.

Khi làng nghề chuyển mình

Chủ Nhật, 02/07/2017, 09:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, các làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Ba Đồn vẫn vẹn nguyên giá trị thiêng liêng, gần gũi và hiện hữu trong đời sống hàng ngày của bao thế hệ người dân dọc bờ sông Gianh. Ngoài tính chất kinh tế-xã hội, làng nghề ở Ba Đồn còn tiềm ẩn giá trị văn hoá vừa vật thể, vừa phi vật thể. Mỗi làng nghề đều thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau trong một mối quan hệ cộng đồng tự nhiên, dân dã, thắm đượm tình người, góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha ông bao đời xây dựng nên.

Đổi thay làng nghề

Thị xã Ba Đồn hiện có 5 làng nghề truyền thống đạt tiêu chí gồm: nón lá Hạ Thôn (xã Quảng Tân), mây tre đan Thọ Đơn (phường Quảng Thọ), nón lá Thổ Ngọa (phường Quảng Thuận), sản xuất mây La Hà (xã Quảng Văn), đan lát Diên Trường (xã Quảng Sơn) và 4 làng nghề: nón lá Vân Lôi (xã Quảng Hải), cơ khí rèn đúc Nhân Hòa (xã Quảng Hòa), sản xuất chổi đót (phường Quảng Phong), nón lá (xã Quảng Văn).

Các sản phẩm nón lá do làng nghề nón lá truyền thống Ba Đồn sản xuất.
Các sản phẩm nón lá do làng nghề nón lá truyền thống Ba Đồn sản xuất.

Cho đến nay, dù đối diện với cơ chế thị trường đầy biến động và phức tạp, các làng nghề ở Ba Đồn vẫn lưu giữ nét truyền thống và đặc trưng của làng nghề về môi trường xã hội, cảnh quan thiên nhiên và đặc biệt là tình cảm xóm giềng thiêng liêng, bền chặt.

Thổ Ngọa là làng quê có phong cảnh hữu tình, là 1 trong 8 ngôi làng nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình thời phong kiến. Không chỉ rạng danh về lĩnh vực thi cử đỗ đạt cao, Thổ Ngọa còn được người dân khắp nơi biết đến với sản phẩm nón lá truyền thống ra đời cách đây hàng trăm năm và trở thành nguồn thu nhập chính của người dân địa phương cho đến tận bây giờ.

Sản phẩm nón lá Thổ Ngọa được xem như một thứ phục trang luôn gắn bó với người phụ nữ. Nón Thổ Ngọa luôn được cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng nhằm hướng tới mục đích làm đẹp và tăng vẻ duyên dáng của người phụ nữ.

Trên địa bàn phường Quảng Thuận hiện có khoảng 70% số hộ dân có thu nhập chính từ nghề sản xuất nón lá và các dịch vụ nghề nón. Bình quân mỗi năm, các hộ sản xuất 600.000 sản phẩm nón các loại, với tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng. Sản phẩm sản xuất ra từng nào đều được tiêu thụ hết qua các doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm trên địa bàn.

Chị Cao Thị Cảnh được bố mẹ truyền nghề làm nón từ khi 6 tuổi. Đến khi lấy chồng, gia đình chồng cũng tham gia nghề làm nón nên chị càng có cơ hội để đúc rút kinh nghiệm và ngày càng nâng cao trình độ tay nghề. Hiện tại, chị chuyên sản xuất nón theo đơn đặt hàng và ngoài ra còn tham gia công tác đào tạo, truyền nghề sản xuất nón cho các địa phương có nhu cầu.

Chị Cảnh cho biết, hiện tại, làng Thổ Ngọa sản xuất 2 loại sản phẩm đó là nón lá xanh và nón lá dừa. Nón lá xanh được người dân địa phương sản xuất đại trà, giá bán từ 30.000 đến 50.000 đồng/chiếc.

Nón lá dừa có vật liệu chính được lấy từ lá dừa nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Loại nón này cũng được sản xuất trên khuôn mẫu hình nón, nhưng được bố trí 1 lớp lá trên 16 vành có chất liệu bằng tre nứa vót tròn.

Hình thức nón tuỳ thuộc vào yêu cầu của người tiêu dùng, nhưng mặt ngoài nón luôn được sơn phủ loại dầu lấy từ nhựa thông pha chế với một số hợp chất khác làm tăng độ bền và bóng sáng của nón, phía trong nón có quai thao, trang trí chữ hoặc các bông hoa nhỏ. Hiện tại, loại nón này được người dân Thổ Ngọa sản xuất theo đơn đặt hàng, giá bán ra thị trường trên 60.000 đồng/chiếc.

