.

Tuyên Hóa: Nỗ lực giảm nợ quá hạn

Thứ Tư, 31/05/2017, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Tính đến 30-4-2017, tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH chi nhánh Quảng Bình chỉ chiếm 0,12% tổng dư nợ. Có 72 xã (chiếm 45,2% tổng số xã trên toàn tỉnh) hoàn toàn không có nợ quá hạn tại NHCSXH. Một trong những địa phương làm tốt công tác tín dụng này là phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuyên Hóa.

Trong những năm qua, nhờ sự phối hợp tốt của NHCSXH với các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành và các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) cùng những nỗ lực của cán bộ trên toàn hệ thống, NHCSXH luôn giữ được tỷ lệ nợ quá hạn thấp.

Theo chia sẻ của ông Dương Xuân Trí, Giám đốc NHCSXH huyện Tuyên Hóa, đội ngũ cán bộ ngân hàng thường xuyên quan tâm tới công tác kiện toàn tổ TK và VV, đưa hoạt động của tổ đi vào nền nếp, rà soát để cho vay vốn đúng đối tượng. Hộ vay phải có phương án sản xuất kinh doanh khả quan và đối với cho vay để giải quyết việc làm, phải có nhân lực tốt.

Bên cạnh đó, ngoài việc làm tốt việc thu nợ gốc khi đến hạn cuối cùng, NHCSXH còn thường xuyên phân tích, đánh giá thực trạng và khả năng thu hồi các khoản đã cho vay để có giải pháp thu hồi và xử lý cho phù hợp; đôn đốc việc thu hồi nợ gốc theo phân kỳ để tạo thói quen cho hộ vay có ý thức trả dần, giảm áp lực trả nợ khi đến hạn. Số vốn thu được sẽ sử dụng cho vay quay vòng ngay trong xã đó (trừ trường hợp không có nhu cầu vay), hạn chế tối đa nợ quá hạn phát sinh. Chính vì vậy, trong những tháng đầu năm 2017, tỷ lệ nợ quá hạn của huyện ở mức 0,12%.

Nhiều hộ vay đã biết trồng thêm cây phụ như: lạc, sắn, để phát huy đồng vốn hiệu quả.
Nhiều hộ vay đã biết trồng thêm cây phụ như: lạc, sắn, để phát huy đồng vốn hiệu quả.

Thành công của NHCSXH Tuyên Hóa còn nhờ sự phối hợp thường xuyên với các ban, ngành liên quan của huyện, như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để có sự kết hợp, lồng ghép giữa hoạt động cho vay vốn với các chương trình khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển giao KHKT đến các hộ được vay vốn. 

Bên cạnh đó, hoạt động của Tổ TK và VV cũng là hình thức giúp gắn kết tính cộng đồng ở các tổ, các thôn. Đây là địa chỉ để các hộ cùng nhau tìm hiểu về các chương trình tín dụng ưu đãi phù hợp và giúp đỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, sử dụng vốn vay, tạo thành phong trào trong toàn huyện, giúp các hộ dân hăng hái tham gia sản xuất kinh doanh, bảo đảm trả nợ, trả lãi cho ngân hàng đúng hạn và đầy đủ.

Ban quản lý Tổ TK và VV thường xuyên nhắc nhở người vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, đồng thời trực tiếp đối chiếu nợ vay của NHCSXH với người vay để phát hiện sai sót; thông báo nợ đến hạn trước 3 tháng cho hộ vay để chuẩn bị tiền trả nợ cho ngân hàng; làm tốt công tác thu tiền gửi của tổ viên, động viên người vay thực hành tiết kiệm, tạo nguồn vốn tự có để hỗ trợ trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng khi đến hạn.

Anh Hồ Thăng Long, Tổ trưởng Tổ TK và VV xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, xã Phong Hóa hiện có số dư nợ là 25,7 tỷ đồng với 601 hộ tham gia vay vốn. Trong những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện dựa trên chương trình ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, triển khai bảo đảm chặt chẽ quy trình cho vay tín dụng, như: xét đúng đối tượng, giải ngân nguồn vốn, hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời phối hợp với ngành chức năng tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao năng lực lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân áp dụng phát triển kinh tế. Nhờ thực hiện nghiêm túc các quy trình, nguồn vốn ủy thác qua các hội luôn đáp ứng được đúng đối tượng, mục đích, bảo đảm được chất lượng tín dụng. Người dân tham gia cũng gắn kết hơn với hoạt động của từng hội đoàn thể.

Từ nguồn vốn NHCSXH, nhiều gia đình đã thoát được cảnh nghèo. Điển hình như hộ anh Vương Duy Hóa ở thôn Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa. Trước kia, anh thuộc hộ nghèo của xã, được sự trợ giúp của NHCSXH huyện Tuyên Hóa, gia đình được vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng rừng và chăn nuôi. Nhờ thu nhập từ rừng và chăn nuôi, gia đình anh đã có thể trả nợ ngân hàng đúng thời hạn, các con học hành đến nơi đến chốn và kinh tế gia đình dần phát triển. Tính đến thời điểm này, thu nhập mỗi năm của gia đình anh cũng được 100 triệu đồng.

Xã Phong Hóa, là một trong 9 xã của huyện Tuyên Hóa làm tốt công tác trả nợ, không có khách hàng nợ quá hạn. Hiện nay, NHCSXH tỉnh nói chung và NHCSXH huyện Tuyên Hóa nói riêng đang rất nỗ lực để ngày càng có giảm số lượng địa phương nợ quá hạn, đồng thời, tăng cường củng cố chất lượng tín dụng, đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát công việc sản xuất kinh doanh của người dân vay vốn và bảo đảm đáp ứng ở mức cao nhất nhu cầu vay vốn của người nghèo, các đối tượng chính sách.

Hiền Phương