.
Thị xã Ba Đồn:

Đường đến "cánh đồng 100 triệu/ha"

Chủ Nhật, 30/07/2017, 14:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một nội dung lớn trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của thị xã Ba Đồn. Sau hơn 2 năm triển khai, đề án đã góp phần tăng thu nhập và hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất, trong đó, “cánh đồng 100 triệu/ha” là một minh chứng cụ thể. Tuy nhiên, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng lộ trình, giúp nông dân thực sự yên tâm và mạnh dạn đưa vào thâm canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị xã Ba Đồn cần có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ và phải được thực hiện một cách đồng bộ.

Khai thác hiệu quả diện tích đất sản xuất

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, thị xã Ba Đồn đã tiến hành rà soát, đánh giá lại điều kiện sản xuất của từng vùng để có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được sự hướng dẫn, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp từ thị xã đến các xã, phường nên được đa số nông dân đồng tình hưởng ứng.

Diện tích đất hoang hoá tại phường Quảng Phúc được chuyển đổi sang trồng ngô thương phẩm với năng suất bình quân đạt trên 400 tạ/ha.
Diện tích đất hoang hoá tại phường Quảng Phúc được chuyển đổi sang trồng ngô thương phẩm với năng suất bình quân đạt trên 400 tạ/ha.

Theo số liệu tổng hợp từ Phòng Kinh tế, UBND thị xã, diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả, đất hoang hoá sang trồng các loại cây trồng khác tăng dần qua hàng năm, cụ thể: năm 2015 có 22ha, năm 2016 có 47ha và năm 2017 có 53,5ha (trong đó đất lúa hiệu quả thấp là 41 ha và đất hoang hoá 12,5ha). Diện tích đất được chuyển đổi tập trung tại các địa phương: Quảng Phúc 19ha, Quảng Long 12,5, Quảng Hoà 7ha, Quảng Tân 6ha, Quảng Minh 5ha, Quảng Tiên 4ha.

Qua tìm hiểu thực tế từ các mô hình cho thấy, hiệu quả kinh tế của diện tích chuyển đổi đạt khá cao so với trồng lúa. Tổng thu nhập của 1ha khi chuyển đổi sang trồng ngô xen khoai, rau, hoa, cây gia vị, lạc, khoai lang đều gấp 2 đến 9 lần so với trồng lúa.

Trao đổi với chúng tôi về những mô hình chuyển đổi cho giá trị kinh tế cao cần được nhân rộng, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn cho biết, nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà đến nay thị xã đã nâng tổng diện tích đất có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha lên trên 70ha.

Điển hình đó là mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa thiếu nước tưới, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng rau tại phường Quảng Long với diện tích 12,5ha, đạt tổng thu nhập 114 triệu đồng/ha/vụ; đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn, như: rau, màu, tại các xã Quảng Tân, Quảng Hoà, đạt trên 100 triệu đồng/ha/vụ; chuyển đổi từ đất hoang hoá sang trồng ngô thương phẩm tại phường Quảng Phúc cho năng suất 400 tạ/ha, tổng thu nhập 45-50 triệu đồng/ha/vụ...

Từ năm 2015, phường Quảng Long đã mạnh dạn chuyển đổi 8,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, rau màu và đến nay diện tích đất chuyển đổi đã tăng lên 12,5 ha.

Trò chuyện với bà con thực hiện chuyển đổi, chúng tôi được biết, hiệu quả trồng rau cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa; trồng hoa xen vụ phục vụ các dịp lễ, Tết cho lợi nhuận khoảng 180 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8 đến 9 lần trên một đơn vị diện tích.

Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa và rau tại phường Quảng Long là hướng đi đúng, tạo điều kiện cho người nông dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống, là cơ sở để phát triển sản xuất vùng rau, hoa theo hướng sản xuất hàng hoá và tiêu chuẩn VietGap.

Phường Quảng Phúc bắt đầu thực hiện chuyển đổi 5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô xen khoai vào năm 2015. Mô hình phù hợp với chân đất và điều kiện tưới tiêu của địa phương nên thu hút 85 hộ nông dân tham gia.

Trên diện tích chuyển đổi, bà con nông dân trồng giống ngô nếp lai cao sản MX4 (chủ yếu thu hoạch bắp non bán làm thức ăn tươi) xen với khoai chất lượng cao, cho thu nhập từ 45 đến 50 triệu đồng/ha/vụ, tăng gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa trên một đơn vị diện tích.

