.

Quảng Ninh: Hướng đến hình thành cánh đồng mẫu lớn

Thứ Hai, 19/06/2017, 09:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế của cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp và dịch vụ..., huyện Quảng Ninh xác định dồn điền đổi thửa, hướng đến những cánh đồng mẫu lớn là một yêu cầu cấp thiết, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để hình thành cánh đồng mẫu lớn phù hợp với điều kiện đất đai, sản xuất hàng hóa, áp dụng tối đa về điều kiện khoa học kỹ thuật, nâng cao lợi thế canh tác tại địa phương, như: vùng lúa chất lượng cao, vùng cây màu, vùng chuyên canh nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi tập trung..., Quảng Ninh bước vào thực hiện công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) giai đoạn mới.

Từ năm 2014, UBND huyện Quảng Ninh đã chọn và tập trung chỉ đạo hai xã làm điểm là An Ninh, Vạn Ninh lập phương án DĐĐT kết hợp với việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đồng thời, giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn không làm điểm chủ động đăng ký tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, đề án được duyệt.

Nhận được sự đồng thuận từ cơ sở và người dân, nên ngay tại thời điểm phát động triển khai DĐĐT, ngoài 2 xã An Ninh, Vạn Ninh làm điểm, trên địa bàn huyện có thêm 8 xã không làm điểm đăng ký tổ chức thực hiện triển khai trong toàn xã, đó là Trường Sơn, Hàm Ninh, Vĩnh Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh. Các xã, thị trấn, như: Gia Ninh, Duy Ninh, Quán Hàu, đăng ký làm điểm từ 1-2 thôn, tiểu khu. Huyện thực hiện tổng rà soát, thống kê toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện với 6.315 ha; trong đó đất lúa 5.153 ha, đất cây hàng năm khác 1.162 ha.

Đến nay, toàn huyện có 14/14 xã, thị trấn có đất sản xuất nông nghiệp đã thực hiện DĐĐT với diện tích đạt 4.264ha; trong đó, đất lúa khoảng 3.500 ha, đất trồng cây hàng năm khác khoảng 820 ha. Kết quả dồn đổi ruộng đã đưa số thửa bình quân một hộ từ 5,36 thửa về còn 2,5 thửa/hộ.

Bà con xã miền núi Trường Sơn đã biết tận dụng hết diện tích đất đồi để sản xuất, canh tác, tránh được tình trạng đất bỏ hoang.
Bà con xã miền núi Trường Sơn đã biết tận dụng hết diện tích đất đồi để sản xuất, canh tác, tránh được tình trạng đất bỏ hoang.

Sau khi DĐĐT, huyện đã khắc phục tình trạng sử dụng đất manh mún, nhiều thửa, người dân yên tâm cải tạo lại bờ thửa, cải tạo đất để sản xuất. Và khi hệ thống giao thông, thủy lợi ngày càng hoàn thiện, người nông dân thực sự phấn khởi, ổn định tư tưởng, chủ động áp dụng cơ giới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong các khâu sản xuất từ làm đất, chăm sóc đến thu hoạch; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Từ đó, Quảng Ninh bước đầu đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh, đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, chi phí và sức lao động giảm, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Trong đó, năng suất, sản lượng cây trồng chính tăng đáng kể. Năm 2010-2011 năng suất lúa bình quân vụ đông-xuân chỉ đạt từ 53 đến dưới 60 tạ/ha, đến nay năng suất đại trà đạt trên 60 tạ/ha, có nhiều địa phương trên 63 tạ/ha; năng suất ngô bình quân đạt 30,9 tạ/ha, tăng 4,8 tạ/ha; lạc năng suất đạt 20,92 tạ/ha, tăng 10,5 tạ/ha;...

Một vấn đề quan trọng được cải thiện nữa là, nếu như trước năm 2014, tình trạng đất ruộng trong sản xuất vụ hè-thu thường xuyên không được sử dụng hết, trong 3.000ha có khoảng 300ha bị bỏ hoang, thì đến nay, sau thành công ban đầu của DĐĐT, Quảng Ninh đã tận dụng hết diện tích đất manh mún nhỏ lẻ, đất đồi để sản xuất, tránh hẳn được tình trạng đất bỏ hoang.

Thực tế cho thấy, DĐĐT đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển, bảo đảm cơ bản an ninh lương thực, sản xuất bước đầu đã chuyển dịch theo hướng hàng hóa, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, an ninh nông thôn ổn định và giữ vững, đời sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Tuy nhiên, do điều kiện đất đai ở các cơ sở có sự chênh lệch về điều kiện trong sản xuất nên việc bình hệ số, quá trình xâu ghép, lập phương án còn gặp khó khăn, vướng mắc; một bộ phận nhỏ trong nhân dân còn mang tư tưởng có đất vị trí xấu, xa...

Một số xã, thị trấn chưa chủ động chỉ đạo hoặc chỉ đạo chưa quyết liệt trong việc tổ chức triển khai cho các thôn, tiểu khu đổi đất lẫn nhau, chưa tạo thành khu vực lớn, thuận canh, thuận cư, nâng cao hiệu quả trong quá trình thực hiện và sản xuất tiếp theo. Có nơi ổn định theo mức 2 lúa, 1 màu và không dồn ghép theo chủ trương sản xuất mở rộng quy mô cánh đồng mẫu lớn. Việc quy hoạch cải tạo đồng ruộng, quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng và một số công trình khác vẫn còn lúng túng, có nơi cải tạo đồng ruộng chưa tuân thủ đúng các thủ tục nên vướng mắc trong hỗ trợ...

"Để đạt hiệu quả tối đa từ DĐĐT, huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, đối với các xã, thị trấn, cần giải quyết kịp thời các vướng mắc tại cơ sở; phối hợp với các đơn vị tư vấn, các ngành liên quan cấp huyện hoàn thành các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau DĐĐT đúng theo quy định để người dân ổn định trong sản xuất, đạt hiệu quả trên từng diện tích, hướng đến mục đích hình thành nên những cánh đồng mẫu lớn. 

Huyện cũng sắp xếp hỗ trợ kinh phí cho các xã thực hiện DĐĐT và cải tạo đất kịp thời. Các xã Trường Xuân, Tân Ninh tiếp tục huy động các nguồn lực, quyết liệt chỉ đạo công tác DĐĐT theo kế hoạch, tiến hành dồn ghép thực địa để bà con ổn định bước vào sản xuất; trường hợp có vướng mắc trong DĐĐT thì chuyển phương án dồn ghép nhiều hộ trên thửa nhưng vẫn giữ chỉ số bình quân 2,5 thửa/hộ (2 lúa, 1 màu) nhằm bảo đảm phát triển sản xuất bền vững" - ông Nguyễn Viết Giai, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường huyện cho biết thêm.

Hương Trà