.

Triệu phú vùng cao

Thứ Hai, 29/05/2017, 08:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 25 năm, một mình lên vùng đất khó Lâm Trạch làm kinh tế từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Văn Tám, ở thôn 5, xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, ông cứ cần mẫn như con ong chăm chỉ và trời không phụ công người, đến nay, ông là một trong những gương mặt triệu phú vùng cao được nhiều người biết đến và học hỏi.

Trong cái nắng oi ả của những ngày đầu hè, ông Nguyễn Văn Tám ra đón khách với khuôn mặt rạng ngời, lau vội đôi tay, ông Tám mời chúng tôi vào nhà, qua ly nước chạm môi, ông Tám nhớ lại những năm đầu khởi nghiệp: “Đất trang trại của tôi trước kia là đất của hợp tác xã. Những năm 1993-1995, HTX Nông nghiệp xã khuyến khích hội viên lên đây làm kinh tế, nhưng phần lớn làm không có hiệu quả, nhiều hội viên trả lại đất không làm nữa.

Thời điểm đó, tôi nghĩ mình chỉ phù hợp làm nông thôi, để đất trống “chết” thế phí quá, vả lại nếu không cố gắng bám đất thì vợ con khổ. Với suy nghĩ đó, tôi bắt đầu lên kế hoạch xin HTX thầu lại đất, sau đó đi tham khảo nhiều mô hình kinh tế khác, học hỏi và tìm các loại cây, giống phù hợp với vùng đất của mình nhằm đem lại hiệu quả về kinh tế”.

Mỗi ngày, trang trại ông Nguyễn Văn Tám xuất khoảng 1.900 quả trứng.
Mỗi ngày, trang trại ông Nguyễn Văn Tám xuất khoảng 1.900 quả trứng.

Khi mới bắt đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên mô hình sản xuất còn gặp khó khăn. Dù vậy, vẫn không nản lòng, ông bắt đầu tham gia các lớp tập huấn trang bị những kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất do địa phương tổ chức, tham khảo các thông tin trên sách báo, truyền hình, hệ thống thông tin đại chúng, nhất là đến các địa phương có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt để vừa học hỏi, vừa sản xuất, vừa rút kinh nghiệm để chắt lọc kiến thức áp dụng vào thực tế.

Tiếp đó, vợ chồng ông vay mượn từ ngân hàng để đầu tư nuôi gà, vịt, ngỗng, ngan, heo... Ban đầu, cứ mỗi con giống ông chỉ nuôi vài con, sau đó cứ sinh sôi nảy nở nhiều lên. Từ đó, mô hình chăn nuôi, trồng trọt của ông ngày càng phát triển, sản lượng không ngừng gia tăng với số lượng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình vườn, rừng, chuồng (VRC) của gia đình, ông Tám tự tin nói: “25 năm cày cuốc được cơ ngơi này. Ngay cả con đường vào trang trại hay hệ thống tưới tiêu, hệ thống điện lưới phục vụ cho khu kinh tế này đều do gia đình tôi đầu tư làm cả... ”.

Nhìn ra khu đất mênh mông của trang trại ông Tám, gần 13 ha đất được phủ kín bởi cây trồng, vật nuôi với quy mô đẹp mắt. Xa xa bao quanh trang trại là 10 ha đất rừng trong keo và thông (6,5 ha keo và 3,5 ha thông). Phần giữa trang trại, ông nuôi trên 2.000 con vịt, ngan, ngỗng, 250 con gà đẻ, 200 con gà bán thịt cùng bò, trâu, lợn nái và hươu.

Ngoài đất rừng và chăn nuôi, vợ chồng ông Tám còn trồng thêm cây lạc, ớt, lúa và trang bị thêm hệ thống ấp trứng. Mỗi ngày, trang trại ông Tám xuất khoảng 1.900 quả trứng (10 tháng/năm), gà xuất khoảng 1.000 con... Để thuận lợi hơn cho hoạt động làm ăn kinh tế gia đình, ông đầu tư mua 4 chiếc ô tô chuyên dùng để vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ đầu ra và đầu vào cho trang trại.

“Với mô hình kinh tế này, mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 1 tỷ đồng. Trừ chi phí cũng lãi ròng từ 300-400 triệu đồng” ông Tám vui vẻ chia sẻ thêm.

Khởi nghiệp bằng con số “không”: không bằng cấp, không kiến thức, không có vốn, không có nhân lực lao động..., nhưng ông Nguyễn Văn Tám đã hồi sinh cho mảnh đất khô cằn miền tây Lâm Trạch được xanh tươi và trù phú. Những nỗ lực của ông đã nhiều lần được Hội Làm Vườn, Hội Nông dân huyện, tỉnh tặng bằng khen và giấy khen về “Gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi”...

Hiền Phương