Tiếp tục thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vụ đông-xuân năm 2016-2017, hơn 100 hộ dân tại TDP Sơn Đa, phường Quảng Phúc đã mạnh dạn đóng góp số tiền 200 triệu đồng để chuyển đổi trên 12ha đất hoang hoá sang trồng ngô thương phẩm.

Theo ông Hồ Thanh Sỹ, Bí thư Chi bộ TDP Sơn Đa cho biết, nhờ đầu tư bài bản từ khâu cải tạo đất, xây dựng hệ thống kênh mương, cống rãnh dẫn thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng... và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất nên mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế ngay từ vụ đầu tiên với năng suất bình quân đạt trên 400 tạ/ha, tổng thu nhập gần 50 triệu đồng/ha.

Hiện tại, mô hình đang được duy trì ở vụ hè-thu năm 2017 và gặp nhiều điều kiện thuận lợi, cây ngô đang sinh trưởng và phát triển tốt. Do trừ chi phí đầu tư ban đầu nên ở vụ đông-xuân 2016-2017, giá trị thu nhập của mô hình còn hạn chế. Từ vụ trồng ngô thứ 2 trở lên, mức thu nhập của các hộ dân tham gia mô hình sẽ tăng lên nhiều, mục tiêu hướng đến cánh đồng 100 triệu đồng/ha chỉ trong tầm tay.

Cần những giải pháp đồng bộ

Mặc dù các mô hình chuyển đổi đã cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa, giúp người dân khai thác có hiệu quả hơn diện tích đất, nhưng nếu nhìn nhận khách quan, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn thị xã Ba Đồn còn chậm và manh mún.

Việc đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ và việc sử dụng các quỹ đất hiện có để chuyển đổi cơ cấu sản xuất tại một số địa phương còn mang tính tự phát, chưa gắn với thế mạnh của từng vùng, chưa được quy hoạch thành vùng chuyên canh gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, rau màu cho hiệu quả kinh tế cao tại phường Quảng Long.
Mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, rau màu cho hiệu quả kinh tế cao tại phường Quảng Long.

Vì vậy, vẫn còn tình trạng thiếu liên kết trong sản xuất, hạ tầng kỹ thuật không được đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống thuỷ lợi và giao thông nội đồng, khâu điều tiết nước và đưa nước vào sản xuất gặp khó khăn. Mặt khác, cơ cấu cây trồng tại một số địa phương còn bất cập do chưa xác định được cây chủ lực để làm hàng hoá gắn với thương hiệu riêng.

Về những giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập trên, ông Phạm Quang Long, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng lộ trình, tăng nhanh số lượng cánh đồng cho thu nhập 100 triệu đồng/ha, thị xã sẽ triển khai các giải pháp nhằm bố trí thời vụ hợp lý cho từng loại cây trồng.

Đối với vùng chuyển đổi cả 2 vụ lúa sang cây trồng khác, vụ đông-xuân ưu tiên trồng các loại cây có nhu cầu nước cao, như: rau, ngô lấy hạt; vụ xuân-hè tập trung gieo trồng lạc và vụ hè-thu trồng các cây có khả năng chịu hạn, nhu cầu sử dụng nước ít, như: đậu xanh, mè, khoai lang. Đối với vùng chỉ chuyển đổi trong vụ hè-thu, bố trí theo cơ cấu lúa đông-xuân + đậu xanh, ngô, khoai lang... vụ hè-thu.

Những chân đất này sẽ gieo cấy vụ đông-xuân đầu khung lịch thời vụ, ngay sau khi thu hoạch xong thì làm đất, gieo trồng cây chuyển đổi ngay để tranh thủ độ ẩm đang có trên ruộng. Thị xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi trên đất lúa thành vùng tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá bằng những đối tượng cây trồng có thị trường dễ tiêu thụ, gắn với các doanh nghiệp thu mua, chế biến phù hợp với từng chân đất, mùa vụ.

Bên cạnh thực hiện đúng thủ tục chuyển đổi và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (không quá 4 triệu đồng đối với 1 ha chuyển đổi), thị xã Ba Đồn khuyến khích các địa phương có chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác. Nhằm tăng cường chuyển giao tiến bộ KHKT cho người sản xuất, thị xã tiếp tục khảo nghiệm, tuyển chọn bộ giống cây trồng chuyển đổi phù hợp cho từng mục đích sử dụng và chân đất, lưu ý các khâu kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi.

Cùng với việc tiếp tục đầu tư khoa học kỹ thuật và cơ sở vật chất để nhân rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, như: vùng rau sạch, trồng hoa, ngô xen khoai..., thị xã sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp.

Hiền Chi