.

Để mỗi hướng dẫn viên là "đại sứ" du lịch

Chủ Nhật, 06/08/2017, 18:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh cần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề, trong đó, nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên đóng vai trò then chốt.

Cung không đủ cầu

Một năm sau sự cố môi trường biển, Quảng Bình từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức và vực dậy ngành du lịch. Du lịch Quảng Bình dần khởi sắc với tổng số lượt khách 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,5 triệu lượt, tăng 17% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 27.000 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ; số lượt khách lưu trú ước đạt 315.163 lượt, tăng 15,3% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 10.539 lượt, tăng 23% so với cùng kỳ.

Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch đến với Quảng Bình, đến nay, toàn ngành có khoảng 4.000 lao động trực tiếp và 8.300 lao động gián tiếp, tổng số lao động trong các cơ sở khoảng 3.400 người.

Tuy nhiên, vấn đề thiếu lao động làm hướng dẫn viên trong ngành du lịch của tỉnh luôn là một bài toán khó. Theo thống kê của Sở Du lịch, hiện Sở đã cấp mới và cấp đổi thẻ cho 226 hướng dẫn viên du lịch, trong đó có 138 thẻ hướng dẫn viên nội địa, 88 thẻ hướng dẫn viên quốc tế. Tuy nhiên, đã có 50 thẻ hết hạn sử dụng (7 thẻ hướng dẫn viên quốc tế, 43 thẻ hướng dẫn viên nội địa).

Riêng 6 tháng đầu năm 2017, Sở Du lịch đã cấp mới và cấp đổi 38 thẻ hướng dẫn viên, trong đó có 25 thẻ hướng dẫn viên nội địa, 13 thẻ hướng dẫn viên quốc tế. Tuy không có số liệu thống kê cụ thể về số lượng hướng dẫn viên đang làm việc ở tỉnh ta hiện nay (nhiều hướng dẫn viên du lịch hoạt động tự do), nhưng trên thực tế lượng hướng dẫn viên không nhiều.

Hơn nữa, đa phần những hướng dẫn viên quốc tế chủ yếu chuyên sâu về tiếng Anh, còn các ngoại ngữ hiếm lại rất hạn chế (Năm 2016: cấp mới và cấp đổi 25 thẻ hướng dẫn viên tiếng Anh, 2 tiếng Đức, 1 tiếng Trung, 1 tiếng Nhật, 1 tiếng Tây Ban Nha, 5 tiếng Thái). Số lượng thiếu, chất lượng chưa cao là những tồn tại trong đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của tỉnh ta hiện nay.

Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin là một trong số những công ty lữ hành đang phải đối mặt với thực trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch, đặc biệt vào mùa cao điểm. Ông Trần Xuân Cương, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh, Giám đốc Công ty chia sẻ, hiện công ty đang có 6 hướng dẫn viên du lịch và 3 cộng tác viên nhưng vẫn không đủ số lượng phục vụ khách đi tour. Để đáp ứng nhu cầu, công ty đang thông báo tuyển dụng hướng dẫn viên du lịch nhưng tìm được hướng dẫn viên có năng lực, chuyên nghiệp không phải là chuyện đơn giản.

Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, vấn đề số lượng thiếu, chất lượng chưa cao của hướng dẫn viên là do nhiều nguyên nhân. Trước hết, sự cố môi trường biển năm 2016 đã tác động đến nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đặc biệt phải kể đến là nhiều hướng dẫn viên ngừng làm việc tại các đơn vị lữ hành trong tỉnh để đến các tỉnh, thành phố khác.

Đến năm 2017, khi ngành du lịch có những chuyển biến tích cực, lượng khách ngày càng tăng, đặc biệt là xu thế khách đi tour ngày càng nhiều, nên số lượng hướng dẫn viên đã không đáp ứng được sự thay đổi.

Còn theo ông Hà Minh Tuân, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Du lịch, nhiều đơn vị lữ hành ở tỉnh ta vừa mới thành lập, quy mô nhỏ, hoạt động chưa chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ còn hạn chế, chưa thu hút được đội ngũ hướng dẫn viên, đặc biệt là những hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

Hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn du khách tham quan.
Hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn du khách tham quan.

Một nguyên nhân nữa mà nhiều người làm trong ngành du lịch đề cập đến là du lịch Quảng Bình còn khá non trẻ so với nhiều địa phương trong cả nước và mới trên đà phát triển trong những năm gần đây. Để đội ngũ hướng dẫn viên  đáp ứng số lượng cũng như chất lượng, cần phải có thời gian và những trải nghiệm thực tế.

Anh Phạm Xuân Trung, Chủ nhiệm câu lạc bộ Du lịch trách nhiệm Quảng Bình cũng đồng tình với ý kiến trên và cho biết, câu lạc bộ Du lịch trách nhiệm Quảng Bình thành lập cách đây 5 năm, hiện có 35 thành viên. Câu lạc bộ là nơi tập trung phần lớn hướng dẫn viên du lịch trong tỉnh, một số thành viên làm việc ở các công ty lữ hành, còn đa số là hướng dẫn viên tự do. Những thành viên trong câu lạc bộ có tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ. Để trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, đòi hỏi các bạn không chỉ giỏi về chuyên môn, kiến thức trên các lĩnh vực mà còn cần có các kỹ năng, biết nhận định, xử trí các vấn đề trong chuyến đi...

