.

Nông dân và những "khoảng trống" lệch giá

Thứ Ba, 06/06/2017, 09:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian gần đây, việc giá thịt lợn hơi sụt giảm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người chăn nuôi. Rõ ràng, khi giá nông sản bị giảm thì nông dân, người trực tiếp tạo ra sản phẩm là đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, có một nghịch lý là ngay cả khi giá cả tăng vọt thì trong chuỗi mắt xích giá trị sản xuất nói chung, nông dân cũng không thực sự hưởng lợi...

Nông dân và “bài toán” giá

5h rưỡi sáng, chợ Hoàn Lão (Bố Trạch) đã tấp nập kẻ bán người mua. Đây là điểm đầu mối khá lớn cung cấp rau, thịt và một số mặt hàng nông sản thiết yếu cho thị trường Đồng Hới. Tại nơi tập trung các mặt hàng “cây nhà lá vườn” do nông dân tự trồng và đem ra bán, chúng tôi ngạc nhiên vì giá các mặt hàng rau, củ nơi đây khá rẻ.

Chị Nguyễn Thị Sáng (thôn 8, xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch) chia sẻ: gia đình chị có 2 sào đất trồng rau quanh năm. Tùy từng thời điểm, khi rau nhiều thì các thương lái ở Đồng Hới, Đồng Trạch đến thu mua tận vườn, khi ít hơn thì chị nhập sỉ cho các đầu mối ở chợ Hoàn Lão. Cũng theo chị Sáng, do phải qua nhiều khâu trung gian nên trung bình mỗi kg rau sẽ bị đội giá lên khoảng 2 – 3 lần trước khi đến tay người tiêu dùng. Đơn cử thời điểm cao giá, nếu mua tại vườn thì ngò có giá 35.000 đồng/kg, rau dền 2.000 đồng/bó, cải 7.000 đồng/bó, rau cần 40.000 đồng/kg.

Từ giá gốc này, các thương lái thu gom sẽ bán lại cho các đầu mối bán lẻ với giá 50.000 đồng/kg ngò, 5.000 đồng/bó rau dền, 12.000 đồng/bó cải và 60.000 đồng/kgrau cần. Và đương nhiên, khi đến tay người tiêu dùng tại các chợ thì giá rau chắc chắn sẽ còn “nhích” thêm nữa.

Không chỉ là chuyện bó rau, tình trạng trên cũng lặp lại đối với nhiều mặt hàng nông sản khác. Chị Nguyễn Minh Hà ở phường Bắc Nghĩa (TP.Đồng Hới) cho biết, thời gian qua, giá các loại thức ăn chăn nuôi không hề giảm nhưng giá bán lợn hơi vẫn thấp với mức “kỉ lục” với 24.000-27.000 đồng/kg. Với giá này, sau 3 tháng rưỡi xuất chuồng, người nuôi lợn bị lỗ nặng.

Nông dân bán sản phẩm tại ruộng với giá thấp.
Nông dân bán sản phẩm tại ruộng với giá thấp.

Thế nhưng tại các chợ ở Đồng Hới, như: chợ Bắc Lý, chợ Nam Lý... giá thịt vẫn không mấy giảm nhiệt với: thịt mông sấn 85.000 - 90.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 80.000 - 85.000 đồng/kg, sườn 85.000 - 90.000 đồng/kg. Thịt lợn từ chuồng đến chợ đã phải qua nhiều khâu trung gian và khi đến tay người tiêu dùng đã có những khoảng chênh lệch đáng kể.

Để người nông dân hưởng lợi

Từ thực tế trên, việc làm thế nào để nông dân được hưởng lợi vẫn là câu hỏi khó lâu nay đối với các sở, ngành liên quan. Bởi, việc sản xuất manh mún, giá vật tư đầu vào tăng, thị trường đầu ra thiếu ổn định đang khiến lợi nhuận của bà con bị thu hẹp. Nỗi lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của người nông dân là hoàn toàn có cơ sở khi họ phải gánh chịu quá nhiều rủi ro trong sản xuất nhưng lại hưởng lợi nhuận không đáng kể ngay cả khi giá thị trường tăng.

Quay lại câu chuyện về “bài toán” giá, người tiêu dùng cho rằng giá vẫn cao trong khi người nông dân khổ sở vì giá bán không đủ bù cho giá con giống, phân bón chứ chưa nói đến công chăm sóc. Trong khi đó, bản thân các khâu trung gian cũng than rằng họ bị rủi ro. Chị Nguyễn Thị Liễu, một tiểu thương ở chợ Đồng Hới cho rằng vì một số mặt hàng khó bảo quản lâu mà phải tiêu thụ ngay trong ngày, như các loại thịt hay một số loại thực phẩm có thể để được một hai ngày, như: rau, củ, quả tươi..., đều phải tiêu thụ trong thời gian ngắn nhất có thể.

Chính điều này dẫn tới việc tư thương bán lẻ phải bán giá cao vào buổi sáng, hạ dần vào buổi chiều để bình quân giá, tránh tình trạng để hàng quá lâu sẽ thối, hỏng và phải bỏ đi. Bên cạnh đó, do các khoản thuế, phí tại các chợ, phí vận chuyển... nên việc tăng giá theo từng buổi chợ là điều hết sức bình thường.

Lý giải về điều này, phía Sở Tài chính cho biết, theo quy định, các mặt hàng thiết yếu, như: rau, củ, quả, không thuộc diện các mặt hàng niêm yết giá. Do đó, việc hình thành giá dựa trên cung cầu thực tế của thị trường. Người nông dân bán hàng với mức thấp, nhưng qua các khâu trung gian từ thương lái mua gom đến bán buôn, bán các chợ đầu mối rồi bán lẻ..., mỗi một mắt xích như thế giá đã bị lệch đi nhiều. Càng qua nhiều khâu trung gian thì giá lại càng tăng cao, điều này rất khó kiểm soát nếu không muốn nói là ngoài khả năng.

Để bảo đảm công bằng cho nông dân, cần tính toán giá thành sản xuất trên từng loại cây trồng, vật nuôi một cách đầy đủ và chính xác; tính đến công sức của nông dân trên đồng ruộng, tiền thuê đất, lãi suất ngân hàng... Bởi trên thực tế, nông dân không bán sản phẩm trực tiếp cho doanh nghiệp mà phải thông qua thương lái.

Để người nông dân thực sự được hưởng lợi từ thành quả lao động của chính mình, chúng ta cần có chiến lược trong sản xuất và phân phối. Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực chỉ đạo lồng ghép chương trình “3 tăng 3 giảm” nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận của người nông dân với mục tiêu phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.

Bên cạnh đó, Sở còn kết hợp với tổ chức SNV (Hà Lan) nhằm giúp nông dân tiếp cận với mô hình hiệu quả theo chuỗi giá trị từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các hộ nông dân về phương pháp sản xuất, xây dựng mô hình liên kết giữa nông dân với các đơn vị kinh doanh chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn.

Cùng với đó, các chương trình, như: xây dựng cánh đồng mẫu lớn, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, giảm khâu trung gian, tăng thu nhập cho người dân hay việc ký kết hợp đồng chăn nuôi với Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi CP theo mô hình chuỗi sản xuất giá trị đang là hướng đi nhiều tiềm năng được nhiều nông dân lựa chọn nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.

Th.Hải