.

Đi tìm giải pháp nước tưới tối ưu

Thứ Sáu, 18/08/2017, 15:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới đang ngày càng nghiêm trọng, nhất là đối với các vùng gò đồi, vùng ruộng cạn. Vừa qua, một số mô hình nông dân tự bỏ tiền ra đầu tư phương pháp tưới tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả tích cực.

Đầu tháng 8 này, theo chân đoàn công tác của Viện khoa học Thủy lợi miền Trung- Tây Nguyên đến thị sát tình hình canh tác vùng khô hạn ở các xã phía tây Quảng Bình, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều mô hình tưới tiết kiệm nước hiệu quả.

Mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây ăn quả.
Mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây ăn quả.

Thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch được xem là “thủ phủ” của cây hồ tiêu của địa phương. Mấy năm gần đây, hồ tiêu đang vươn lên chiếm ưu thế so với cây cao su và các loại cây trồng cạn khác. Một phần là do cây hồ tiêu ít bị thiệt hại do bão và đang được giá.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của cây hồ tiêu là phải thường xuyên bảo đảm nước. Trước đây, các hộ trồng tiêu chủ yếu tưới nước thủ công bằng cách bơm nước lên các mương tiêu để nước tự thấm xuống, hoặc tưới tràn trên mặt đất dẫn đến việc thất thoát nước, tốn nhiều công tưới và xói mòn đất.

Ông Lưu Đức Ngọc, chủ trang trại Thương Ngọc là người đi tiên phong trong việc ứng dụng mô hình tưới nhỏ giọt cho cây hồ tiêu. Dẫn chúng tôi ra vườn hồ tiêu, ông Ngọc giới thiệu, hơn hai năm trước, ông bỏ ra 120 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt này.

Hệ thống tưới gồm ba bộ phận: máy bơm, bộ điều khiển trung tâm và đường ống nhỏ giọt được đặt theo các luống cây. Nước được bơm vào bồn và dẫn tới hệ thống ống đặt khắp vườn rồi phun ra từ các lỗ nhỏ trên ống với một lượng vừa đủ để giữ ẩm cho cây hồ tiêu và không thất thoát ra ngoài. Nếu trước đây, phải cần nhiều người để tưới, thì nay, chỉ cần một người vặn van xả nước là đủ tưới cho hơn 2.000 gốc tiêu trên diện tích hơn 2ha của gia đình.

Ông Ngọc cho hay: “Trước đây, mình trồng tiêu dùng phương pháp thủ công để tưới thì chỉ có chống chết, chống cháy thôi chứ để tưới cho cây phát triển tốt thì không có. Khi có được hệ thông tưới nước tiết kiệm Israel, thì mình tưới thường xuyên, một năm 12 tháng chỉ có trừ ngày mưa thôi. Còn sau trời gió hanh, gió Nam thì mình vẫn tưới bình thường. Tưới rất tiết kiệm, cây trồng phát triển rất tốt, chống được bệnh tật. Chi phí đầu tư sau khoảng 3 năm thì có thể hoàn được vốn”.

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Diệm (ở TK Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung) áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho hơn 4ha hồ tiêu từ 2 năm nay, trong đó có hơn 2ha đã cho thu hoạch và 2ha đang bước vào thời kỳ thu hoạch. “Công nghệ này tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước tưới, giảm 80-90% công tưới nước. Ngoài ra, còn giảm được khoảng 40% lượng phân bón NPK. Trong khi đó, năng suất hồ tiêu tăng. Nếu trước đây được 1 tạ hạt thì nay tăng lên 1,4 tạ”- ông Diệm hồ hởi khoe.

Không chỉ áp dụng cho cây trồng lâu năm, tại Quảng Bình, hiện có trên 50 mô hình sử dụng hệ thống tưới phun mưa cho cây rau màu. Tại cơ sở sản xuất rau sạch An Nông, do anh Lê Đình Quả, xã Hòa Trạch (Bố Trạch) làm chủ, đã lắp đặt hai hệ thống tưới nước tiết kiệm gồm tưới phun mưa trên các loại rau, như: cải, muống, dền, mồng tơi, măng tây... và tưới ngầm cho các loại cây lấy quả, như: cà chua, bầu, bí, mướp...

