.

Hướng phát triển mới từ nuôi cá chạch bùn

Thứ Tư, 05/07/2017, 10:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Cá chạch bùn, hay còn gọi là cá zét, đang trở thành mô hình giống nuôi thương phẩm mới được nhiều người lựa chọn phát triển. Tại tỉnh ta, mô hình nuôi cá chạch bùn thương phẩm đang được nông dân Lê Xuân Ngọc ở xã Tân Thủy (Lệ Thủy) thực hiện thử nghiệm đã bước đầu mở ra hướng đi mới cho việc đa dạng hóa đối tượng nuôi nước ngọt trên địa bàn tỉnh.

Anh Lê Xuân Ngọc từng được biết đến là “vua ếch” trên vùng đất lúa huyện Lệ Thủy. Anh luôn trăn trở tìm kiếm những giống nuôi mới có giá trị kinh tế cao được thị trường ưa chuộng để nuôi thử nghiệm. Theo anh Ngọc, đây là vụ nuôi thử nghiệm đầu tiên đối với cá chạch bùn, nhưng kết quả đạt được khá tốt, tỷ lệ sống cao, cá sinh trưởng và phát triển bình thường.

Trong đợt thử nghiệm đầu tiên này, anh Lê Xuân Ngọc được Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật, con giống, nên gia đình anh đã trực tiếp lấy giống cá chạch bùn từ Cần Thơ, số lượng là 2.600 con thả nuôi trên 750m2 ao có lót bạt, mật độ nuôi dưới 40 con/m2. Sau hơn 2 tháng thả nuôi, hiện cá chạch đã đạt trọng lượng khoảng 40-50 con/kg, tỷ lệ sống lên đến 98%.

Anh Ngọc cho biết: “Trong thiên nhiên, cá chạch bùn lúc nhỏ ăn giun và ấu trùng trong đất là chính, sau đó chuyển dần sang ăn tạp. Đến giai đoạn trưởng thành, thức ăn chủ yếu của chúng là thực vật, như: tảo, thân lá cây, cỏ non.

Mô hình cá chạch bùn đang được nhiều người dân đến tham khảo để mở rộng phát triển kinh tế.
Mô hình cá chạch bùn đang được nhiều người dân đến tham khảo để mở rộng phát triển kinh tế.

Đối với cá nuôi, người dân sử dụng nhiều thức ăn khác nhau, từ thức ăn chế biến đến thức ăn công nghiệp. Khi cá có chiều dài trên 5 cm, bà con thường cung cấp thức ăn dạng viên nổi, độ đạm dao động từ 38-40%. Bà con nuôi cá chạch bùn rất yên tâm và chủ động hoàn toàn nguồn thức công nghiệp, giúp cá khỏe và lớn nhanh. Với hệ số thức ăn 1.7 sẽ cho ra 1 kg cá chạch thương phẩm khoảng 25 – 30 con”.

Được biết, cá chạch bùn thường sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10, tỷ lệ sinh sản cao nhất từ tháng thứ 6 – 8. Cá bột sau khi nở được ươm trong bể xi măng, thức ăn là phù du và lòng đỏ trứng. Muốn cho cá mau lớn và đạt năng suất cao, bể nuôi và ao nuôi cần được thay nước sạch thường xuyên. Dù nuôi ở bất cứ hình thức nào, muốn thành công, người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chuyên môn, nhất là ao nuôi phải được cải tạo và thường xuyên phòng, chống dịch bệnh.

Theo kinh nghiệm của anh Ngọc, cá chạch bùn dễ nuôi, mau lớn, hồ nuôi chỉ cần nước sạch, thông thoáng, không đòi hỏi phải có cánh quạt nước nên đỡ tốn kém. Thời gian nuôi từ lúc mới thả đến lúc thu hoạch mất 3 tháng rưỡi. Kích thước bình quân của một con cá trưởng thành là 15 cm, dài nhất 28 cm (25 – 30 con/kg).

Đặc biệt, cá chạch bùn khi chuyển đi xa, người ta có thể ướp nước đá cho cá ngủ đông trong khoảng 5 tiếng đồng hồ. Sau đó thả cá vào nước ngọt, cá sẽ sống lại nên rất thuận tiện cho việc chuyên chở. Anh Ngọc khẳng định: “Cá chạch bùn không những dễ nuôi mà còn phát triển nhanh, giá cả thị trường hiện rất hấp dẫn nên tôi mạnh dạn đầu tư vào mô hình này”

Anh Ngọc chia sẻ thêm, có một điểm cần lưu ý khi nuôi cá chạch bùn, đây là đối tượng không ưa ánh sáng nên người nuôi cần cho cá ăn vào lúc sáng sớm và chiều tối để cá ăn được nhiều, tránh dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm ao hồ. Cá chạch bùn ăn rất ít, hệ số thức ăn thấp, chủ yếu là bột cá với khối lượng khoảng 10kg thức ăn/ngày.

Theo ước tính, nếu tiếp tục nuôi đạt đến khối lượng thương phẩm là 30 con/kg, năng suất thu được khoảng 7-8 tạ cá chạch. Với giá thị trường từ 100.000-120.000 đồng/kg, mô hình nuôi cá chạch bùn của anh Ngọc sẽ thu được hiệu quả kinh tế cao. Anh Ngọc cũng dự định sau khi thu hoạch đợt nuôi này sẽ tiếp tục nuôi thử nghiệm trong vụ đông để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Hiện tại, cá chạch bùn đang là đối tượng nuôi mới được nuôi thử nghiệm tại tỉnh ta. Hiệu quả bước đầu của mô hình sẽ là tiền đề để đa dạng hóa đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao trong nuôi trồng thủy sản.

Hiền Phương