.

Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại: Trăn trở sau tái cơ cấu

Thứ Bảy, 19/08/2017, 16:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến thời điểm tháng 8 này, Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại (Công ty Long Đại) cơ bản hoàn tất các bước tái cơ cấu lại doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, để thực hiện sản xuất kinh doanh có hiệu quả sau khi tái cơ cấu, Công ty đang gặp không ít khó khăn, trong đó nổi lên là nguồn vốn đầu tư để trồng và bảo vệ rừng.

Ông Phan Đình Linh, Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty cho biết, Long Đại sau khi chuyển đổi, Công ty tập trung vào các ngành nghề sản xất chính là: trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng; trồng, chăm sóc, chế biến mủ cao su, rừng trồng; chế biến, kinh doanh gỗ lâm sản các loại; khai thác, chế biến nhựa thông... Về cơ bản, Công ty từng bước thực hiện xã hội hóa nghề rừng, nghĩa là giao đất giao rừng đến tận hộ và người lao động, gắn trách nhiệm của người công nhân với những cây rừng mà họ được giao làm chủ.

Sau khi tái cơ cấu, Công ty đã bàn giao 12.600ha cho địa phương quản lý, sử dụng. Theo kết quả kiểm kê rừng cuối năm 2016 và thống kê diện tích rừng đầu năm 2017, Công ty hiện đang quản lý 91.467 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó có 70.050 ha rừng tự nhiên. Rừng trồng đã thành rừng 9.665 ha; đất trống và rừng trồng chưa thành rừng 11.750 ha.

Về lao động, hiện tại, Công ty có 751 người, sau khi sắp xếp, đã giải quyết cho 32 người nghỉ theo chế độ dôi dư. Về tổ chức bộ máy, Công ty thực hiện tinh giảm bộ phận gián tiếp, ưu tiên cho các đơn vị trực tiếp sản xuất, sắp xếp lại bộ phận Văn phòng Công ty còn lại 4 phòng, ban nghiệp vụ, kiện toàn lại 9 đơn vị trực thuộc.

Công nhân nhận rừng thông chăm sóc khai thác.
Công nhân nhận rừng thông chăm sóc khai thác.

Chủ tịch Công ty cho biết, sắp tới Công ty sẽ thành lập mới Nhà máy chế biến gỗ cao su. Ngoài ra, Công ty còn góp vốn, giữ quyền chi phối với Công ty cổ phần chế biến nhựa thông Quảng Bình và Công ty cổ phần chế biến lâm sản xuất khẩu Quảng Đông. Về nguồn vốn, tại thời điểm này, vốn điều lệ của công ty là 136,9 tỷ đồng, chỉ đáp ứng một phần cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Để duy trì và mở rộng sản xuất sau khi tái cơ cấu, Công ty sẽ đầu tư thêm nguồn vốn (chủ yếu là vốn vay từ các ngân hàng thương mại) để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trong khi ở nhiều nơi, dù rừng đã có chủ nhưng vẫn bị tàn phá, suy kiệt nặng nề thì vốn rừng của Công ty Long Đại không ngừng phát triển. Từ mô hình này cho thấy, việc sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả của công ty lâm công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị đã mang lại thành công, khi trách nhiệm được gắn liền với lợi ích của các bên.

Theo chân Giám đốc Chi nhánh lâm trường rừng thông Bố Trạch, ông Lê Xuân Hoàn (thuộc Công ty Long Đại), chúng tôi gặp chị Lê Thị Hồng, ở xã Sơn Lộc. Gia đình chị được nhận khoán của lâm trường để chăm sóc, khai thác 2,5ha thông nhựa, tổng cộng có 2.600 cây. Sau cơn bão số 10 năm 2013, nay chị chỉ còn khoảng 2/3 số cây. Thông ở đây cây nào cũng được đánh số và có hồ sơ riêng để theo dõi. Mấy năm nay, khoảnh rừng này đã gắn bó với bao nỗi vui buồn của nhà chị.

