.

Không cam chịu đói nghèo

Thứ Ba, 04/07/2017, 15:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Xuất ngũ trở về quê hương với hai bàn tay trắng, nhưng với nghị lực của người lính Cụ Hồ được tôi rèn trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, cựu chiến binh Tưởng Văn Phán ở thôn Phú Lộc 4, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch đã vươn lên trở thành gương sáng trong phong trào "Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi" tại địa phương.

>> Sáng mãi phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"

Về thăm trang trại của cựu chiến binh Tưởng Văn Phán, nhìn cơ ngơi rộng gần 10 ha rừng trồng kết hợp chăn nuôi tổng hợp được quy hoạch bài bản, ít ai biết được rằng, vùng đất này hơn chục năm về trước chỉ là một vùng đồi núi hoang vắng, đầy lau lách. Tiếp chuyện chúng tôi, người lính già không khỏi bùi ngùi kể về những ngày tháng gian khổ khi bắt đầu khởi nghiệp trên vùng đất khó này.

Năm 1979, ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, đến năm 1982 thì xuất ngũ về quê. Những năm đầu vừa mới xuất ngũ, cũng như nhiều anh em, đồng đội khác, chỉ dựa vào mấy sào ruộng 1 vụ, cuộc sống của gia đình ông Phán gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 1992, khi chính quyền địa phương có chủ trương khuyến khích, vận động bà con nông dân trên địa bàn khai hoang vùng đất mới, phát triển kinh tế, ông Phán đã xung phong lên vùng gò đồi cách nhà gần 10km để lập nghiệp.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của CCB Tưởng Văn Phán, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch đạt hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của CCB Tưởng Văn Phán, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ngày mới lên nhận đất, nhìn cả vùng gò đồi đầy lau lách, cỏ dại, chẳng ai nghĩ sức người sẽ làm được gì. Nhưng rồi với nghị lực của người lính, với ý chí thoát nghèo, ông bắt đầu cày cuốc, vỡ hoang, cải tạo đất đồi. Ông tâm sự, ròng rã suốt một năm trời, hai vợ chồng ông cơm đùm gạo nắm cũng khai hoang được gần 2ha đất đồi.

Ban đầu, vợ chồng ông trồng rau màu, làm mương dẫn nước từ khe núi về trồng lúa. Tận dụng địa hình gần đồi núi, ông mua thêm bò, dê con về nuôi thả. Xuất chuồng được lứa lợn, bán được lứa bò, dê nào là ông mua thêm giống về nuôi tiếp. Tích cóp được đồng nào, ông đều đầu tư mở rộng quy mô thành trang trại chăn nuôi. Sau 5 năm cần cù lao động, vợ chồng ông đã biến gần 10 ha diện tích đất đồi hoang cằn sỏi đá thành rừng keo, bạch đàn, vườn ăn quả, ao cá, ruộng lúa, chuồng trại...

Để nâng cao hiệu quả và phòng chống dịch bệnh chăn nuôi, ông Phán còn thường xuyên lên mạng đọc sách báo tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, các mô hình sản xuất tiêu biểu để học hỏi áp dụng cho trang trại của gia đình.

Hơn 20 năm lên vùng đất mới lập nghiệp, trang trại của ông Phán cũng không ít lần bị thua lỗ do dịch bệnh, hạn hán; thậm chí có những lúc đứng trước nguy cơ "phá sản" do không đủ vốn quay vòng sản xuất. Trận bão năm 2013, trang trại của ông gần như bị "san phẳng". Rừng trồng sắp khai thác bị gãy rạp gần hết, cơ sở hạ tầng, vật nuôi bị hư hại, chết nhiều. Nhưng mỗi lần như thế, ý chí của người lính trong ông càng thêm kiên định. Với hai bàn tay và nghị lực vươn lên, ông bắt đầu lại từ đầu.

Đến nay, người cựu binh ấy đang làm chủ hơn 1,6 ha hồ nuôi cá, 4 ha rừng trồng, một vườn cây ăn quả đủ loại; đàn gia súc hiện có 30 con trâu bò, gần 100 con dê sinh sản, đàn gà, vịt, ngan trên 2.000 con... mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Đến mùa vụ thu hoạch, trang trại của ông đã góp phần giúp cho 10-15 lao động là con em của các cựu chiến binh khác trên địa bàn có thêm việc làm, cải thiện cuộc sống.

X.Phú