.

Khởi nghiệp trên cát trắng quê hương

Thứ Tư, 19/07/2017, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Nguyễn Văn Toàn là đoàn viên thanh niên tiêu biểu trong cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” của Hội Liên hiệp Thanh niên xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Về Hải Ninh nghe Toàn kể chuyện để thấy nghề nào cũng cần chữ “nhẫn”, chữ “tâm”.

Anh Toàn là chủ cơ sở sản xuất mặt hàng dệt may TTQ, đặt tại thôn Tân Hải, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Đằng sau khuôn mặt từng trải và cách nói chuyện chững chạc là khát vọng cháy bỏng của một người trẻ muốn được làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Anh Nguyễn Văn Toàn-chủ xưởng may TTQ tại xã Hải Ninh, Quảng Ninh.
Anh Nguyễn Văn Toàn-chủ xưởng may TTQ tại xã Hải Ninh, Quảng Ninh.

Toàn sinh năm 1987 trong một gia đình có 8 anh chị em tại xã biển Hải Ninh. Cuộc sống của gia đình đông con vùng bãi ngang quẩn quanh trong đói nghèo và vất vả. Không có việc làm, anh quyết định đi xuất khẩu lao động để tìm phương kế thoát nghèo. Năm 2011, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội và vay thêm của người thân, Toàn sang nước Nga tìm việc.

Toàn kể: “Vì cuộc sống còn nhiều khốn khó và mong muốn giải thoát khỏi kiếp nghèo, gia đình sẵn sàng vay tiền để cho mình sang nước Nga. Từ khi làm thủ tục cho đến khi đặt chân đến đất nước Nga xa xôi, mình hoàn toàn không biết sẽ kiếm tiền bằng nghề gì bên đó? Nhưng cũng thật may, mình được nhận vào làm công nhân cho một xưởng may với điều kiện làm việc ổn định, thu nhập cũng khá và mình gắn bó với nghề may từ đó”.

Năm 2014, sau gần 3 năm ở xứ người, Toàn học được chút nghề và dành dụm được 500 triệu đồng, cũng là lúc hết thời hạn lao động, Toàn trở về quê hương. Sẵn có chút vốn, anh cũng hòa mình vào phong trào nuôi tôm trên cát rầm rộ của quê nhà ở thời điểm ấy.

Từ một hồ nuôi với một số vụ đầu cho thu hoạch tốt, Toàn mạnh dạn đầu tư thêm hai hồ nuôi, với tổng diện tích 9 ha. Nhưng do thiếu kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, lại gặp thời tiết nắng mưa thất thường, anh và những người dân quê bao bận lao đao vì tôm chết. Nhiều người vướng vào vòng nợ nần. Anh kể, trong thời điểm ấy, gia đình vỡ nợ hơn 1,6 tỷ đồng.

Tháng 4-2016, sau sự cố môi trường biển, Toàn chấm dứt “mộng” nuôi tôm trên cát; rồi cá chết hàng loạt vì bị nhiễm độc, gia đình không dám ra khơi, lại thêm một nguồn thu nhập bị mất..., khó khăn chồng chất khó khăn.

Thế nhưng, ý chí thoát nghèo cùng khát vọng làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương đã thôi thúc anh đứng dậy. Nhận thấy lực lượng lao động dồi dào, với đức tính cần cù vốn có của những người miền biển, hơn nữa lao động nữ ở quê đang thất nghiệp do sự cô môi trường biển, Toàn quyết định khởi nghiệp lại bằng nghề may từ đầu năm 2017. Bằng kinh nghiệm và mối quan hệ sẵn có trong nghề may, anh bắt đầu xây xưởng sản xuất, đầu tư mua máy, trang thiết bị và kết hợp dạy nghề miễn phí, với số vốn ban đầu là 100 triệu đồng.

Buổi đầu, Toàn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn và mặt bằng sản xuất. Để “lấy ngắn nuôi dài”, anh liên hệ ký hợp đồng may đồng phục cho doanh nghiệp Tấn Phát và nhận gia công một số đơn hàng xuất khẩu. Nhờ  đó, công nhân của anh có việc làm thường xuyên, vốn của cơ sở sản xuất dần dần được tích lũy.

Cơ sở của anh Nguyễn Văn Toàn đã giải quyết việc làm cho khoảng 30 công nhân tại địa phương.
Cơ sở của anh Nguyễn Văn Toàn đã giải quyết việc làm cho khoảng 30 công nhân tại địa phương.

Trải qua 6 tháng đi vào hoạt động, cơ sở của anh đã đáp ứng nhu cầu việc làm cho khoảng 30 công nhân tại địa phương với 25 đầu máy may công nghiệp. Mức lương dành cho thợ học việc là 3 triệu đồng/tháng, hỗ trợ thêm xăng xe đi lại cho công nhân. Thợ chính luôn có mức lương ổn định từ 4,5-5,5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, trung bình mỗi ngày xưởng của anh xuất hơn 400 sản phẩm may mặc.

Trao đổi về những dự định trong tương lai, anh cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện, anh đang đề nghị UBND xã Hải Ninh tạo điều kiện cho thuê mặt bằng rộng hơn để mở rộng quy mô sản xuất, có thể giải quyết việc làm cho 50 công nhân tại địa phương đang có nhu cầu. Đồng thời, anh sẽ mở thêm 1 xưởng may tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, thu hút 30 công nhân làm việc tại đây.

Với người thanh niên vùng cát này, khó khăn còn nhiều ở phía trước, nhưng nghị lực, khát khao được khởi nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương luôn thôi thúc anh không ngừng nỗ lực. Với anh, có ý chí, thì đến một ngày... xương rồng sẽ nở hoa trên cát.

D.Hương-H.Vân