.

Chuyện làm kinh tế trang trại ở Thanh Trạch

Chủ Nhật, 02/07/2017, 09:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Sở hữu những tiềm năng về đất đai, với vùng gò đồi rộng lớn, xã Thanh Trạch (Bố Trạch) là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế trang trại, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, góp phần bảo đảm  kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, người làm trang trại nơi đây vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn về vốn và đầu ra sản phẩm.

Hướng đi bền vững

Với tiềm năng về đất đai và truyền thống sản xuất nông nghiệp, xác định chăn nuôi là hướng đi bền vững, những năm qua, xã Thanh Trạch đã khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại gắn với an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đưa các giống vật nuôi mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, hướng tới thực phẩm sạch, an toàn và hiệu quả.

Trang trại gà của anh Nguyễn Thanh Hải cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Trang trại gà của anh Nguyễn Thanh Hải cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.

Hiện nay, xã Thanh Trạch có 35 trang trại, trong đó 28 trang trại hoạt động khá hiệu quả trong việc nuôi lợn, gà và thả cá. Diện tích thả cá nước ngọt của toàn xã Thanh Trạch lên tới 35 ha. Các trang trại chủ yếu chăn nuôi tổng hợp theo mô hình vườn - ao - chuồng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường.

Trang trại được xây dựng hiện đại nhất ở xã Thanh Trạch là của ông Mai Xuân Hải, thôn Tiền Phong. Trang trại nuôi lợn của ông được xây dựng hiện đại vào hàng bậc nhất tỉnh, theo mô hình khép kín với hệ thống làm mát bằng quạt máy, hệ thống xử lý chất thải vệ sinh, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Với hệ thống chuồng trại mới này, 100% lợn nái ở trang trại được ở trong phòng điều hòa, mùa hè mát, mùa đông ấm, bảo đảm sinh sản tốt.

Về vấn đề kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh, ông thuê lao động có kỹ thuật cao được đào tạo bài bản vào làm việc tại trang trại. Đặc biệt, khi lợn xuất bán, trang trại còn có hệ thống cân đo và dây chuyền tự động đưa lợn từ chuồng chuyển thẳng lên xe.

Bên cạnh xuất bán hàng ngàn con lợn giống và hàng trăm tấn thịt lợn hàng năm ông còn chăn nuôi thêm hàng ngàn con gia cầm, gồm: gà, vịt, ngan, ngỗng và hơn 2 tấn cá nuôi các loại, nhằm tận dụng chất thải chăn nuôi, tránh ô nhiễm môi trường.

Theo chân anh Lê Thanh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Trạch, chúng tôi tới thăm trang trại nuôi gà, thả cá của anh Nguyễn Thanh Hải, thôn Tiền Phong. Với diện tích 2 ha đất đồi cát, anh tận dụng nuôi gà thả vườn và đào ao thả cá. Mỗi tháng, anh xuất bán từ 800 đến 1.000 con. Gà anh nuôi chủ yếu nhập cho các nhà hàng, tiệc cưới, với giá 100.000 đồng/1kg, đem lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.

Theo anh Hải, nhằm tận dụng phân gà làm thức ăn cho cá, tránh ô nhiễm môi trường xung quanh anh còn đào ao thả cá. Thời gian qua, mặc dù lợn bị rớt giá, nhiều trang trại nuôi lợn trên địa bàn lao đao, nhưng giá gà và đầu ra cho các sản phẩm của trang trại anh vẫn ổn định.

Ông Lưu Đức Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ gia đình đầu tư nuôi gà thả vườn có quy mô từ 100 con trở lên, trong đó có 8 hộ thực hiện nuôi theo quy mô trang trại, mỗi lứa lên đến hàng nghìn con.

Việc phát triển mô hình chăn nuôi gà thả vườn kết hợp đào ao thả cá ở xã Thanh Trạch đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, giúp người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng thêm nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.