Cùng với Thổ Ngọa, Hạ Thôn (xã Quảng Tân, thị xã Ba Đồn) là làng nghề sản xuất nón lá truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề sản xuất nón lá ở Hạ Thôn cũng có lúc mai một, nhưng kể từ ngày có tên gọi chính thức là làng nghề truyền thống, người dân Hạ Thôn như có thêm nguồn sinh lực mới để duy trì và phát triển nghề của cha ông truyền lại. Ông Phạm Quốc Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân chia sẻ, hiện tại, toàn xã có trên 70% số hộ tham gia sản xuất nón lá và các dịch vụ nghề nón.

Bình quân mỗi năm, nhân dân trong xã sản xuất được khoảng 1 triệu chiếc nón với tổng giá trị 14 tỷ đồng/năm (bao gồm cả dịch vụ nghề nón), chiếm gần 30% tổng thu nhập của địa phương. Nghề làm nón đã góp phần giải quyết việc làm cho các tầng lớp nhân dân từ cụ già cho đến các em học sinh lúc nông nhàn, nâng mức thu nhập bình quân đầu người trong xã lên 28 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, từ cách thức làm nón truyền thống ban đầu, người dân Hạ Thôn luôn tìm tòi, sáng tạo ra cách làm mới để cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng. Nón lá Hạ Thôn đã ngày càng tạo được chỗ đứng vững chắc và vươn xa ra thị trường các tỉnh bạn, như: Cần Thơ, Thanh Hoá, Nghệ An và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Làng Thọ Đơn (phường Quảng Thọ ngày nay) từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan lát truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm đến nay nghề đan lát vẫn được duy trì, phát triển, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Trước đây, sản phẩm đan lát của Thọ Đơn chủ yếu là các vật dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày, như: thúng, mủng, nong, nia, dần, sàng, rổ, rá...

Hiện nay, nắm bắt nhu cầu thị trường, người dân làng nghề đã tích cực cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng, đồng thời sản xuất thêm sản phẩm mới phục vụ ngư nghiệp, cung cấp cho các làng biển trong và ngoài tỉnh như thuyền thúng. Làng Thọ Đơn hiện có khoảng 70% số hộ, với trên 3.000 lao động làm nghề đan lát.

Trong làng, từ đàn ông, phụ nữ, thanh niên hay người già cho đến trẻ nhỏ đều có thể thành thạo công việc đan lát. Nhiều hộ gia đình nhờ giỏi nghề, chuyên cần mà đã vượt lên đói nghèo, nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng.

Cần chiến lược bền vững

Có thể nói rằng, sự duy trì, khôi phục và phát triển của một số làng nghề và làng nghề truyền thống đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông thôn, vừa tạo việc làm lúc nông nhàn và tăng thu nhập cho người dân, vừa tăng giá trị kinh tế cho địa phương.

Sản phẩm đan lát truyền thống ở làng Thọ Đơn được bày bán ở chợ Ba Đồn nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Sản phẩm đan lát truyền thống ở làng Thọ Đơn được bày bán ở chợ Ba Đồn nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các làng nghề và làng nghề truyền thống cần hoạch định kế sách cụ thể, có hướng đi phù hợp, lâu dài nhằm hoá giải những khó khăn, thách thức hiện tại và phía trước. Khó khăn đầu tiên đó chính là vấn đề nguyên liệu.

Hiện tại, phần lớn các làng nghề chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, mà chủ yếu phải nhập từ các địa phương khác nên giá cả ngày càng tăng lên. Mặt khác, sản phẩm của các làng nghề vẫn chưa thực sự tạo được dấu ấn riêng trên thị trường do khâu quảng bá chưa được chú trọng.

Điều này lý giải vì sao một số làng nghề sản xuất còn bị cầm chừng, sản phẩm tiêu thụ khó khăn. Một số làng nghề có quy mô sản suất nhỏ, thiết bị công nghệ chưa được nâng cấp hiện đại mà chủ yếu là thủ công, cổ truyền, mức độ công nghiệp hóa còn thấp nên giá trị, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm chưa cao.

Trao đổi với phóng viên về những định hướng và giải pháp nhằm duy trì, thúc đẩy phát triển sản xuất tại các làng nghề, làng nghề truyền thống, ông Phạm Quang Long, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, thị xã sẽ tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ từ nhiều phía cho các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn để đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững.

Thị xã sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các làng nghề, làng nghề truyền thống thực hiện đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý...) và có phần thưởng xứng đáng để động viên các làng nghề có sản phẩm được công nhận là thương hiệu nổi tiếng trên địa bàn tỉnh và phạm vi cả nước.

Hiền Chi