Theo anh Quả, làm rau màu tốn công nhất là tưới nước. Mỗi ngày tưới vào hai lần sáng và tối. Nay, nhờ vào hệ thống tưới tiết kiệm nên công tưới giảm đáng kể. “Nếu theo truyền thống thì cơ sở sản xuất cần 5-6 người tưới nước, nay chỉ cần 1 người thôi. Nông dân lấy công làm lãi nên đó cũng là một  món lãi lớn cho mọi người và gia đình tôi” anh Quả cho hay.

Tại cơ sở sản xuất rau sạch của chị Nguyễn Thị Phương Lan, xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới), chị đã sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm bằng cách lắp hệ thống tưới phun mưa trên diện tích hơn 2 ha trồng các loại rau màu. Theo chị Lan, việc sử dụng công nghệ tưới này không chỉ giúp tiết kiệm được nguồn nhân công tưới nước mà còn giúp tiết kiệm nguồn nước cũng như phân bố đều lượng nước cho cây trồng mỗi lần tưới. Với địa hình vùng cát khắc nghiệt, vào mùa hè, khi nhu cầu nước tưới tăng cao, việc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp người sản xuất giải được “bài toán” thiếu nước tưới.

Chúng tôi đến thăm HTX nông nghiệp công nghệ cao (CNC) Kiến Giang ở thôn 1 Thanh Mỹ, Thanh Thủy (Lệ Thủy). Đây là mô hình điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của huyện được xây dựng bảo đảm đúng thiết kế quy chuẩn; mỗi thành viên HTX có quy mô sản xuất 600m2 nhà lưới trở lên.

Đặc biệt, tại đây, có hệ thống tưới nước tự động theo nhiều chế độ phun và nhỏ giọt để phục vụ sản xuất. Bởi vậy, mô hình rất thích hợp áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Giai đoạn I gồm 10 thành viên, giai đoạn II sẽ mở rộng liên kết sản xuất với các trang trại, gia trại tại các xã Cam Thủy, Hồng Thủy và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho một số gia trại tại Hưng Thủy...

Mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây hồ tiêu ở thị trấn Nông trường Việt Trung.
Mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây hồ tiêu ở thị trấn Nông trường Việt Trung.

Theo khuyến cáo của Viện khoa học thủy lợi miền Trung-Tây Nguyên,  tình trạng thiếu nước và hạn hán ở các tỉnh miền Trung xảy ra ngày càng trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn. Vào mùa khô, có tới 60- 90 ngày trong năm liên tục nắng nóng không có mưa, nhiều sông suối khô hạn. Việc thiếu hụt nguồn nước tưới ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp trong khu vực, hàng chục nghìn ha đất trồng lúa không gieo cấy được, năng suất cây trồng giảm.

Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết, thời gian qua, Sở đã có giải pháp giúp người dân phòng chống hạn, trong đó ưu tiên sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho một số loại cây trồng, như: hồ tiêu, cây ăn quả, rau màu...

Vừa qua, Sở đã tập trung chỉ đạo các địa phương chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng các loại cây chịu hạn. Riêng năm 2017, các địa phương đã chuyển đổi được gần 1.560ha, trong đó trồng khoai lang 650ha, đậu đỗ các loại 470ha, lạc 350ha...

Tại huyện Minh Hóa, từ khi trồng lạc có tưới nước tiết kiệm và thực hiện luân canh: lạc đông xuân- lạc hè thu- ngô thu đông, thu nhập bà con tăng từ 45 triệu lên 125 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có một số hộ đạt gần 150 triệu đồng.

Hiệu quả của phương pháp tưới tiết kiệm đã rõ, với nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với phương pháp tưới truyền thống, nhưng việc áp dụng vào sản xuất rất khó. Nguyên nhân chính là do vốn đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm nước khá lớn, trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ hoặc có hỗ trợ nhưng ít ỏi. Mặt khác, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm của người dân trên địa bàn cũng mới chỉ dừng lại ở một số đối tượng cây trồng cụ thể như: cây hồ tiêu, cây ăn quả, cây rau màu.

Hồng Quân