.

Lệ Thủy: Khi nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư, 26/07/2017, 08:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chính vì vậy Hội Nông dân huyện Lệ Thủy đã tích cực phối hợp với các ban, ngành vận động cán bộ, hội viên phát huy vai trò làm chủ, đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp sức xây dựng nông thôn mới.

Hội Nông dân huyện Lệ Thủy hiện có 28 cơ sở và 208 chi hội với 29.796 hội viên, chiếm tỷ lệ 56,4% so với nông dân trong độ tuổi lao động. Xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thông qua phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", Hội đã tuyên truyền, phát động hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, thi đua phát triển kinh tế hộ, trang trại, gia trại; hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết sản xuất và từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa...

Kết quả, tổng số hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi bốn cấp năm 2017 là 22.071 hộ, tăng 0,3% so với chỉ tiêu giao. Trong đó, cấp cơ sở 18.275 hộ, cấp huyện 3.090 hộ, cấp tỉnh 632 hộ và cấp trung ương 74 hộ. Hội viên nông dân thực hiện cánh đồng lúa lớn 2.042 ha, tập trung tại các xã Phong Thủy, Lộc Thủy, Liên Thủy, An Thủy, Sơn Thủy, Thanh Thủy..., năng suất đạt 72,68 tạ/ha, sản lượng đạt 14.838,5 tấn.

Diện tích canh tác lúa cải tiến SRI là 1.238 ha, tăng so với cùng kỳ 738 ha, tập trung tại các xã An Thủy, Liên Thủy, Lộc Thủy, Cam Thủy, Thanh Thủy, Văn Thủy..., năng suất bình quân đạt 71,78 tạ/ha, sản lượng đạt 8.885,1 tấn.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng giúp nông dân huyện Lệ Thủy có thu nhập cao và ổn định.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng giúp nông dân huyện Lệ Thủy có thu nhập cao và ổn định.

Hội Nông dân huyện đã tích cực vận động các hộ có cùng mục đích sản xuất xây dựng mô hình kinh tế tập thể về sản xuất nông nghiệp, như: chăn nuôi bò, làm nấm, nuôi gà, nuôi ong lấy mật... Trên địa bàn huyện hiện nay có 164 tổ hợp tác nông lâm, ngư nghiệp. Toàn huyện có 59 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã được chuyển đổi theo Luật hợp tác xã năm 2012; các hợp tác xã đã nâng cao chất lượng hoạt động và thực hiện tốt các khâu dịch vụ cho nông dân sản xuất.

Bên cạnh đó, kinh tế trang trại cũng phát triển ổn định, nhiều trang trại mở rộng quy mô. Đến nay, toàn huyện có 127 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại (12 trang trại lâm nghiệp, 59 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại thủy sản và 53 trang trại tổng hợp).

Đặc biệt, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các ngành chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề cho hội viên được 98 lớp, với 5.422 người tham gia; trợ giúp pháp lý cho 405 lượt người. Đồng thời, các cấp hội còn tín chấp cho hội viên vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội 136 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 18 tỷ đồng, giúp hội viên có nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hưởng ứng phong trào "Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", các cấp hội nông dân huyện Lệ Thủy đã tích cực vận động hội viên xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tham gia hiến đất làm đường giao thông..., nhất là tại 3 xã được huyện chọn chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM trong năm 2017 là Sơn Thủy, Xuân Thủy và Cam Thủy.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các xã đã xây dựng được 0,8km đường liên xã, 1,5km đường liên thôn, 11,7km đường ngõ xóm, 10km đường nội đồng, 4,72km kênh mương; 6 nhà văn hóa thôn; nhiều công trình trường học đã được đầu tư xây mới, nâng cấp và sửa chữa.

Đến nay, toàn huyện đạt 374 tiêu chí NTM, số tiêu chí bình quân đạt 14,38 tiêu chí/xã, trong đó có 10 xã đạt 19/19 tiêu chí (trong đó có 9 xã được công nhân đạt chuẩn NTM), 6 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 4 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 4 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, còn lại 2 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt gần 110 tỷ đồng (trong đó hội viên nông dân đóng góp 900 triệu đồng).

Cùng với việc vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng NTM, các cấp hội triển khai thực hiện xây dựng mô hình bảo vệ môi trường nông thôn. Hội Nông dân đã duy trì 123 mô hình thu gom rác thải do hội viên nông dân đảm nhiệm ở các chi hội thôn, tổ dân phố; có 207 chi hội đảm nhiệm duy tu, bảo dưỡng, làm vệ sinh các công trình tự quản của chi hội.

Ông Trương Đệ Quang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy cho biết, để tham gia thực hiện có hiệu quả các nội dung, tiêu chí xây dựng NTM, thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng kết hợp công tác tuyên truyền, vận động với tăng cường các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ dịch vụ và dạy nghề cho nông dân; đẩy mạnh xây dựng mô hình mới; tiếp tục phổ biến các tiêu chí về xây dựng NTM đến tận hội viên; tuyên truyền và vận động nhân dân phát huy sức mạnh và vai trò chủ thể trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"...

Phạm Hà