Cũng theo anh Trung, du lịch Quảng Bình hiện nay còn mang nặng tính mùa vụ, cơ hội để va chạm và tiếp xúc thực tế của hướng dẫn viên du lịch còn hạn chế. Hơn nữa, số bạn trẻ được nhận làm ở các đơn vị, công ty lữ hành chưa nhiều, đa phần là những hướng dẫn viên tự do nên thiếu sự ổn định trong công việc. Vì vậy, chuyện hướng dẫn viên tìm môi trường làm việc ở các tỉnh, thành phố khác ít bị ảnh hướng bởi tính mùa vụ là điều dễ hiểu.

Đặc biệt vào mùa cao điểm du lịch (cuối tháng 4 đến đầu tháng 9), vấn đề thiếu hướng dẫn viên lại càng “nóng” hơn bao giờ hết, nên giải pháp trước mắt của câu lạc bộ là tự liên hệ, tìm nguồn hướng dẫn viên của một số thành phố, như: Huế, Đà Nẵng...

Lời giải cho bài toán khó

Hướng dẫn viên du lịch được ví như “đại sứ” quảng bá hình ảnh, văn hóa, lịch sử của Quảng Bình đến với du khách, góp phần không nhỏ vào sự phát triển du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, vai trò của hướng dẫn viên là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một tour du lịch, để du khách quay trở lại tham quan, trải nghiệm. Vì vậy, việc nâng cao số lượng cũng như chất lượng hướng dẫn viên du lịch là một bài toán cần được quan tâm và phải tìm ra lời giải thiết thực.

Dù vẫn còn không ít khó khăn nhưng với những hướng đi đã mở, tin rằng đội ngũ hướng dẫn viên sẽ đủ nội lực để là những “đại sứ” trực tiếp quảng bá mảnh đất Quảng Bình đến với du khách gần xa và từng bước đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Nguyễn Văn Kỳ khẳng định câu trả lời chính là ở các công ty lữ hành. Hiện nay, tỉnh ta có 36 công ty lữ hành, trong đó 10 đơn vị lữ hành quốc tế. Cho nên, mỗi đơn vị lữ hành phải không ngừng nỗ lực khẳng định vị thế của mình để thu hút những hướng dẫn viên chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của công ty.

Ngoài ra, Sở Du lịch cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lớp tập huấn định kỳ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Thông qua khóa học, hướng dẫn viên sẽ được cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến chủ trương, chính sách của Nhà nước về du lịch, hiện trạng kinh tế - xã hội... ; tình hình phát triển du lịch của Việt Nam, của tỉnh và chiến lược phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới..., qua đó, nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên.

Liên quan đến giải pháp này, ông Trần Xuân Cương cũng chia sẻ thêm, hiện nay, để tuyển hướng dẫn viên chuyên nghiệp là rất khó, chính vì vậy công ty sẽ tuyển những bạn mới vào nghề, sau đó cho các bạn học thêm, tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn viên du lịch và học hỏi dần kinh nghiệm, trao dồi kiến thức, vốn ngoại ngữ từ những hướng dẫn viên lành nghề.

Còn theo ông Lê Thanh Lợi, Giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, để nâng cao chất lượng hướng dẫn viên du lịch, yếu tố tiên quyết là tự bản thân mỗi người hướng dẫn viên. Vì hướng dẫn viên là một nghề đặc thù, người hướng dẫn viên được ví như “bách khoa toàn thư”, nên ngoài kiến thức đa dạng về môi trường xung quanh, hiểu biết về vấn đề khoa học xã hội, lịch sử các di tích, thắng cảnh và yếu tố quan trọng là ngoại ngữ thì đòi hỏi người hướng dẫn viên phải có nhiều kỹ năng trong cuộc sống. Bởi vậy, nếu không tự học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn viên sẽ bị đào thải.

Cùng tham gia hoạt động du lịch, nên bài toán này cũng là trăn trở của những thành viên trong câu lạc bộ Du lịch trách nhiệm Quảng Bình. Câu lạc bộ không chỉ tạo điều kiện để mọi người hỗ trợ nhau trong công việc mà còn là nơi các bạn hướng dẫn viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động góp phần nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, như: Gala kết nối du lịch Quảng Bình năm 2016, góp phần tạo môi trường gặp gỡ, giao lưu giữa đội ngũ hướng dẫn viên với gần 200 doanh nghiệp, đơn vị lữ hành trong khu vực.

Các chương trình thiện nguyện do câu lạc bộ tổ chức sẽ giúp các bạn có những hiểu biết thêm về phong tục, tập quán các vùng miền và trải nghiệm thực tế. Mặt khác, anh Trung cũng như các thành viên trong câu lạc bộ hy vọng trong thời gian tới tỉnh sẽ có thêm các điểm vui chơi giải trí để du khách có thời gian lưu trú dài hơn và mong muốn có những sân chơi, cuộc thi dành cho hướng dẫn viên du lịch.

Nắm bắt được nhu cầu thực tế, Trường đại học Quảng Bình cũng đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên để tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch của tỉnh. Ông Trần Tự Lực, Trưởng Khoa kinh tế - du lịch, Trường đại học Quảng Bình cho biết, chương trình đào tạo đã cung cấp các kiến thức cơ bản về công tác hướng dẫn du lịch, hơn nữa các học viên sẽ được tham gia các buổi đi thực tế để rèn luyện kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm...

Dù vẫn còn không ít khó khăn nhưng với những hướng đi đã mở, tin rằng đội ngũ hướng dẫn viên sẽ đủ nội lực để là những “đại sứ” trực tiếp quảng bá mảnh đất Quảng Bình đến với du khách gần xa và từng bước đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

A.N