.

Để nhãn hiệu gắn liền nông sản

Chủ Nhật, 27/08/2017, 11:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Để một sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường, tạo dấu ấn với khách hàng và bảo vệ được sở hữu trí tuệ trước vô vàn các mặt hàng giả, nhái, kém chất lượng, nhãn hiệu hàng hóa đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đặc biệt, đối với các mặt hàng nông sản-đại diện tiêu biểu cho nông nghiệp địa phương, việc tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng và nâng tầm chất lượng sản phẩm phụ thuộc phần nhiều vào chính nhãn hiệu của nông sản đó. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng nông sản, tỉnh ta đã xây dựng được nhãn hiệu, khẳng định thương hiệu trên thị trường, thì vẫn còn đó không ít các sản phẩm tiềm năng chưa vượt qua được “cửa ải” tiên phong này.

 

Cùng một sản phẩm dầu thực vật nhưng lại có tới 2 nhãn hiệu hàng hóa khác nhau
Cùng một sản phẩm dầu thực vật nhưng lại có tới 2 nhãn hiệu hàng hóa khác nhau

Anh Trần Chí Thân và chị Phạm Thị Nhân (Đức Ninh Đông, TP.Đồng Hới) bắt đầu sản xuất dầu thực vật nguyên chất từ đầu năm 2017. Cả hai anh chị đều đã có công việc làm ăn của riêng mình.

Xuất phát từ nỗi băn khoăn về nguồn nguyên liệu lạc ở Khương Hà, Bố Trạch (quê của chị Nhân) tuy bảo đảm về chất lượng, sản lượng duy trì tốt, nhưng đầu ra kém hiệu quả, trong khi ở TP.Đồng Hới và vùng phụ cận, nhu cầu về dầu ăn sạch rất lớn, anh chị quyết định bắt tay vào mô hình sản xuất dầu thực vật nguyên chất Thiên Thảo.

Với nguồn vốn vay mượn và tích lũy bấy lâu, anh chị đầu tư 1 hệ thống máy ép dầu, bộ lọc hiện đại. Bước đầu, anh chị đứng ra làm dịch vụ nhận nguyên liệu (lạc, vừng...) của bà con đến ép lấy dầu với giá 21.000 đồng/lít. Tiếp đó, chị Nhân mạnh dạn quảng bá sản phẩm thông qua mạng xã hội và các cửa hàng, đại lý trong thành phố. Chị cũng tích cực cho bạn bè, người quen dùng thử sản phẩm để tạo niềm tin dần với khách hàng. Nguồn nguyên liệu từ vùng lạc Bố Trạch luôn bảo đảm sạch và an toàn, quy trình sản xuất khép kín, do đó, khách hàng bắt đầu tin dùng và ưa chuộng.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm mở rộng ra các tỉnh bạn, không còn gói gọn trong nội thành Đồng Hới. Sau 6 tháng đi vào hoạt động, cơ sở sản xuất của chị mỗi tháng ép được hơn 300 lít dầu thực vật. Mỗi lít bán trên thị trường với giá từ 180.000-200.000 đồng (dầu mè), từ 110.000-120.000 đồng (dầu lạc). Máy ép hoạt động từ 25-30 lần/tháng. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với một cơ sở sản xuất tuổi đời còn non trẻ.

Tiềm năng từ sản phẩm dầu thực vật nguyên chất là thấy rõ, nhưng băn khoăn của chị Phạm Thị Nhân chính là ở nhãn hiệu của sản phẩm. Trên thực tế, cơ sở sản xuất của chị vẫn chưa có nhãn hiệu đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm dầu mè, dầu lạc.

Chị Nhân giới thiệu cho chúng tôi hai nhãn hiệu được in từ một cửa hàng photocopy. Một nhãn in màu đẹp để dùng cho các sản phẩm giới thiệu vào cửa hàng, siêu thị lớn; một nhãn in đen trắng thủ công cho những sản phẩm hướng đến đối tượng là khách hàng nhỏ, lẻ. Sở dĩ như vậy là bởi theo chị Nhân, bà con thường có quan niệm, sản phẩm truyền thống thì không cần có nhãn hiệu, nhãn mác vẫn được tin dùng.

Vì lẽ đó, anh chị cũng mong muốn xây đựng được nhãn hiệu uy tín, chất lượng, phù hợp với sản phẩm, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu và lộ trình như thế nào. Anh chị xác định, phải có được nhãn hiệu, được bảo hộ đầy đủ, mới có thể nâng tầm sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin cho khách hàng.

Ông Ngô Văn Minh (Hương Hóa, Tuyên Hóa) liên tục giải thích cho chúng tôi về sản phẩm mật ong của mình, bởi ông lo lắng sự nhầm lẫn khi có một người nuôi ong ở Minh Hóa, cùng tên cùng họ với ông, cũng đang bán sản phẩm mật ong. Bắt đầu nuôi ong được gần 10 năm, sau một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi, hiện tại, ông Minh đang duy trì hơn 20 đàn ong. Sản lượng đạt hơn 400 chai mật ong/năm. Với chất lượng cao, mang hương vị đặc trưng, sản phẩm của ông được thị trường yêu thích, ưa chuộng và được giới thiệu, bày bán ở nhiều địa điểm.

Tuy nhiên, sản phẩm mật ong của ông Minh vẫn chưa có nhãn hiệu mà mới chỉ được dán một nhãn giới thiệu sản phẩm thô sơ, thủ công. Tấm nhãn này rất dễ dàng bị bóc tách, làm giả và nhất là chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến mật ong của ông Minh và các cơ sở sản xuất khác trên địa bàn khó tìm được đầu ra trên thị trường.

Chính vì vậy, ông rất lo lắng về nguy cơ bị nhẫm lẫn hay làm giả sản phẩm và mong muốn có được nhãn hiệu sản phẩm ổn định, tạo được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, cũng như trường hợp của chị Nhân, ông Minh vẫn đương loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu.

Theo số liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, riêng năm 2016, Quảng Bình có 35 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Đây là tín hiệu vui cho thấy các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã quan tâm chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của mình trong lộ trình hội nhập thị trường.

Đối với các mặt hàng nông sản, nhất là nông sản sạch, việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đóng vai trò quan trọng.
Đối với các mặt hàng nông sản, nhất là nông sản sạch, việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, để tiếp cận được việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với nhiều cơ sở sản xuất hộ gia đình, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khóa khăn, không phải là điều dễ dàng. Do đó, khâu tuyên truyền, phổ biến thông tin về lĩnh vực sở hữu trí tuệ rất cần được đẩy mạnh. Đặc biệt, cần có sự vào cuộc tích cực hơn của các đoàn thể, hội nghề nghiệp-những đơn vị gắn bó chặt chẽ nhất với các hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Ông Lê Mậu Khánh, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương, cho biết, theo Quyết định 26/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành quy định nội dung và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình, tỉnh hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn; mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 35 triệu đồng/thương hiệu. Hiện tại, Trung tâm đang tích cực triển khai hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần của Quyết định.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1461/QĐ-UBND ngày 23 tháng 06 năm 2011 về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020.

Theo đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được nhận các tài liệu chuyên môn, các văn bản quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ miễn phí do Sở Khoa học và Công nghệ phát hành.

Các tổ chức, cá nhân thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam được hỗ trợ mức tối đa 5.000.000 đồng/01 nhãn hiệu hàng hoá đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp được hỗ trợ tối đa 20.000.000 đồng sau khi có quyết định công nhận độc quyền sở hữu của Cục Sở hữu trí tuệ cấp.

Mai Nhân