.

Tạo đà cho công nghiệp nông thôn phát triển

Thứ Bảy, 03/06/2017, 10:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Với nỗ lực góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã triển khai nhiều chương trình, hỗ trợ vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển.

Theo ghi nhận từ các cơ sở công nghiệp nông thôn, hoạt động khuyến công đã góp phần động viên, huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở công nghiệp nông thôn phân bổ không đều, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu và mang tính chất kinh tế hộ gia đình là chủ yếu; năng lực quản lý, kiến thức kinh doanh hạn chế.

Mặt khác, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy, việc tiếp xúc cũng như triển khai xây dựng đề án hỗ trợ vốn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn chưa tương xứng với yêu cầu đề ra.

Nhằm tiếp sức cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, năm 2016, Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ 300 triệu đồng để thực hiện tư vấn hỗ trợ thành lập doanh nghiệp cho 30 cơ sở công nghiệp nông thôn theo hợp đồng với Cục Công nghiệp địa phương.

Công ty TNHH Dịch vụ tàu biển Bảo Ninh (thôn Hà Trung, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) đang hoạt động hiệu quả.
Công ty TNHH Dịch vụ tàu biển Bảo Ninh (thôn Hà Trung, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) đang hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tư vấn hồ sơ hỗ trợ vốn khuyến công cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Sở Công thương hỗ trợ 27 đơn vị về đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, với tổng kinh phí 1,885 tỷ đồng và 3 đơn vị hỗ trợ đào tạo nghề với kinh phí 185 triệu đồng.

Được thành lập từ năm 2011, qua nhiều trở ngại, đến năm 2013, Công ty TNHH Dịch vụ tàu biển Bảo Ninh (thôn Hà Trung, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) của bà Hoàng Thị Sửu mới kinh doanh có lời. Bà Sửu cho biết, ban đầu công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi thiếu vốn.

Tuy nhiên, nhờ sự động viên của mọi người, sự hỗ trợ, tư vấn của các cơ quan thẩm quyền, đặc biệt năm 2016, Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại có hỗ trợ gần 70 triệu đồng, công ty tiếp tục đứng vững. Đến nay, công ty đang giải quyết việc làm cho khoảng 40-50 lao động, thu nhập bình quân 9-10 triệu đồng/tháng.

Để đồng hành cùng Công ty TNHH xây dựng Trường Thành trong việc đầu tư xây dựng Nhà máy gạch không nung Trường Thành với dây chuyền sản xuất hiện đại có tổng số vốn gần 21 tỷ đồng, Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ 500 triệu đồng cho công ty từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia. Với dây chuyền sản xuất gạch không nung này, dự kiến mỗi năm doanh thu của nhà máy đạt 17,6 tỷ đồng và sẽ thu hồi vốn đầu tư sau 8 năm 10 tháng.

Từ dây chuyền sản xuất này, Nhà máy gạch không nung Trường Thành sẽ tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng và gián tiếp tạo việc làm cho lao động tại các đơn vị cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm của nhà máy trên địa bàn.

Đặc biệt, dây chuyền sản xuất gạch không nung rất thân thiện với môi trường bởi sử dụng các nguồn nguyên liệu chính trong tự nhiên, như: đá, mạt xi măng..., và hiện đang là xu thế tất yếu, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như nguyện vọng của nhân dân.

Ông Dương Văn Minh, Trưởng phòng Khuyến công, Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho biết: “Để hỗ trợ tốt cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh sẽ được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông, giúp các doanh nghiệp nắm vững chính sách và nội dung hoạt động của chương trình khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại, từ đó tích cực chủ động tham gia, thụ hưởng chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, các nội dung hoạt động khuyến công phải đồng bộ, trong đó chú trọng chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp; chương trình đào tạo nghề; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn”.

Cát Nhiên