúa tái sinh và lúa hè-thu trên cánh đồng quê lúa Lệ Thủy không còn là câu chuyện mới. Thế nhưng cho đến giờ đây, câu chuyện nên giữ lúa tái sinh hay canh tác lúa hè-thu vẫn chưa thật sự ngã ngũ...

Câu chuyện bắt đầu từ Lệ Thủy-nơi được mệnh danh là vựa lúa của cả tỉnh. Hiện tại, ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện này, bằng quyết tâm của mình đã “giữ chân” được vụ hè-thu ở lại trên đồng đất quê hương, nhưng không ít địa phương vẫn phải “chiều” theo lựa chọn người dân tiếp tục làm lúa tái sinh như là một “cứu cánh” cho những cánh đồng.

Nông dân Lệ Thủy thu hoạch lúa tái sinh.
Nông dân Lệ Thủy thu hoạch lúa tái sinh.

Theo thống kê, năm 2017, toàn huyện có hơn 8.134ha diện tích lúa tái sinh, chiếm hơn 97% tổng diện tích, vẫn là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về diện tích lúa tái sinh. Tại sao vậy?

Có thể nói, cây lúa tái sinh đã làm nên bao đổi thay tích cực cho những cánh đồng lúa vùng chiêm trũng Lệ Thủy. Ở vào thời điểm, trình độ thâm canh còn thấp, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư và xây dựng hoàn thiện, lúa tái sinh là sự lựa chọn tối ưu cho những vùng đất chỉ canh tác được một vụ đông-xuân, thời gian còn lại phải để hoang vì ngập nước.

Và rồi, cây lúa tái sinh lan dần ra hầu khắp các cánh đồng trên địa bàn huyện và vươn đến những cánh đồng của huyện Quảng Ninh kế đó, vì cây lúa tái sinh có thể tránh được lũ, chi phí thấp, lợi nhuận cao hơn làm vụ lúa hè-thu. Bên cạnh những vùng chân ruộng do điều kiện dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi thiên nhiên, phải thực hiện lúa tái sinh, cũng có những địa phương bị bắt buộc phải “ăn theo” các địa phương khác làm lúa tái sinh vì... chuột phá hoại.

Chỉ đến khi cây lúa tái sinh gần như phổ biến và thay thế hẳn vụ lúa hè-thu, khiến cho năng suất sụt giảm mạnh, sản lượng lúa gạo đóng góp xã hội thiếu hụt đi đáng kể, người ta mới bắt đầu giật mình về sự bất thường này. Đã có những cảnh báo được đưa ra.

Thế nhưng, sau nguyên nhân nói trên, vấn đề cây lúa tái sinh bị “nhân rộng” tràn lan, còn có một nguyên nhân nữa đó là giá cả thấp và thị trường tiêu thụ bấp bênh. Chính “cái bóng đen” giá cả và thị trường ấy đã ám ảnh người nông dân bao đời “bán mặt cho đất”, “bán lưng cho trời”. Chuyện này thì khỏi cần bàn, bởi nó đâu chỉ xảy ra ở hạt lúa, hạt gạo, mà có ở tất cả các nông sản khác.

Thời gian này, trên cánh đồng Lệ Thủy, dường như cuộc tranh cãi dai dẵng giữa lúa tái sinh và lúa hè-thu đã “tạm nguôi”. Nói tạm nguôi là bởi, giờ đây cây lúa tái sinh đang ở thế thắng so với lúa hè-thu, dù cho những chỉ tiêu phải làm vụ hè-thu đã được huyện giao thẳng xuống từng địa phương và những mệnh lệnh hành chính ấy được truyền đạt đến từng nông hộ.

Ông Nguyễn Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho rằng, do chênh lệch thời vụ, chuột di cư từ đồng lúa tái sinh sang phá hại lúa hè-thu là nguyên nhân hàng đầu khiến người nông dân Xuân Thủy phải làm lúa tái sinh “ăn theo” các địa phương khác. Chỉ vài đêm, chuột có thể tàn phá cả một cánh đồng đang trĩu hạt.

Thứ nữa là giá cả thấp và bấp bênh, người nông dân sau khi tính toán chi li, lời lãi còn lại không được bao nhiêu. Chính vì thế mà, nhiều năm nay, địa phương luôn được huyện giao chỉ tiêu mỗi năm phải làm hơn 250ha lúa hè-thu, nhưng đâu có thực hiện được.

Mấy chục năm dẫn dắt con thuyền HTX Thượng Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy), đối với ông Nguyễn Văn Khinh, ruộng đồng đã trở thành một phần máu thịt. Ông hiểu người nông dân mong muốn điều gì từ cái nghiệp “một nắng, hai sương” này. Chưa ai nói làm ruộng là sướng cả.

