.

Hoạt động bán hàng đa cấp: Khó kiểm soát

Thứ Bảy, 05/08/2017, 11:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang diễn ra rất phức tạp. Bên cạnh những doanh nghiệp chấp hành đúng quy định của pháp luật, kinh doanh sản phẩm chất lượng, uy tín, vẫn còn một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng danh nghĩa hoạt động bán hàng đa cấp để biến tướng với nhiều hành vi, thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác quản lý Nhà nước, gây thiệt hại về tài sản của người dân.

Theo báo cáo của Phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công thương), đến nay, toàn tỉnh  có 16 doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện máy, phân bón...

Nhìn chung, các doanh nghiệp này đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, tuân thủ đúng Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14-5-2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Thông tư số 24/2014/TT-BCT ngày 30-7-2014 của Bộ Công thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 42.

Các doanh nghiệp đã thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ hàng quý và hàng năm cho Sở Công thương, một số doanh nghiệp trước khi tổ chức hội thảo đã gửi thông báo thời gian và địa điểm tổ chức giới thiệu sản phẩm cho Sở Công thương. Có doanh nghiệp vừa sản xuất sản phẩm, vừa kinh doanh, tạo được lòng tin của khách hàng.

Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chủ yếu có trụ sở ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng..... Đa phần các doanh nghiệp ở Quảng Bình là doanh nghiệp phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp. Chính vì thế, vẫn còn nhiều cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh nhưng không đăng ký.

Nhiều hội nghị, hội thảo của các công ty bán hàng đa cấp không thông báo cho Sở Công thương.
Nhiều hội nghị, hội thảo của các công ty bán hàng đa cấp không thông báo cho Sở Công thương.

Theo quy định tại Điều 17, Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14-5-2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trước khi tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ thông báo nội dung, kịch bản chương trình, tài liệu đối với hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo đến Sở Công thương tại địa phương đó... nhưng trên thực tế, nhiều công ty đa cấp kinh doanh tại địa phương lại không tuân thủ các quy định này.

Che đậy cho các hành vi vi phạm trên, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thường cố tình tổ chức hội nghị, hội thảo vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc họp thành nhóm tại nhà các thành viên nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, Nghị định 42 lại không quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có địa điểm cố định và thời gian hoạt động cụ thể, nên nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng địa phương trong khâu xử lý, khắc phục hậu quả.

Nghị định số 42 cũng nghiêm cấm tổ chức, doanh nghiệp yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua hàng, đặt cọc tiền trước hay cho họ nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ việc họ dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp lợi dung bán hàng đa cấp để thu lời, bắt buộc người tham gia mạng lưới phải mua hàng hoặc giới thiệu được nhiều người tham gia.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn dùng chiêu trò dụ khách mua hàng bằng cách quảng cáo “thổi phồng” tính năng, công dụng của sản phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, để trục lợi... Vì vậy, trong thời gian qua, cả nước đã có 20 trên tổng số 77 doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị dừng hoạt động do những vi phạm trong bán hàng.

Để từng bước chấn chỉnh hoạt động này, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 18-11-2016 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp. Hiện, Sở đang chỉ đạo Phòng Xuất nhập khẩu hoàn thiện quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để trình UBND tỉnh ban hành, sau khi đã có ý kiến tham gia của các sở, ngành liên quan.  Đồng thời, Sở Công thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, cơ quan chức năng phát hiện ra một số vi phạm, như: không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định, không xuất trình thẻ tham gia bán hàng đa cấp khi giới thiệu hàng hoặc bán hàng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...

Dự kiến, sắp tới, Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 42 theo Luật cạnh tranh sửa đổi bổ sung mới, quy định thêm các nội dung xử phạt và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi lừa đảo trong bán hàng đa cấp. Tất cả mọi người dân nên đề cao cảnh giác trước các chiêu trò lôi kéo, dụ dỗ tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của một số công ty, thận trọng trước các thông tin liên quan đến công dụng sản phẩm, đặc biệt là các khoản hoa hồng “khủng”, lãi suất lớn...

Theo quy định, mức trần chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích khác cho nhà phân phối là 40% doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, do đó, mọi cam kết chi trả lớn hơn 40% đều là vi phạm pháp luật.

Cát Nhiên