Toàn bộ cuộc sống gia đình, từ bữa ăn hàng ngày đến chuyện học hành của con cái, tu sửa nhà cửa... đều trông vào rừng cây như nhà nông cậy vào thửa ruộng của mình. Thế nên, vợ chồng chị chăm rừng từng li từng tí: thực bì luôn được dọn sạch; cây nào có hiện tượng sâu bám là lập tức diệt trừ; những ngày nhựa đầy bát, đêm nào chồng chị cũng vào rừng ngủ để phòng mất cắp.

Bởi thế, thu nhập của vợ chồng chị mỗi tháng luôn giữ ở mức gần 10-12 triệu đồng. Điều đáng mừng là từ cuối năm 2016 đến nay giá nhựa thông liên tục tăng nên thu nhập của gia đình chị cũng tăng đáng kể, đủ trang trải cho 2 đứa con ăn học và có chút tích lũy.

Qua câu chuyện với Giám đốc chi nhánh lâm trường, được biết vợ chồng chị Hồng là một trong số hàng trăm, hàng nghìn hộ dân khác đang tham gia nhận khoán rừng của Công ty và có được cuộc sống thật sự ổn định. Chi nhánh Lâm trường rừng thông quản lý 3.100ha rừng trong đó có 1.450ha thông nhựa, 1.200ha keo tràm và 450ha cây cao su. Xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch có gần nửa số dân với hơn 200 hộ tham gia nhận khoán bảo vệ, khai thác rừng thông và cao su từ Công ty.

Đa số hộ dân ở đây cho biết việc liên kết với Công ty để nhận khoán rừng là một hướng đi đúng và rất hiệu quả để giải quyết một lúc hai vấn đề vốn rất nan giải của địa phương bấy lâu. Đó là giảm áp lực phá rừng và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho bà con. Với mức thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/người/tháng, đời sống một bộ phận không nhỏ người dân trong xã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi là vô vàn khó khăn. Nếu như trước đây Công ty có 2 nguồn thu nhập chính là bán gỗ rừng tự nhiên và gỗ rừng trồng, nhựa thông, thì từ đầu năm 2017 rừng tự nhiên không còn khai thác nữa. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh thu của Công ty bị sụt giảm mất 30%. Năm 2017, Công ty thực hiện khai thác gỗ tròn tự nhiên 5.500m3 (chỉ tiêu khai thác rừng tự nhiên được giao trong năm 2016); dự kiến khai thác, thu mua rừng trồng nguyên liệu 40.000 tấn... Nếu phấn đấu hết sức thì doanh thu cũng chỉ đạt 110 tỷ đồng (sụt 16 tỷ đồng), nộp ngân sách 6,2 tỷ đồng (sụt 3 tỷ đồng so với năm 2016).

Một vấn đề nan giải nữa là sau khi đóng cửa rừng tự nhiên có 65 lao động, trong đó phần lớn có thâm niên nghề rừng thuộc đơn vị khai thác gỗ sẽ không có việc làm. Ngoài ra, có gần 90 nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên ở các lâm trường cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định do thiếu kinh phí.

Để mô hình Long Đại nói riêng và loại hình công ty lâm nghiệp nói chung có thể vận hành tốt hơn, cần thiết phải có những điều chỉnh trong chính sách quản lý ở cả tầm Trung ương và địa phương. Một công ty lâm nghiệp có thể đứng vững được, trước hết phải có quy mô về diện tích đủ lớn (hơn 50 nghìn ha) để có thể tổ chức sản xuất kinh doanh và thực hiện quá trình tập trung hóa sản xuất các loại sản phẩm hàng hóa, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, khi Nhà nước đã cho doanh nghiệp thuê đất thì phải bảo đảm tính ổn định, bởi có ổn định thì doanh nghiệp mới xây dựng được quy hoạch sản xuất và bảo đảm tư liệu sản xuất để phục vụ chuyên môn hóa trong sản xuất kinh doanh. Trong chính sách tài chính, Nhà nước cần có sự ưu tiên, như việc hoàn thiện thủ tục cho thuê, có miễn giảm thuế đất, nhất là với diện tích đất rừng tự nhiên.

Trọng Thái