.

Hiệu quả từ tín dụng ưu đãi

Thứ Năm, 22/06/2017, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội vùng núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, hộ dân tộc thiểu số và đã đạt được hiệu quả thiết thực.

Là huyện 30a của tỉnh Minh Hóa có tới 5.000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Bí thư huyện ủy Đoàn Ngọc Lâm với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, trình độ dân trí và trình độ khoa học kỹ thuật hạn chế, phong tục tập quán còn lạc hậu, tỷ suất sinh hàng năm cao, người dân còn mang nặng tư tưởng “đông con hơn đông của, Minh Hóa có tỷ lệ hộ nghèo cao. Các giải pháp của Chính phủ dành cho huyện nghèo và nguồn lực đầu tư, trong đó phải kể đến nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, đã giúp bà con phát triển kinh tế trên vùng đất khó.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Hồ Thị Thanh, dân tộc Khùa ở bản Hưng, xã Trọng Hóa (Minh Hóa). Chị cho biết, gia đình được vay 40 triệu đồng vốn hộ nghèo. Nhờ những đồng vốn ưu đãi này, đến nay, gia đình đã ổn định cuộc sống với ngôi nhà khang trang và nguồn thu khá ổn định từ chăn nuôi trâu bò và cây lâu năm.

Từ nguồn vốn NHCSXH, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã đầu tư nuôi trâu bò và trồng rừng hiệu quả.
Từ nguồn vốn NHCSXH, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã đầu tư nuôi trâu bò và trồng rừng hiệu quả.

Trước đây, gia đình miềng thuộc diện ít đất sản xuất, cộng với việc không có vốn làm ăn nên cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Nhưng từ khi vay được tiền NHCSXH, gia đình tập trung vào chăn nuôi được 10 con bò và 5 ha cây trầm, tràm..., dần dần cũng có lãi, có thêm điều kiện nuôi các con ăn học. Mỗi năm tổng thu nhập được trên 50 triệu đồng.

Gia đình Hồ Răm cũng thuộc hộ nghèo của bản Hưng “Được NHCSXH quan tâm cho vay 30 triệu để nuôi bò, nuôi lợn, gia đình Hồ Răm có tiền trả gốc và lãi đều đặn cho NHCSXH. Tính đến hết tháng 5 này, gia đình trả hết nợ cho ngân hàng và chính thức thoát nghèo.

Anh Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa cho biết: “Trọng Hóa là xã biên giới đời sống còn quá khó khăn. Toàn xã hiện vẫn còn 93,6% hộ nghèo; có đến 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người: Khùa, Mày, Chức). Toàn xã hiện có 850 hộ và 1.126 nhân khẩu. Kinh tế ở đây chủ yếu là chăn nuôi và trồng rừng. Tổng dự nợ hiện tại của xã là 8,47 tỷ đồng với 539 hộ vay.

Có thể nói, đồng vốn tín dụng chuyển tải qua NHCSXH thời gian qua mang ý nghĩa thiết thực góp phần vào thực hiện giảm nghèo tại địa phương. Nhờ có các chính sách tín dụng ưu đãi, bà con tiếp cận được vốn để phát triển kinh tế, bên cạnh đó, đồng bào bước đầu đã thay đổi nhận thức về sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường và đã có hộ vươn lên thoát nghèo trên vùng đất khó khăn này”.

Theo anh Trần Giang Hà, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Minh Hóa: “Bằng cách thức, thủ tục vay vốn đơn giản và mạng lưới hoạt động của tín dụng chính sách được “phủ” đến từng thôn, bản thông qua gần 271 Tổ tiết kiệm và vay vốn, đến cuối tháng 5 năm 2017, tổng dư nợ toàn huyện đạt hơn 310 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 2,93%.

Để nâng cao hiệu quả đồng vốn ưu đãi, các điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã đã kết hợp với hướng dẫn sử dụng vốn vay phù hợp với khả năng và điều kiện của hộ vay. Chính điều này đã giúp cho đồng vốn tín dụng chính sách thay đổi cuộc sống của đồng bào, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó những khó khăn trong quá trình triển khai. Cụ thể, việc bố trí nguồn vốn chưa kịp thời, khiến việc chủ động thực hiện các chương trình tín dụng theo kế hoạch được duyệt gặp trở ngại.

Nguyên nhân của khó khăn trên là do bà con dân tộc thiểu số sinh sống tại những nơi có địa hình hiểm trở, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, lũ quét, lũ ống, hạn hán, nằm xa các trung tâm kinh tế, giao thông khó khăn; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống còn nhiều hạn chế.

Mặt khác, trình độ, tập quán sản xuất, nhận thức và cách thức tổ chức sản xuất của một bộ phận hộ dân tộc thiểu số còn thấp, vẫn còn tính tự cấp, tự túc... Sản phẩm sản xuất ra không tập trung, khó tiêu thụ, dẫn dến lợi nhuận thấp, đồng tiền thu được không bù đắp đủ chi phí sản xuất. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa có cơ chế gắn kết thống nhất để lồng ghép, phối hợp giữa vốn tín dụng của NHCSXH với các hoạt động đào tạo, tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học với các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn.

Những kết quả cụ thể trên đối với đồng bào dân tộc thiểu số là cơ sở để NHCSXH nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Chính sách tín dụng dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới cần mang tính đột phá về tăng mức vay; tăng thời hạn cho vay; nguồn vốn tập trung vào một số ngành nghề quan trọng để hộ dân có định hướng làm ăn, tạo sinh kế trong tương lai, như: nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống...

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, có định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm... để giúp hộ dân tạo năng suất, chất lượng sản phẩm (thực sự là sản xuất hàng hoá). Đồng thời, cần có chính sách tín dụng đặc thù cho vùng, địa phương để ưu tiên, khuyến khích đồng bào định canh, định cư tại chỗ, vừa giúp cho việc phát triển kinh tế bền vững và vừa giữ gìn bản sắc dân tộc...

Hiền Phương