.

An Thủy: Hợp tác xã tạo "sức bật" cho nông thôn mới

Thứ Năm, 31/08/2017, 09:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, góp phần đưa địa phương sớm về đích.

Là một trong số các HTX hoạt động hiệu quả tại xã An Thủy, HTX Mỹ Lộc Thượng có 1.242 thành viên. Sau khi thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX có 8 dịch vụ hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, dịch vụ sản xuất giống lúa bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên, tạo nguồn đầu ra ổn định cho sản phẩm. Năm 2017, HTX sản xuất thí điểm 10 ha lúa giống với 36 hộ tham gia, quá trình sản xuất tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật, chăm sóc...

Sản phẩm thóc giống sau khi sản xuất được các doanh nghiệp thu mua với giá bình quân cao hơn thóc thịt 1,25 lần, đầu ra sản phẩm ổn định hơn. Sắp tới, HTX Mỹ Lộc Thượng dự kiến sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp để mở rộng diện tích sản xuất lúa giống lên từ 30-50 ha, góp phần tăng thêm thu nhập cho các thành viên. Để tập trung sản xuất, thuận lợi trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, HTX đã thực hiện tốt việc dồn điền đổi thửa, đưa giống mới vào sản xuất.

Đặc biệt, HTX đã triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên toàn bộ diện tích 268 ha. Trên cùng một thửa ruộng, HTX chỉ đạo cùng sản xuất 1 loại giống, cùng 1 công thức phân bón, cùng sử dụng phương pháp canh tác mới SRI, giảm chi phí đầu vào, ít sâu bệnh...

Bên cạnh đó, việc bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo được HTX đóng vai trò chủ đạo làm cầu nối cho thành viên từ khâu chọn giống lúa cho đến ứng dụng KHKT trong chăm sóc và thu hoạch theo quy trình; hướng đến việc xây dựng uy tín, nhãn hiệu, thương hiệu lâu dài của lúa gạo. HTX Mỹ Lộc Thượng tiến hành đầu tư hệ thống xay xát, đánh bóng và đóng gói gạo với công suất 6 đến 7 tạ/giờ. Sau 1 năm hoạt động, đến nay, cơ sở xay xát của HTX đã bán ra thị trường gần 50 tấn gạo chất lượng cao, được thị trường đón nhận.

Cũng từ năm 2016, HTX Mỹ Lộc Thượng đã hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm với tên gọi "Gạo Lệ Thủy". Đây chính là điều kiện để lúa gạo của nông dân được nâng cao giá trị, thâm nhập sâu  rộng vào thị trường. HTX Mỹ Lộc Thượng được đánh giá là điểm sáng của huyện Lệ Thủy trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bằng nội lực với cách làm sáng tạo.

Ông Võ Văn Thắng, Chủ nhiệm HTX Mỹ Lộc Thượng cho biết: “Hoạt động hiệu quả, HTX đã góp phần thực hiện các tiêu chí về thu nhập, nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm tại địa phương... Bên cạnh đó, nguồn quỹ của HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trên địa bàn thôn với tổng trị giá 60 triệu đồng; đầu tư từ 200-300 triệu đồng/năm để hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương..., nhờ vậy, đến nay, đã có trên 80% hệ thống thủy lợi nội đồng trên địa bàn được cứng hóa và bê tông hóa. HTX cũng đã hỗ trợ vốn từ 10-50 triệu đồng/hộ/lượt/năm để giúp xã viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...”.

Nhà văn hóa thôn Mỹ Lộc Hạ được đầu tư xây dựng với số vốn gần 1 tỷ đồng.
Nhà văn hóa thôn Mỹ Lộc Hạ được đầu tư xây dựng với số vốn gần 1 tỷ đồng.

An Thủy là địa phương có cơ cấu nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế (49,3%), do đó, công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức sản xuất luôn được chính quyền xã xem là lĩnh vực quan trọng, trong đó, các HTX đóng vai trò then chốt từ khâu dịch vụ đầu vào đến việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Thực hiện xây dựng NTM trên cơ sở lấy ngành nông nghiệp làm nền tảng, việc củng cố, phát triển các HTX, tổ hợp tác là khâu quan trọng trong xây dựng NTM tại An Thủy. Nếu năm 2011, chương trình xây dựng NTM được triển khai, thì đến năm 2012, xã An Thủy đã tiến hành chuyển đổi tất cả các HTX tại địa phương theo Luật HTX kiểu mới.