Vẫn thiếu vốn và đầu ra cho sản phẩm

Có thể khẳng định, phát triển kinh tế theo hướng trang trại là hướng đi bền vững của người dân xã Thanh Trạch hiện nay, nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Hầu hết vốn đầu tư là vốn tự có và vốn vay của cộng đồng.

Để đủ điều kiện vay vốn, các chủ trang trại buộc phải có tài sản thế chấp, nhưng nhiều trang trại ở Thanh Trạch là đất chưa có sổ đỏ, đất đấu thầu cho nên ngân hàng không có cơ sở để cho vay. Theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về định mức cho các trang trại vay vốn đối với khu vực đồng bằng, mức vay tối đa lên đến 1 tỷ đồng, nhưng thủ tục vay vẫn còn phức tạp, người dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Chính quyền xã Thanh Trạch đang đề nghị UBND huyện Bố Trạch làm hợp đồng cho dân thuê đất lâu dài (50 năm) để người dân có sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay vốn.

Một khó khăn khác mà người làm trang trại của Thanh Trạch đang đối diện hiện nay là đầu ra sản phẩm. Thời gian qua, giá lợn và cá giảm mạnh, người nông dân không tìm được đầu ra trên thị trường. Các trang trại, gia trại của Thanh Trạch chủ yếu lấy nuôi lợn là chủ lực, giá lợn giảm gây thiệt hại cho bà con.

Ông Nguyễn Chí Phúc, thôn Quyết Thắng cho biết, ông làm kinh tế trang trại đã nhiều năm nay, nhưng chưa có lúc nào lợn rớt giá như năm nay. Gia đình ông nuôi hơn 200 con lợn thịt, duy trì 50 con lợn nái. Vừa qua, ông bán hết lợn thịt, đang cố gắng duy trì đàn lợn nái nhưng không biết được bao lâu. Năm nay, trang trại nào nuôi lợn càng nhiều thì thiệt hại càng lớn. May nhờ nuôi thêm gà, vịt, ngan, ngỗng nên bà con đang cố bù qua, bù về.

“Cái khó, ló cái khôn”...

Không chỉ lợn rớt giá mà cá cũng lao đao không kém, từ giá 40.000 đến 50.000 đồng/kg thì giờ đây chỉ còn 20.000 đồng/1kg. Nhiều hồ cá ở Thanh Trạch đã đến lúc bán, nhưng không tìm được đầu ra nên vẫn cứ nuôi dù biết là lỗ nặng.

Lợn rớt giá, nhiều người làm trang trại ở Thanh Trạch lao đao.
Lợn rớt giá, nhiều người làm trang trại ở Thanh Trạch lao đao.

Trước những khó khăn đó, đầu năm 2017, hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh và dịch vụ Hiền Nguyên được thành lập nhằm tập hợp các thế mạnh của từng trang trại, góp phần tác động, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp, tạo việc làm ổn định cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế và ổn định an sinh- xã hội của địa phương. HTX được hình thành từ sự liên kết của 7 trang trại lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn xã.

Ông Lưu Xuân Hiền, Chủ tịch HTX Hiền Nguyên cho biết, gần đây, giá cả nông sản không ổn định, lên xuống thất thường, người tiêu dùng không biết đâu là thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đâu là thực phẩm bẩn. Nhiều người sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo mô hình trang trại không tìm được đầu ra sản phẩm, giá cả bấp bênh, tư thương ép giá.

Bà con cần liên kết lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm bảo đảm ATVSTP, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, như: sản xuất sạch, phân phối sạch... HTX Hiền Nguyên hiện đang nỗ lực xây dựng các cửa hàng nhằm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của HTX.

Những hiệu quả của các mô hình phát triển kinh tế trang trại tại Thanh Trạch đã cho thấy đây là hướng đi bền vững cho người nông dân, không những giảm được áp lực lao động, việc làm, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, người làm trang trại đang rất cần sự vào cuộc và hỗ trợ tích cực của các cơ quan, ban, ngành nhằm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn mà người nông dân đang gặp phải, giúp họ yên tâm sản xuất và nhân rộng mô hình.

Thanh Hoa