.

Phát triển kinh tế trang trại ở Quảng Ninh - Bài 1: Đánh thức tiềm năng

Chủ Nhật, 04/06/2017, 12:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Ninh là một trong những địa phương có nhiều lợi thế về tự nhiên để phát triển kinh tế trang trại, tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế theo hướng bền vững cần có kế sách phù hợp và định hướng lâu dài.

Để hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, kinh tế gò đồi, huyện Quảng Ninh đã ban hành một số chính sách cụ thể, là động lực giúp nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, tích cực sản xuất phù hợp với xu thế sản xuất hàng hóa theo hướng thị trường. Kinh tế trang trại phát triển đúng định hướng nhưng những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương vẫn chưa khai thác hiệu quả.

Trang trại tổng hợp của Nguyễn Văn Tam (Hải Ninh) là một trong những mô hình hiệu quả cần nhân rộng.
Trang trại tổng hợp của Nguyễn Văn Tam (Hải Ninh) là một trong những mô hình hiệu quả cần nhân rộng.

Toàn huyện Quảng Ninh hiện có 24 trang trại (tăng 1 trang trại chăn nuôi, giảm 1 trang trại thủy sản do nằm trong diện GPMB của khu giải trí nghỉ dưỡng FLC); trong đó, gồm 19 trang trại chăn nuôi và 5 trang trại tổng hợp, 21 trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí. Số trang trại này giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động.

Phần lớn các trang trại sản xuất, kinh doanh ổn định với tổng số vốn đầu tư trên 53 tỷ đồng, bình quân 2,2 tỷ đồng/trang trại; vốn tự có của chủ trang trại chiếm 56%, còn lại là vốn vay. Hầu như các trang trại ở huyện Quảng Ninh chưa tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP.

Ông Lê Ngọc Huân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh cho biết, trên thực tế, đã có một số mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn thu bền vững. Chỉ tính riêng năm 2016, giá trị sản phẩm và dịch vụ từ các trang trại đạt gần 47 tỷ đồng, bình quân 1,9 tỷ đồng/trang trại; thu nhập bình quân 365 triệu đồng/trang trại.

Mô hình trang trại tổng hợp tiêu biểu có trang trại của anh Lê Ngọc Lễ (thôn Tân Định, xã Hải Ninh). Đây là trang trại kết hợp trồng cỏ, nuôi bò, nuôi giun quế, gia cầm, nuôi cá nước ngọt và trồng cây hoa màu, cây ăn quả... Hàng năm, trừ chi phí, trang trại của anh Lễ có mức lãi từ 500 đến 600 triệu đồng.

Trang trại tổng hợp của anh Phạm Văn Tam (xã Võ Ninh) chăn nuôi lợn, gà, vịt đẻ kết hợp với trồng chuối, nuôi cá nước ngọt; giải quyết việc làm cho 4 lao động là con em địa phương; hàng năm thu lãi khoảng 500 triệu đồng.

Về trang trại chăn nuôi, mô hình sản xuất gia đình anh Đỗ Văn Tùng ở xã Hải Ninh chăn nuôi lợn, gà và cá nước ngọt với quy mô 100 nái, 10.000 gà. Hàng năm, trang trại của anh Tùng xuất ra thị trường khoảng 700 con lợn giống, 120 tấn thịt lợn hơi và 15 tấn thịt gà hơi; thu lãi khoảng 500-600 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, một số mô hình ở vùng gò đồi phát triển trang trại nông- lâm kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế, như: trang trại ông Lê Văn Tuy ở xã Vĩnh Ninh. Trang trại hiện chăn nuôi lợn nái với quy mô 120 nái ngoại kết hợp với trồng cao su, tràm... đồng thời, mở thêm dịch vụ cung cấp thức ăn cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài huyện.

Tuy nhiên, số lượng trang trại trên địa bàn huyện tăng chậm, hầu hết trang trại phát triển còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ. Số lao động thu hút tham gia sản xuất trong các trang trại ít. Khối lượng nông sản hàng hóa sản xuất ra còn thấp, chưa chủ động trong việc liên kết để thu mua, chế biến, xúc tiến thương mại. Nguồn vốn đầu tư cho trang trại còn hạn chế, giá trị hàng hóa tăng chậm; khai thác tiềm năng vùng gò đồi hay mặt nước đều chưa hiệu quả. Ngoài ra, việc xác định ngành hàng tiềm năng, lợi thế của trang trại còn lúng túng; năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh thấp.

Thêm vào đó, việc triển khai tổ chức thực hiện phát triển trang trại ở một số cơ sở chưa nghiêm túc, một số cấp ủy địa phương chưa ban hành nghị quyết hoặc chưa xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện, các giải pháp còn chung chung, thiếu cụ thể.

Trang trại tổng hợp của Nguyễn Văn Tam (Hải Ninh) là một trong những mô hình hiệu quả cần nhân rộng.
Mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Quảng Ninh cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chưa quan tâm, bám sát các mục tiêu để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Các xã đều có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo tiêu chí nông thôn mới, song hầu hết chưa triển khai cho người dân thuê đất để sản xuất. Các chính sách hỗ trợ thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể (về đất đai, về vay vốn ưu đãi...).

Việc giao đất, giao rừng cho nhân dân và trang trại gặp nhiều khó khăn. Các chính sách Nhà nước ban hành chưa đủ mạnh để kích thích kinh tế trang trại phát triển. Một số xã có nhiều điều kiện để phát triển trang trại nhưng còn thiếu đất sản xuất do đang thuộc sự quản lý của các lâm trường, như: xã Trường Sơn, Hải Ninh, Võ Ninh và Gia Ninh.

Một điều dễ nhận thấy nữa là cơ sở vật chất, hạ tầng kém phát triển làm ảnh hưởng đến việc mở rộng và phát triển trang trại, nhất là vùng núi, vùng gò đồi. Thêm nữa, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn và không ổn định, chủ yếu qua khâu trung gian nên phụ thuộc lớn vào sự biến động của thị trường, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế.

Ngoài ra, hầu hết các chủ trang trại chưa được đào tạo kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý, nên gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành sản xuất, kinh doanh; lao động của trang trại phần lớn là lao động phổ thông, khả năng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi công việc còn có những hạn chế nhất định...

Hương Trà

Bài 2: Tìm hướng đi bền vững