.

Đề xuất đánh thuế tài sản: "Cần thì có cần nhưng… lo vẫn nhiều"

Thứ Năm, 17/08/2017, 08:13 [GMT+7]

Việc xây dựng Luật thuế tài sản theo các chuyên gia có thể cần thiết nhưng điều đáng lo là cơ quan chức năng có thể xác định được tài sản của từng người hay không khi người Việt vẫn có thói quen dùng tiền mặt và cơ sở dữ liệu nhà, đất nghèo nàn, thiếu liên thông?

Đánh thuế nhà ở: Bây giờ mới làm là chậm?

Trong báo cáo mới đây, đại diện Bộ Tài chính đã nhắc tới một đề xuất đáng chú ý là cần nghiên cứu xây dựng Luật thuế tài sản để hạn chế đầu cơ, sử dụng bất động sản lãng phí.

Không nói rõ “tài sản” ở đây bao gồm những gì, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chỉ cho biết, đây là vấn đề đang được nghiên cứu.

“Trong tài sản, chỉ đánh thuế vào nhà không hay tài sản là những loại nào thì chưa có,” ông Thi nói.

Nói về ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho hay, hiện ở Việt Nam có một số loại thuế, phí lên quan tới đất đai như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, lệ phí trước bạ,… Tuy nhiên, theo bà các loại thuế hiện tại chỉ áp dụng với đất mà không phải với việc sở hữu nhà ở. Chính vì không phải đánh thuế nên theo bà Cúc, một số người vẫn có tâm lý tích trữ nhà để chờ giá lên. Bởi vậy, việc đánh thuế tài sản trong đó bao gồm cả nhà theo bà có thể cũng là một hình thức để hạn chế đầu cơ.

Theo bà, một số nước như Mỹ có quy định đánh thuế với tài sản có giá trị lớn như đất đai, nhà cửa rất cao với mục đích là không khuyến khích đầu cơ.

Ở hướng khác, trong văn bản gửi Bộ Tài chính, đại diện Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh lại bày tỏ quan điểm, Luật thuế tài sản có thể được nghiên cứu áp dụng với một số trường hợp trong đó có: Đánh thuế đối với người có nhiều nhà, đất (từ nhà thứ 2 trở đi) để phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản.

Nhắc tới việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội thậm chí còn cho rằng, luật thuế tài sản bây giờ mới đưa ra là chậm.

“Nguyên lý là cái gì phát sinh lợi nhuận thì phải đóng thuế, nhà ở cũng như tài sản khác. Quan niệm của ta vẫn chưa thông, cái gì phát sinh lợi nhuận thì phải đóng thuế nhưng riêng nhà, đất ta lại không nghĩ. Thế là không công bằng,” ông Điệp lên tiếng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Điều này theo ông càng quan trọng khi tới năm 2018-2020, nhiều loại thuế xuất nhập khẩu sẽ về 0%. Nguồn thu từ tài sản vì thế sẽ trở nên vô cùng quan trọng.

Thực tế, theo đánh giá của Bộ Tài chính, số thu thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,03% GPD và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Trong khi ấy, với các nước khác, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều. Cụ thể, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% GDP với các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ngoài ra, nguồn thu này cũng chiếm khoảng 0,6% GDP tại các nước đang phát triển và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi.

Đánh thuế nhà thứ 2: Cẩn thận gây bất bình đẳng

Đồng tình việc có nghiên cứu áp dụng Luật thuế tài sản nhưng phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cảnh báo, đây là vấn đề cần cẩn trọng vì thực tế thu nhập của người dân vẫn chưa cao.

Ngoài ra, theo ông, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở lên có thể không chuẩn xác. Ông lấy ví dụ về việc một gia đình có 4 người có thể ở trong căn hộ 400 m2, tức là bình quân mỗi người có 100 m2. Thế nhưng, cũng gia đình 4 người nhưng theo ông chỉ có 60m2 đất. Vì cuộc sống, 60m2 này gia đình chia làm 2 nhà, một nhà 30 m2 để ở, còn lại 1 căn nhà cho thuê.

Như thế, theo ông, nếu đánh thuế cao với người có 2 căn nhà trong trường hợp này là không công bằng. “Về mặt sử dụng tài nguyên thì rõ ràng gia đình có 400 m2 kia sử dụng nhiều tài nguyên hơn nhà có 60 m2,” ông Thịnh nói.

Bởi thế, theo vị chuyên gia nhiều kinh nghiệm, cần xem xét diện tích tối thiểu để không đánh thuế.

“Nếu ta chỉ tính theo căn nhà thì cũng chẳng góp phần giảm đầu cơ trên thị trường mà còn gây bất bình đẳng,” ông đánh giá.

Góp ý cụ thể hơn cho ý kiến, trong văn bản gửi tới các bộ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất không thu thuế tài sản đối với nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn hay nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong trường hợp xuất hiện nguy cơ thị trường bất động sản sốt "bong bóng", đại diện hiệp hội này đề xuất đánh thuế cao đối với trường hợp chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi mua (có thể tính thời gian trong năm đầu tiên) để giúp ổn định nhanh thị trường bất động sản.

Lo dữ liệu không… tới nơi tới chốn

Quay lại câu chuyện đánh thuế nhà, đất, điều khiến phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh lo lắng hơn cả là hiện người dân vẫn sử dụng nhiều tiền mặt trong các quan hệ mua bán bất động sản, tài sản lớn nên việc hạch toán, xem xét nguồn gốc khó “tới nơi tới chốn.”

“Đó là chưa kể, tài sản người này nhưng đứng tên người khác nhưng cơ quan chức năng khó xác định khi cơ sở dữ liệu không đầy đủ,” ông Thịnh nói.

Vấn đề vị chuyên gia của Học viện Tài chính nêu lên nhận được sự đồng tình của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam.

Bà chỉ ra thực tế, dữ liệu của Việt Nam về nhà, đất muốn quản lý tốt phải có sự liên thông giữa các cơ quan quản lý như Sở Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính,… nhưng thực tế ở Việt Nam “ngay cả dữ liệu của sở cũng chưa tốt.”

Theo bà, các nước khác, đây là vấn đề được quản lý rất rõ ràng, có bản đồ địa chính chỉ ra từng chủ sở hữu của căn hộ, một người có nhà tại những đâu. Thế nhưng với Việt Nam, theo bà có tình trạng “nhà cho thuê ngay trung tâm nhưng vẫn để sót bao nhiêu năm.”.

Theo Xuân Dũng (Vietnam+)