.

Bánh đa nem Lương Yến

Thứ Bảy, 05/08/2017, 11:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Lương Ninh,  xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Quảng Ninh, đang tiếp tục đổi thay từng ngày. Người dân hăng say lao động, tìm tòi ngành nghề mới, phát triển sản xuất để nâng cao mức sống cho gia đình. Bên cạnh nghề mộc mỹ nghệ, nghề rèn, tổ hợp nghề xây dựng đang phát huy hiệu quả, Lương Ninh có thêm một nghề tiểu thủ công nghiệp mới được người dân đầu tư phát triển, đó là sản xuất bánh đa nem ở thôn Lương Yến.

Với cơ sở sản xuất bánh đa nem của vợ chồng anh Lê Xuân An, chị Lê Thị Thoài, thôn Lương Yến, xã Lương Ninh, công việc mỗi ngày bắt đầu từ khoảng 4h sáng. Từ những mẻ bánh đầu tiên ra lò đến vận chuyển hàng ngàn phên bánh ra các trục đường phơi đều được hoàn thành trước 7h sáng. Và cứ thế, các công đoạn tỉ mẫn khác của quy trình sản xuất bánh đa nem được người lao động làm luôn tay, kéo dài đến hết ngày.

Cùng sinh năm 1985, vợ chồng anh Lê Xuân An có hơn 10 năm đi xuất khẩu lao động ở Nga. Sau khi về quê, anh muốn tìm tòi phát triển một ngành nghề phù hợp với điều kiện địa phương, tạo công ăn việc làm cho bà con và phát triển kinh tế gia đình.

Sau một thời gian đi tham quan, học hỏi nghề làm bánh đa nem ở Hà Nội, anh đã quyết định đầu tư máy móc để mở xưởng sản xuất ở quê hương. Với Lương Yến và các vùng lân cận, đây là một nghề thủ công nghiệp hoàn toàn mới.  Thời gian đầu mở xưởng, máy móc chưa đồng bộ, kinh nghiệm chưa đúc rút được nhiều, cơ sở của anh cũng gặp phải khó khăn, có thời điểm phải làm thêm bánh ướt chạy chợ để đủ chi phí...

Riêng về phần máy móc thiết bị, anh An đã đầu tư 1 máy tráng bánh; 1 máy xay bột, 1 máy cắt bánh và 4.000 vĩ phơi. Tổng  kinh phí đầu tư xây dựng nhà xưởng trên 400 triệu đồng. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở sản xuất bánh đa nem của anh An, chị Thoài sử dụng hơn 2 tạ gạo để sản xuất, với lượng gạo như trên, mỗi ngày cơ sở của anh xuất ra đủ 4.000 phên bánh cuốn.

Sản xuất bánh đa nem ở Lương Yến (Lương Ninh) cho thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/lao động/tháng.
Sản xuất bánh đa nem ở Lương Yến (Lương Ninh) cho thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/lao động/tháng.

Những người thợ làm bánh cho biết, để làm ra những mẻ bánh đa nem chất lượng đòi hỏi phải có sự khéo léo, công phu, tỉ mỉ từng khâu chọn gạo, ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, phơi bánh, cắt bánh. Gạo làm bánh đa nem phải được ngâm 4 - 5 giờ đồng hồ mới đem xay, bột xay xong phải để lắng qua đêm để bột nở và vừa độ dẻo. Bí quyết làm nên hương vị đặc trưng của bánh đa nem nằm ở cách pha trộn muối với bột gạo, phải xay bột gạo thật kỹ, thời gian ngâm bột phải bảo đảm đủ độ nở và ngấm muối đều.

Bánh sau khi tráng xong được trải trên từng tấm phên được làm bằng tre, khi mặt trời vừa rạng, các phên bánh mới được đem ra phơi. Quá trình phơi bánh cũng quyết định không nhỏ đến chất lượng bánh, bởi nếu gặp trời mưa, bánh sẽ bị mốc, nếu trời nắng to hoặc quá hanh khô bánh sẽ bị giòn, nứt vỡ; bánh ngon là phải có độ dẻo, mỏng dai, không rách vỡ và không quá mặn.

Nếu trời nắng nhẹ, bánh được phơi khoảng từ 40 phút đến gần một giờ đồng hồ, sau đó được đưa vào bóng râm mát để khoảng 30 đến 40 phút cho bánh khô dần. Nếu trời nắng to thì chỉ phơi nắng chừng 10 đến 15 phút là chuyển vào phơi râm. Thông thường mất khoảng 2 đến 3 giờ (tuỳ theo thời tiết) là có thể phơi xong một mẻ bánh.

Toàn bộ công đoạn làm bánh, phơi bánh chỉ diễn ra từ 4 giờ sáng đến muộn nhất là khoảng 9 giờ sáng. Sau đó, bánh được ủ cho dịu lại và buổi chiều mới được lột ra khỏi các phên nứa. Việc lột bánh khỏi phên đòi hỏi phải khéo léo để bánh ít bị rách nhất, tận thu được nhiều sản phẩm và thường phải hai người cùng lột hai đầu phên. Những tấm bánh nguyên vẹn, không có vết bẩn trong quá trình tráng được chọn đưa vào máy xén thành bánh đa nem. Và cuối cùng là khâu đóng gói thành phẩm...

Tay thoăn thoắt với công đoạn lột bánh, chị Lê Thị Cẩm Thạch, nhân công của xưởng niềm nở: "Từ khi có xưởng sản xuất này, chị em chúng tôi có việc làm thường xuyên sau mùa vụ. Trước đây, chị em phải chạy chợ để kiếm thêm thu nhập, nhưng bây giờ có việc làm gần nhà, công việc này tuy đòi hỏi nhiều công đoạn nhưng có phần nhẹ nhàng hơn. Các cháu học sinh cũng có thể làm thêm trong thời gian nghỉ hè để phụ giúp bố mẹ..."

Thuận lợi của cơ sở chế biến này là có nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân công dồi dào và mặt bằng phơi bánh sạch sẽ, tiện lợi; khách hàng phản hồi tốt về chất lượng, vừa lòng về độ dẻo, mềm và vừa vị của bánh. Sau hơn 3 năm hoạt động, hiện tại, cơ sở sản xuất bánh đa nem của vợ chồng anh An đã tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên và khoảng 5 lao động thời vụ, với thu nhập từ 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình sản xuất bánh đa nem của đôi vợ chồng trẻ Lê Xuân An, Lê Thị Thoài đang mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Trừ chi phí, trả lương nhân công, mỗi năm nghề bánh đa nem cũng cho gia đình anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Chị Lê Thị Thoài, chủ cơ sở sản xuất cho biết "Sau hơn 3 năm hoạt động, xưởng đã sản xuất ổn định và sản phẩm làm ra không đủ để cung cấp cho thị trường. Đến các dịp lễ, tết cổ truyền, nhu cầu lại tăng cao hơn. Bánh chúng tôi đã được tiêu thụ rộng rãi trong tỉnh và bỏ sỉ cho nhiều đại lý ở các tỉnh lân cận... Chúng tôi cũng đang hết sức cố gắng để mở rộng thêm quy mô sản xuất, nỗ lực xây dựng thương hiệu bánh đa nem Lương Yến".

Giờ đây, bên cạnh hai vụ lúa hàng năm, làm bánh đa nem được coi là ngành nghề mới mang lại thu nhập chính cho nhiều người dân thôn Lương Yến, góp phần đổi thay hơn nữa diện mạo của một làng quê nông thôn mới.

Duy Hiền
(Đài TT-TH Quảng Ninh)