.

Chuyện người cựu chiến binh trồng tiêu dưới chân lèn ông Ngoi

Thứ Ba, 01/08/2017, 09:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi đến thăm mô hình làm kinh tế của gia đình hội viên Hội CCB Đinh Minh Phượng ở thôn Kiều Tiến, xã Yên Hóa giữa lúc gia đình đang thu hoạch hồ tiêu. Vườn tiêu trải dài ngút tầm mắt, không khí thu hoạch tiêu rôm rả bởi tiếng cười nói của các thành viên trong gia đình.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, năm 1986, anh Đinh Minh Phượng trở về quê hương xây dựng gia đình. Ngày đó, hộ anh thuộc diện nghèo nhất trong thôn do con nhỏ, lại nuôi cha mẹ già yếu.

Cuộc sống cả gia đình 3 thế hệ chỉ trông cậy vào 2 sào ruộng, nên năm nào gia đình cũng thiếu ăn. Với bản chất người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, sau nhiều đêm trăn trở, anh Phượng quyết định nhận vùng đất đồi để trồng tiêu, vay vốn chăn nuôi trâu bò. Năm đầu tiên do thiếu kiến thức cơ bản về cây hồ tiêu, vườn tiêu nhà anh chết hàng loạt, trâu bò cũng phát triển không như ý muốn.

Bao nhiêu vốn liếng bỏ ra coi như thất bại, không chỉ trắng tay mà Phượng còn gánh thêm một khoản nợ. Là trụ cột của gia đình, anh đã quyết định vào Gia Lai làm thuê kiếm tiền trả nợ, cho con cái học hành và học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Hai năm ở đất khách, có được ít vốn và kinh nghiệm, anh trở về bắt tay làm lại mô hình kinh tế mà mình đã từng thất bại.

Vườn tiêu của gia đình CCB Đinh Minh Phượng (Yên Hóa, Minh Hóa).
Vườn tiêu của gia đình CCB Đinh Minh Phượng (Yên Hóa, Minh Hóa).

Không có vốn thuê nhân công, anh cùng vợ con vào rừng đào cây về làm trụ trồng tiêu, xin giống về trồng và nhân giống dần từng năm. Năm 2013, gia đình anh Phượng đã trồng được 100 gốc tiêu, nhân lên theo từng năm trên quỹ đất sẵn có, đến nay, gia đình anh đang có 900 gốc tiêu phát triển tốt, cho thu nhập ổn định.

Anh Phượng cho biết, cây hồ tiêu phù hợp với vùng đất này, đồng thời muốn cây phát triển tốt, cho năng suất cao, phải sử dụng phân chuồng, vôi để bón cho cây. Mỗi vụ tiêu gia đình anh thu mua trên 10 khối phân chuồng từ huyện Tuyên Hóa để về chăm sóc cho cây tiêu. Vụ tiêu này gia đình anh thu hoạch trên 6 tạ tiêu, với giá thị trường hiện nay là 90.000 đồng/kg, gia đình anh sẽ có thu nhập gần 60 triệu đồng.

Tuy nhiên, do giá hồ tiêu đang giảm so với năm ngoái, nên gia đình sẽ dự trữ chờ giá lên mới bán. Khoảng gần một tháng sau khi thu hoạch xong lứa hồ tiêu này, gia đình sẽ tập trung bón phân, làm cỏ, chăm sóc để chờ lứa tiêu tiếp theo.

Ngoài cây tiêu, anh Phượng còn trồng 4 ha rừng kinh tế, lứa đầu tiên bán được trên 100 triệu, lứa thứ hai đã gần 3 năm tuổi. Gia đình còn đầu tư chuồng trại nuôi gà, năm nhiều nhất bán được 500 con. Năm nay, anh đang chăm sóc trên 200 con và nuôi thêm 8 con bò. Anh còn trồng trên 10 ha lạc, ngô, đậu các loại và lúa. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, con cái được anh đầu tư cho đi học nghề và đều trưởng thành.

Ông Đinh Ngọc Tân, Phó Chủ tịch thường trực Hội CCB huyện Minh Hóa cho biết: “Hội viên Đinh Minh Phượng, biết tính toán làm ăn, sử dụng tiềm năng và lợi thế đất đai rất hợp lý và hiệu quả. Đây là mô hình Hội lựa chọn để giới thiệu cho các hội viên khác đến tham quan và học hỏi”. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Phượng còn nhiều năm liền giữ chức Phó Chủ tịch Hội CCB và đại biểu HĐND xã, Phó Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng chi hội CCB thôn Kiều Tiến. Những tổ chức chính trị, đoàn thể anh tham gia đều đạt thành tích cao trong các phong trào hoạt động.

Riêng Chi hội CCB thôn Kiều Tiến luôn đạt chi hội trong sạch, vững mạnh toàn diện. Và mới đây, anh còn được hội viên tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội CCB xã Yên Hóa, đây là sự ghi nhận đồng thời cũng là trọng trách lớn để đưa phong trào hoạt động của Hội CCB xã ngày càng phát triển.

Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)