.

Bố Trạch: Vốn ưu đãi phát huy hiệu quả trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 04/08/2017, 08:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Bố Trạch đã liên tục triển khai nhiều giải pháp về giảm nghèo nhằm từng bước nâng cao đời sống của bà con vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện đã có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, ổn định an sinh xã hội nơi đây.

Nằm về phía Tây cách trung tâm huyện Bố Trạch hơn 50 cây số, với địa bàn miền núi rộng lớn, xã Thượng Trạch có trên 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi tháng đến hẹn lại lên, cán bộ NHCSXH lại đến với bà con xã Thượng Trạch, giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp bà con sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Tính đến tháng 7-2017, dư nợ đạt trên 2.478 triệu đồng với 373 hộ được vay vốn, trong đó có 306 hộ vay vốn dân tộc thiểu số với số tiền 1.530 triệu đồng và có lãi suất 0%. Với 6 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) do Hội Nông dân và Hội Phụ nữ quản lý, đến thời điểm này, toàn xã chưa có hộ nào để nợ quá hạn.

Đặc biệt là trong thời gian gần đây, với những nỗ lực không mệt mỏi của NHCSXH huyện, chất lượng tín dụng chính sách đang tiến bộ từng ngày, từ chỗ không có giao dịch đến nay hàng tháng đã có người dân tham gia. Nhiều hộ gia đình đã biết sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích để làm kinh tế, như: hộ gia đình anh Đinh Mề, Y Cát, Y Loan, Đinh Thức, Đinh Xức... ở bản Cà Roòng 1 và Cà Roòng 2. Hầu hết các hộ đã cố gắng trả nợ đúng hạn, đúng kỳ.

Phối hợp, lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Phối hợp, lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Anh Đinh Xức, một hộ nghèo ở bản Cà Roòng 2 cho biết, cán bộ NHCSXH huyện lên Thượng Trạch vận động người dân làm kinh tế và hỗ trợ vay vốn. Trong bản, đất đai phát triển sản xuất không có nhiều nên chủ yếu bà con đầu tư chăn nuôi. Anh cũng vay được 30 triệu đồng để đầu tư nuôi bò sinh sản, hiện đàn bò đang được nhân giống, phát triển tốt.

Để có những bước chuyển biến đó, từ đầu năm đến nay, NHCSXH huyện tiếp tục chỉ đạo nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, Tổ TK và VV; rút ngắn thời gian giao dịch tại xã, hoạt động giao dịch đã đi vào nền nếp, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản. Đơn vị tiếp tục thực hiện chỉ đạo rà soát các tổ TK và VV có chất lượng hoạt động yếu kém để kiện toàn và thay thế.

Tuy nhiên bên cạnh đó, ý thức có vay có trả của đồng bào còn rất hạn chế, hầu như chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, bên cạnh những khó khăn là xã miền núi với điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, dịch bệnh thường xảy ra, trình độ dân trí hạn chế của đồng bào đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của NHCSXH. Phần lớn bà con chưa biết chữ, nên công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến thông tin, chính sách của Nhà nước cũng rất khó khăn.

Anh Hoàng Anh Toàn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bố Trạch cho biết, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong thời gian tới, để đồng bào được tiếp cận, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng chính sách, chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (khuyến công, nông, lâm, ngư....) hướng dẫn dạy nghề, định hướng sản xuất, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với các hộ vay vốn; phối hợp, lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

NHCSXH phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ TK và VV) đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến nhân dân.

Đồng thời, đơn vị hướng dẫn cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và quản lý, giám sát thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Việc thực hiện tốt những vấn đề này chính là giải pháp căn bản để tín dụng chính sách phát huy tối đa hiệu quả trong đời sống xã hội, góp phần cải thiện, chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiền Phương