.

Bảo vệ và Phát triển rừng: Nâng cao giá trị của rừng

Thứ Năm, 29/06/2017, 10:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, từng bước chuyển đổi cơ cấu, xây dựng mô hình lâm nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, tăng giá trị của sản phẩm hàng hóa lâm nghiệp, những năm qua tỉnh ta đã chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của rừng tự nhiên và rừng trồng.

Nâng cao chất lượng cây giống, yếu tố hàng đầu trong phát triển rừng bền vững.
Nâng cao chất lượng cây giống, yếu tố hàng đầu trong phát triển rừng bền vững.

Quảng Bình có tiềm năng, thế mạnh về phát triển lâm nghiệp và có sức cạnh tranh lớn về kinh tế rừng. Tuy nhiên sản xuất lâm nghiệp của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn thách thức, như: kết quả phát triển rừng không đồng đều giữa địa phương; chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên có nơi vẫn tiếp tục bị suy giảm; tình trạng chặt phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng rừng vẫn còn diễn ra; năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của đơn vị chủ rừng còn hạn chế. Trồng rừng sản xuất kinh doanh gỗ nhỏ là chủ yếu, đời sống người làm rừng vẫn còn khó khăn...

Để phát huy lợi thế về kinh tế rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020; trong đó đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.

Cụ thể, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả diện tích rừng tự nhiên; nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng; đưa năng suất rừng trồng mới đạt trên 20m3/ha/năm, rừng trồng chuyển hóa đạt trên 15m3/ha/năm; tập trung từng bước chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ rừng trồng từ khai thác gỗ non phục vụ chế biến dăm xuất khẩu sang kinh doanh gỗ lớn phục vụ chế biến tinh, sâu.

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh tổ chức sản xuất dưới nhiều hình thức theo hướng mở rộng, hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa sử dụng gỗ rừng trồng, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng. Từ đó, phấn đấu đến năm 2020, độ che phủ của rừng trên toàn tỉnh đạt 70%, bảo đảm chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, an ninh xã hội và quốc phòng ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã xác định, trước hết, cần phải phát triển, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên. Trong đó, cần quản lý bảo vệ tốt 123.186 ha rừng đặc dụng hiện có theo hướng nâng cao chất lượng rừng, giá trị đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Đối với 148.224 ha rừng phòng hộ, tỉnh áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi để phát triển, bảo đảm chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, chống cát bay, cát chảy vùng ven biển; ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về 205.467 ha rừng sản xuất, tỉnh tiếp tục chuyển đổi một số diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt để trồng rừng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giá trị sản xuất lâm nghiệp; bảo vệ tốt các diện tích rừng giàu, rừng trung bình và rừng nghèo còn lại. Đồng thời, cần kết hợp thực hiện các giải pháp lâm sinh, như: làm giàn rừng, nuôi dưỡng rừng, nhằm nâng cao chất lượng, trữ lượng rừng đáp ứng mục tiêu khai thác trong thời gian tới.

Cùng với các giải pháp nêu trên, tỉnh sẽ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng. Trong đó, các địa phương, đơn vị trên toàn tỉnh xây dựng phương án và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2014-2020 theo kế hoạch với diện tích 2.000 ha. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng cây mọc nhanh cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng việc cải tạo rừng tự nhiên là rừng sản xuất nghèo kiệt để trồng rừng theo hướng thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giá trị sản xuất lâm nghiệp; thực hiện quy hoạch phát triển cao su trên toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 với diện tích 6.000 ha trên đất lâm nghiệp, bình quân mỗi năm trồng được 1.000 ha.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nguồn giống đưa vào trồng rừng; phấn đấu đưa tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận là giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng đạt 60-70% vào năm 2020. Trong đó, cần chú trọng việc trồng thực nghiệm các giống mới có năng suất cao để bổ sung các giống tốt vào cơ cấu cây trồng phục vụ mục tiêu kinh doanh gỗ lớn...

Theo ông Phạm Hồng Thái, trên cơ sở đề án, để nâng cao giá trị từ rừng trong thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi căn bản nhận thức về ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế gắn với thu nhập và cuộc sống của người dân; việc nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp.

Chăm sóc nguồn cung cấp hom giống tại Trạm giống của Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình.
Chăm sóc nguồn cung cấp hom giống tại Trạm giống của Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình.

Các địa phương cũng cần triển khai có hiệu quả các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, như: hỗ trợ đầu tư và tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng gỗ lớn, đầu tư các cơ sở chế biến gỗ...

Đặc biệt, cần lồng ghép các nguồn vốn để triển khai thực hiện các mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn; mô hình chuyển hóa rừng trồng cây mọc nhanh cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Đồng thời, tranh thủ hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của các dự án lâm nghiệp để xây dựng thí điểm các mô hình quản lý rừng trồng bền vững đối với tổ chức, nhóm hộ gia đình, cá nhân; xây dựng phương án giao đất lâm nghiệp gắn với giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ và sản xuất. Trong đó, cần tập trung rà soát lại diện tích đã giao cho hộ gia đình, cá nhân để có sự điều chỉnh thực địa, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ và sản xuất...

Đối với là tổ chức là chủ rừng, cần tổ chức lại việc quản lý rừng theo quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020 đã được phê duyệt. Các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng tiếp tục rà soát chuyển giao đất về địa phương để giao hoặc cho thuê theo đúng quy định.

Các địa phương, đơn vị cần áp dụng công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất cây giống để nâng cao chất lượng giống lâm nghiệp; chú trọng thúc đẩy người dân, các tổ chức áp dụng các tiến bộ khoa học, biện pháp kỹ thuật, giống mới vào sản xuất và đầu tư các mô hình trọng tâm, trọng điểm có hiệu quả để nhân rộng. Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ và theo dõi diễn biến rừng.

Hương Trà