.

Minh Hóa: Lạc được mùa nhưng mất giá

Thứ Ba, 11/07/2017, 10:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện Minh Hóa cơ bản đã hoàn thành thu hoạch lạc vụ đông-xuân. Nhưng không như những vụ trước, năm nay giá lạc giảm mạnh. Bà con phải chấp nhận bán để trả chi phí đầu tư và trang trải cuộc sống hàng ngày. Vậy là tình trạng được mùa rớt giá vẫn luôn là nỗi lo thường trực của người nông dân.

Về xã Hóa Hợp trong những ngày này, nhà nào cũng đầy ắp sân phơi lạc và câu chuyện được nghe nhiều nhất vẫn là giá lạc. Không giấu được sự tiếc nuối, chị Đinh Thị Hạnh ở thôn Lâm Khai cho biết: “Năm nay, gia đình tôi bán lạc với giá thấp hơn năm ngoái. Gia đình đã đầu tư biết bao nhiêu công sức rồi giống, phân bón, năm ngoái bán được 15 triệu, năm nay chưa đầy 9 triệu. Gia đình tôi còn có cả một gia trại nuôi lợn không ai mua, đành phải chấp nhận bị ép giá lạc chỉ với 14.000đ/kg để trả phần nào chi phí  phân bón đã đầu tư vào cây lạc và thức ăn của đàn lợn”.

Thôn Đa Năng và Đa Thịnh là hai thôn có diện tích trồng lạc nhiều nhất của xã Hóa Hợp, nhân dân khai thác vùng đất Hung Ải với trên 100ha. Đây là vùng đất màu mở, bằng phẳng, rất thích hợp để trồng lạc và ngô. Vụ đông - xuân này, diện tích đất ở Hung Ải được bà con đầu tư trồng lạc là phần lớn, vì năm ngoái lạc được giá.

Có lẽ, người dân Hóa Hợp đặt cho anh Đinh Văn Nhị ở thôn Đa Năng biệt danh “Vua Lạc” quả không sai. Vụ lạc đông – xuân, gia đình anh gieo trỉa trên 2 mẫu lạc, với hai giống lạc là MD7 của gia đình tự giữ giống vụ trước và 16 kg giống lạc L23 do UBND huyện hỗ trợ.

Gia đình anh Đinh Văn Nhị (Hóa Hợp, Minh Hóa) được mùa lạc, nhưng giá lạc giảm mạnh, nên thu nhập cũng giảm theo.
Gia đình anh Đinh Văn Nhị (Hóa Hợp, Minh Hóa) được mùa lạc, nhưng giá lạc giảm mạnh, nên thu nhập cũng giảm theo.

Anh Nhị cho biết, gia đình mất nửa tháng làm đất và xuống giống, thêm nửa tháng làm cỏ bón phân khi đến thời kỳ, và đến lúc thu hoạch, sau khi huy động hết nhân lực trong gia đình, cộng với sự giúp đỡ của bà con lối xóm, cũng phải mất 15 ngày gia đình mới hoàn thành.

Chi phí bỏ ra chưa tính ngày công và giống để làm hai mẫu lạc là trên 20 triệu đồng. Ước sản lượng lạc thu hoạch đạt trên 4 tấn. Cách đây vài hôm gia đình đã bán 2,5 tấn với giá 16.000 đ/kg, còn 1,8 tấn mới thu hoạch xong gia đình đang đợi xem giá lạc có tăng rồi mới bán.  Nhẩm tính, năm nay, gia đình anh Nhị sẽ bán Lạc thấp hơn năm ngoái trên 30 triệu đồng.

Cách nhà anh Nhị không xa, dưới cái nắng như đổ lửa, vợ chồng chị Cao Thị Hồng Xuân đang phơi lạc ngoài sân. Cùng với đất của gia đình, anh chị thuê thêm đất của hàng xóm để trồng gần 2 mẫu lạc. Gạt những giọt mồ hôi trên trán, chị Xuân cho biết: “Người nông dân không làm lạc thì không biết làm gì, đất lúa ít, cuộc sống gia đình chỉ nhờ vào vụ lạc này. Năm nay, gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng để mua phân bón, thuê làm đất mua cây, con giống. Lạc được mùa đó nhưng giá thấp quá, năm ngoái còn bán được 20 – 22.000 đ/kg, năm nay dao động từ 14 –17.000 đ/kg, bán thì tiếc, không bán thì sợ giá xuống lại hỏng hết lạc, không có tiền mà trả chi phí đầu tư ban đầu.

Do đó gia đình cũng phải bán cùng với bà con trong vùng. Năm ngoái thương lái còn tranh nhau mua lạc, năm nay chỉ lèo téo vài ba nhóm đến hỏi, trả giá, thậm chí có thái độ không muốn mua. Coi như lấy công làm lãi, vụ lạc này tưởng được mùa mà lại không ăn thua, gia đình đang tiếp tục làm đất để trồng khoảng 2 sào lạc vụ 8 nhằm giữ giống cho những vụ sau”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Quyết, Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp cho biết, thực hiện chủ trương của huyện về sản xuất vụ đông - xuân, xã Hóa Hợp đã vận động nhân dân đầu tư trồng lạc, trong đó chú trọng mở rộng diện tích và sử dụng giống mới. Lạc của Hóa Hợp năm nay cơ bản được mùa, toàn xã trồng được 156 ha, đạt 148,6% kế hoạch, năng suất đạt 26 tạ/ha vượt kế hoạch đề ra, sản lượng đạt 405,6 tấn.

Tuy nhiên, giá lạc năm nay giảm mạnh so với năm ngoái nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống của bà con, đầu vụ người dân chỉ bán được với giá 14.000đ/kg, coi như lỗ. Do đó, xã mong muốn có sự can thiệp của các ngành, các cấp để tạo sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm tìm đầu ra và giá cả ổn định, hợp lý để bà con yên tâm sản xuất. Các vụ sau, Hóa Hợp sẽ tìm giải pháp, tạo sự cạnh tranh công bằng trong việc thu mua của các thương lái, để nhân dân bán được nông sản với giá cao.

Rời Hóa Hợp, chúng tôi về xã Hóa Phúc cũng là một địa phương có diện tích trồng lạc khá lớn. Ông Cao Bá Đồng, Chủ tịch UBND xã cho biết, Hóa Phúc vừa qua trồng 70 ha lạc, năng suất chỉ đạt 16 tạ/ha, hiện bà con cũng đã bán hết số lạc nhưng giá chỉ được 15.000đ/kg, thấp hơn giá năm ngoái hơn 7.000 đồng/kg, nhà nhiều nhất năm nay chỉ bán được 50 triệu, trong khi đó năm ngoái phải được trên 70 triệu đồng.

Vụ đông-xuân năm 2016 -2017, nông dân huyện Minh Hóa trồng được 946,7 ha lạc, đạt 96,68% kế hoạch đề ra, năng suất bình quân ước đạt  22 tạ/ha, sản lượng lạc toàn huyện đạt 2.082,47 tấn. Đây là cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo của một số địa phương trên địa bàn huyện, như: Hóa Hợp, Hóa Phúc, Tân Hóa, Minh Hóa, Hóa Tiến.

Không như mọi năm, năm nay lạc mất giá nên gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, việc đầu tư cho sản xuất hè - thu của bà con cũng sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Giá cả các sản phẩm nông nghiệp đều do thị trường quyết định nên người nông dân thường chịu thiệt thòi. Tình hình trên đòi hỏi sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm trong quá trình đầu tư sản xuất.

Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)