.

Để mùa du lịch được trọn vẹn

Thứ Bảy, 01/07/2017, 09:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo thống kê của Sở Du lịch, 6 tháng đầu năm 2017, tổng số lượt khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ. Đây là một con số đáng mừng, hứa hẹn mở ra một mùa khởi sắc với du lịch tỉnh ta. Tuy nhiên, để Quảng Bình ngày càng hấp dẫn và “níu chân” du khách quay trở lại, cần hạn chế những bất cập đang làm xấu hình ảnh du lịch.

Thiếu nhà vệ sinh công cộng tại các bãi biển

Hầu hết các điểm du lịch ở Quảng Bình đã và đang được đầu tư tương đối đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ; chất lượng phục vụ từng bước được cải thiện, đáp ứng nhu cầu du khách. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại không ít vấn đề khiến du khách phiền lòng, mà một trong số đó là thiếu nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tại các bãi biển, gây nhiều bất tiện, phiền hà cho du khách.

Tệ nạn ăn xin, chèo kéo tái diễn làm phiền du khách.
Tệ nạn ăn xin, chèo kéo tái diễn làm phiền du khách.

Dọc các bãi biển Quang Phú, Nhật Lệ, Bảo Ninh, hàng ngày, rất đông du khách, người dân đến tắm biển, dạo chơi. Thế nhưng, toàn bộ 3 bãi biển chỉ có 6 nhà vệ sinh. Tuy nhiên, 6 nhà vệ sinh này không hoạt động vào ban đêm.

Chính vì vậy, từ chiều tối, du khách gặp nhiều khó khăn khi tận hưởng dịch vụ ở đây. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, một du khách đến từ Ninh Bình cho biết, chị và các bạn đến đây du lịch được hai ngày, mỗi lần ăn uống xong, muốn đi vệ sinh, đoàn phải về khách sạn rồi mới quay lại.

Nhiều người làm du lịch tỉnh ta cũng thừa nhận, hiện nay, tại các điểm du lịch trên địa bàn nói chung và các bãi tắm nói riêng, tình trạng không có NVSCC hoặc nhà vệ sinh chưa bảo đảm điều kiện về trang thiết bị, vệ sinh, thẩm mỹ đang khá phổ biến, điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và sự phát triển bền vững của du lịch.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng ban quản lý các bãi tắm TP.  Đồng Hới cho biết: "6 nhà vệ sinh ở các bãi biển này được đưa vào sử dụng đã lâu, nhưng để duy trì thì cần phải có kinh phí. Tuy nhiên, khi vận động các hộ kinh doanh cùng đóng kinh phí để duy trì nhà vệ sinh thì chưa thấy tiểu thương nào đóng góp. Riêng tiền giấy vệ sinh cũng đã mất hơn 7 triệu một năm, chưa kể tiền nước, tiền nhân công...

Bên cạnh đó, chính những người ra biển cũng thiếu ý thức trong việc chấp hành vệ sinh công cộng, khi ăn uống lại ngại đi xa, thích ra chỗ mát mẻ... Thời gian tới, Ban quản lý sẽ cố gắng chấn chỉnh lại tình trạng này, đồng thời kêu gọi các hộ kinh doanh cùng đóng góp vào để thực hiện".

Tái diễn tình trạng người ăn xin, bán hàng dạo

Trên thực tế, đến Quảng Bình, du khách rất dễ bắt gặp cảnh những người ăn xin, bán hàng dạo, lang thang tới các nhà hàng, quán nhậu, quán cafe. Để tránh lực lượng chức năng, vào ban ngày, những đối tượng này thường không chìa tay xin tiền ngay khi gặp du khách mà họ thường áp dụng chiêu trò, như: bán vé số, tăm tre... trong bộ dạng nghèo đói và tật nguyền, thậm chí còn mang theo cả trẻ em.

“Với nhiều người, mấy đồng tiền lẻ giúp người cũng không có gì đáng nói, nhưng đến đây du lịch nghỉ ngơi mà cứ vài phút lại có người đến mời mua tăm bông, bật lửa cũng cảm thấy bất tiện”, chị Tạ Thanh Hải, một du khách đến từ Hà nội chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Hoài, một chủ quán ở biển Nhật Lệ cho biết: “Tình trạng ăn xin, bán hàng rong liên tục ra vào quán chào mời, chèo kéo khiến khách hàng rất phiền lòng, nhiều khách không ăn nhưng cũng phải mua để đỡ bị đeo bám".

Theo những người buôn bán tại các bãi biển, những đối tượng này có nhiều người vì hoàn cảnh nhưng cũng có một số người lợi dụng lòng thương, lười biếng lao động. Có không ít những người hành nghề ăn xin với hình ảnh thê lương đã khiến nhiều du khách, đặc biệt là người nước ngoài, cảm thấy ám ảnh trong suốt những ngày nghỉ.

Ông Hoàng Văn Tiến cho biết thêm: "Tình trạng này đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên các cấp, ngành vẫn chưa có biện pháp gì để khắc phục. Vì thực tế, cấm chỗ này thì họ lại chạy sang chỗ khác".

Còn theo ông Nguyễn Hữu Đắc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đồng Hới, hàng năm, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường tăng cường quản lý đối tượng bảo trợ xã hội thuộc địa phương quản lý. Thành phố chủ động nắm hoàn cảnh của đối tượng để chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy cơ sở, tổ dân phố phối hợp chặt chẽ với gia đình đối tượng, đơn vị liên quan có biện pháp quản lý, can thiệp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương thì báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo giải quyết.

Hiện nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cũng đang có kiến nghị với UBND thành phố để có đề án thu gom các đối tượng, tránh tình trạng khi ra quân thì tệ nạn này giảm bớt, không ra quân nữa thì tình trạng này lại tái diễn".

Nhà vệ sinh tại các bãi biển vừa thiếu, vừa yếu.
Nhà vệ sinh tại các bãi biển vừa thiếu, vừa yếu.

Để xây dựng môi trường du lịch Quảng Bình an toàn, văn minh, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1162/QĐ-UBND ngày 4-4-2017 về việc ban hành đề án “Bảo đảm an ninh du lịch tại Quảng Bình giai đoạn 2017-2020”.

Theo đó, các cấp, các ngành và địa phương sẽ triển khai đồng bộ giải pháp bảo đảm an ninh trật tự trên lĩnh vực du lịch, bảo vệ đường lối, chính sách phát triển du lịch, nguồn tài nguyên du lịch, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của ngành kinh tế du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch; đồng thời đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Bình - điểm đến an toàn, thân thiện, trung tâm du lịch biển và hang động...

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành và địa phương cần tập trung bảo đảm an ninh tại các địa bàn, khu du lịch, như: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, bãi biển Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh, Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, núi Thần Đinh, hang Tú Làn...; các cơ sở, công trình quan trọng liên quan đến phát triển du lịch, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú và nơi tập trung đông khách du lịch...

Từ ngày 1-2-2017, điều 20 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ghi rõ, phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng thì mức phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng.

Mức phạt đối với hai hành vi này tăng nhiều lần so với quy định cũ tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng, tăng nhiều lần so với mức phạt tiền 300 đến 400 nghìn đồng theo quy định cũ.

Phạm Hà