Dẫu có nói, người ta cũng dùng để ám chỉ sự so sánh giữa thời làm ruộng bằng máy móc với thời trước, lúc mà “tay em ngập dưới bùn, lúa cấy thẳng hàng không” mà thôi. Thế nhưng, ngay giờ đây, khi làm ruộng được cho là “sướng”, người nông dân vẫn phải chịu đựng những nghịch lý, đó là năng suất cao nhưng giá cả thấp; đầu tư nhiều nhưng không lợi nhuận.

Hình như cuộc sống là một vòng xoáy trôn ốc của những nghịch lý và mâu thuẫn, buộc con người phải giải quyết để tiếp tục tiến lên nấc thang của những vòng quay sinh tồn mới. Nếu không giải quyết được thì phải thích nghi vậy. Cả cái chuyện người nông dân chọn lựa lúa tái sinh cũng là cách để giảm đầu tư “đầu vào”, tăng lợi nhuận, trong khi không còn cách nào khác để nâng giá trị “đầu ra”.

Đã là nông dân thì không ai bạc bẽo đến độ quay lưng lại với ruộng đồng quê hương mà ngàn đời cha ông đã gắn bó này cả. Một ngày làm công ở nông thôn ngày nay, bèo bọt cũng có trăm rưỡi, hai trăm ngàn đồng. Một đời làm nông là để có hạt lúa “chắc dạ”, để tính thêm phương kế làm ăn. Chỉ là vì người ta buộc phải chọn cách này thay vì làm cách khác để thích nghi, trang trải cho gánh nặng mưu sinh đang ngày càng khốn khó.

Ông Khinh phân tích, cái lợi của lúa tái sinh không ai có thể phủ nhận được, đặc biệt là với những chủ nhân của nó-người nông dân trực tiếp sản xuất trên đồng ruộng. Đó là tránh được cảnh gặt chạy lũ, xanh nhà hơn già đồng; chi phí thấp, tiết kiệm công chăm sóc, mà lợi nhuận thực tế “vào túi” nông dân cao hơn làm lúa hè-thu. Bên cạnh đó, người nông dân lại có thêm thời gian nông nhàn để kiếm thêm thu nhập từ những nghề “thợ đụng” khác.

Nhiều diện tích lúa hè-thu ở Lệ Thủy bị bỏ hoang.
Nhiều diện tích lúa hè-thu ở Lệ Thủy bị bỏ hoang.

“Chính vì lý do đó, nên người nông dân chọn nó để thay thế lúa hè-thu. Nông dân bây giờ “thực dụng” và khôn lắm. Cái gì hiệu quả thì người ta làm ngay”, ông Khinh chia sẻ. Thế nhưng, ông cũng biết những mặt trái và cả những cảnh báo về lúa tái sinh. Đó là năng suất thấp hơn lúa hè-thu, nạn chuột di cư sẽ phá hoại những cánh đồng lúa hè-thu của các cánh đồng lân cận, hạn chế sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Và đặc biệt là khó có thể sử dụng các bộ giống có chất lượng cao. Chẳng lẽ, việc đưa các bộ giống ngắn ngày và ứng dụng máy móc khoa học kỹ thuật vào sản xuất không thể giải quyết được những vấn đề nói trên?

Thế còn giá cả? Thay vì trả lời, ông Khinh liên tiếp đặt ra các câu hỏi và lý giải: đã có địa phương đưa vào sản xuất giống lúa chất lượng cao. Thời gian đầu được thương lái mua với giá rất cao, chênh so với các loại lúa gạo khác từ 5 đến 7 giá. Thế nhưng, khi nông dân hào hứng mở rộng diện tích sản xuất và đưa vào sản xuất đại trà, thì giá lại tụt xuống như lúa thường. Thế là lại “trăm dâu đổ đầu”... giá cả.

Cái lợi và cái bất lợi của lúa hè-thu lẫn lúa tái sinh, nhà nông và những người làm công tác quản lý ai cũng biết, ai cũng hiểu. Lẽ dĩ nhiên, đã là lợi thì nông dân cũng muốn giữ lấy cho mình. Thế còn những cái bất lợi, tồn tại phải giải quyết từ đâu, và bắt đầu như thế nào thì dường như vẫn còn phải chờ đợi. Từ câu chuyện lúa tái sinh đang ở thế thắng so với lúa hè-thu, cho thấy các địa phương cần phải có nhận thức đúng và sát thực tế hơn, để có những giải pháp giải quyết cả trước mắt lẫn lâu dài.

Dương Công Hợp

Bài 2: Để nông dân không “quay lưng” với ruộng đồng