.

Lệ Thủy: Chú trọng sản xuất lúa chất lượng cao

Thứ Tư, 07/06/2017, 11:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, nhờ làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, cây lúa Lệ Thủy vừa làm tốt vai trò bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn, vừa góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân. 

Vụ đông - xuân năm 2016-2017, toàn huyện Lệ Thủy gieo 10.160 ha lúa, năng suất lúa bình quân đạt 67,13 tạ/ha, so với cùng kỳ bằng 101,72%; sản lượng đạt 68.291 tấn, tăng 1.235 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Có 14 xã có năng suất đạt từ 65 tạ/ha trở lên; trong đó, có 7 xã, thị trấn năng suất đạt trên 70 tạ/ha là Hồng Thủy, Hoa Thủy, An Thủy, Phong Thủy, Sơn Thủy, Xuân Thủy và thị trấn Kiến Giang.

Lệ Thủy liên tục được mùa cũng nhờ làm tốt công tác giống trên đồng ruộng. Nhiều năm qua, UBND huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT, UBND các xã, thị trấn triển khai kế hoạch thử nghiệm và nhân rộng các giống lúa chất lượng cao. Cơ cấu những bộ giống lúa chủ lực Lệ Thuỷ đưa vào sử dụng ở vụ mùa này gồm giống lúa thuần Xi23, X21, NX30, 94-11, X33, riêng diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao là 2.800 ha, chiếm hơn 30% diện tích.

Dây chuyền xay xát lúa gạo được đầu tư hiện đại ở HTX Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy.
Dây chuyền xay xát lúa gạo được đầu tư hiện đại ở HTX Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy.

UBND huyện đã đưa vào cơ cấu bộ giống TBR225, TBR1, P290, XT28, HT1, P6, IR353-66 có năng suất trên 65 tạ/ha và chất lượng gạo tốt, với nhiều đặc điểm, như: đẻ nhánh khỏe, thân cứng, hạn chế thấp nhất sâu bệnh. Các loại giống lúa chất lượng cao này đều được sản xuất thử nghiệm trên đồng ruộng qua nhiều mùa vụ, thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu để thay thế dần giống lúa nhóm X và VN 20 đang bị thoái hóa, nhiễm bệnh đạo ôn và rầy.

Hiện nay, một số sản phẩm gạo Lệ Thủy được người tiêu dùng trong và ngoài huyện quan tâm, tin dùng, như: gạo P6, HT1, TBR225... Đây cũng là tín hiệu vui của sản phẩm gạo của Lệ Thủy. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện, sản xuất lúa thời gian qua vẫn chỉ mới chú trọng gia tăng năng suất, chưa quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm, quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa liên kết bền vững với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, giá trị thu nhập trên một ha đất thấp.

Do đó, trong những năm tới, Lệ Thủy tập trung quy hoạch các vùng sản xuất tập trung giống lúa chất lượng cao theo hướng chất lượng cao, sạch, hữu cơ. Đồng thời, huyện rà soát, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn có hiệu quả hơn để phục vụ chăn nuôi và nâng cao giá trị thu nhập; tiếp tục chỉ đạo mở rộng cánh đồng mẫu lớn. Qua thực tiễn 2 vụ thực hiện cánh đồng mẫu lớn ở Lệ Thuỷ cho thấy, cánh đồng mẫu lớn đem lại hiệu quả kinh tế hơn so với canh tác phân tán, rõ nét nhất là nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người nông dân.

Đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất lúa chất lượng cao và nỗ lực xây dựng thương hiệu “Gạo Lệ Thủy” là một trong những hướng đi quan trọng nhằm tạo cây chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn trong giai đoạn mới.

Những giải pháp và chính sách được đề ra để khuyến khích phát triển lúa chất lượng cao ở Lệ Thủy sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, kết nối thị trường và tạo thêm thu nhập cho người nông dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đình Hoàng
(Đài TT-TH Lệ Thủy)