Sau hơn 5 năm chuyển đổi, tất cả các HTX đều sản xuất, kinh doanh có lãi, vốn quỹ hàng năm tăng lên, đời sống xã viên được cải thiện rõ rệt. Công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất gắn với các loại hình dịch vụ nông nghiệp, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đáp ứng nhu cầu, điều kiện thực tế của địa phương.

Đặc biệt, các HTX đã quan tâm đến các dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, như: giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y... HTX cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các thành viên hợp lý, như: hỗ trợ giá giống lúa, cung cấp phân bón với phương thức thanh toán trả chậm...

Đối với các dịch vụ đầu ra sản phẩm, chính các HTX đã chủ động tìm kiếm thị trường cho các thành viên thông qua hình thức hợp đồng theo đơn hàng với các trung tâm giống cây trồng, các doanh nghiệp để tiêu thụ lúa giống, lúa thịt chất lượng cao. Nhờ vậy, sản phẩm nông sản sau khi sản xuất của các thành viên và nông dân đều có đầu ra ổn định.

Để giúp nông dân trên địa bàn có vốn phát triển sản xuất, hoạt động tín dụng nội bộ của các HTX tại xã An Thủy đã phát huy hiệu quả tích cực. HTX đã huy động vốn tiền gửi với lãi suất bằng lãi suất các ngân hàng trên địa bàn, cho các thành viên vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ, mua sắm máy móc phục vụ nông nghiệp, như: máy làm đất, xe vận chuyển, máy gặt, máy tuốt... với thủ tục vay vốn đơn giản, gọn nhẹ.

Đối với những hộ gia đình gặp khó khăn, rủi ro, hoạn nạn, HTX đã hỗ trợ vay vốn không tính lãi để giúp các gia đình phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Vấn đề chuyển giao và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được các HTX chú trọng thực hiện, qua đó góp phần nâng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng, con nuôi. Các HTX đã phát huy vai trò trong tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho các thành viên và người dân trên địa bàn. Trên một số lĩnh vực, HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

Các HTX đã trích lập thêm các quỹ, như: quỹ đầu tư phát triển sản xuất, quỹ phúc lợi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn, góp phần cùng địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM. Từ nguồn quỹ đầu tư phát triển sản xuất, thời gian qua, các HTX đã đầu tư xây dựng kiên cố được 12km kênh mương nội đồng với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng; hỗ trợ các thành viên mua sắm thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ mở rộng các ngành nghề, dịch vụ...

Nhờ vậy, đến nay toàn xã đã có trên 50 xe ô tô vận tải các loại, 7 máy gặt lúa, 101 máy làm đất, trên 350 hộ kinh doanh dịch vụ trên các lĩnh vực khác nhau, 7 doanh nghiệp tham gia hoạt động trên các lĩnh vực, như: xây dựng, vận tải... Xã đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, tạo nguồn thu nhập từ 18-20 tỷ đồng/năm... Hoạt động hiệu quả, các HTX còn quan tâm xây dựng quỹ phúc lợi để làm các công trình phúc lợi công cộng, các thiết chế văn hóa, như: sân vui chơi thể dục thể thao, nhà văn hóa cộng đồng, đường giao thông..., từ đó, góp phần làm cho bộ mặt vùng nông thôn An Thủy thêm khởi sắc.

Xã đã xây dựng được 6 nhà văn hóa; 2 chợ nông thôn, 27 km điện thắp sáng đường quê. Cùng với các công trình phúc lợi công cộng, từ nguồn vốn tự có, các thành viên HTX và người dân đã đầu tư xây dựng nhà cửa, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất, toàn xã hiện có trên 90% nhà ở dân cư được xây dựng kiên cố.

Tuy còn ở mức độ khác nhau, nhưng các HTX ở xã An Thủy đã chủ động vươn lên, thực sự trở thành “bà đỡ” tin cậy cho thành viên và người dân, khẳng định vai trò, vị thế và sự phát triển của các HTX trong xây dựng NTM. Nhờ vậy, đến năm 2015, xã An Thủy là một trong những địa phương đi đầu của huyện Lệ Thủy hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đình Hoàng
(Đài TT-TH Lệ Thủy)