.

Thị xã Ba Đồn: Tập trung xây dựng các vùng chuyên canh

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Trừ xã Quảng Tân, địa phương làm điểm của thị xã và đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, thị xã Ba Đồn hiện đang triển khai dồn điền đổi thửa trên địa bàn 9 xã: Quảng Hải, Quảng Văn, Quảng Lộc, Quảng Hòa, Quảng Minh, Quảng Thuỷ, Quảng Trung, Quảng Tiên và Quảng Sơn. Mặc dù mỗi địa phương có bước đi khởi đầu khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hoá, sau dồn điền đổi thửa mỗi hộ chỉ còn từ 1 đến 2 thửa.

Trên cơ sở chỉ thị của Ban Thường vụ Thị uỷ, kế hoạch của UBND thị xã các địa phương đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo của xã, các tiểu ban của thôn và các tổ triển khai thống kê nhân khẩu, diện tích đất nông nghiệp của từng hộ, dự kiến quy hoạch lại hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng để thuận tiện cho sản xuất. 

Trên cơ sở công khai quy hoạch, kết quả điều tra quỹ đất nông nghiệp ngoài đồng, nhu cầu sử dụng đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, khẩu và tiêu chuẩn giao ruộng đất ổn định, các địa phương xây dựng phương án dồn điền đổi thửa của xã để định hướng cho các thôn, xóm xây dựng phương án. Sau khi hoàn thiện phương án dồn điền đổi thửa thông qua Ban chỉ đạo xã, các xã tổ chức họp HĐND thảo luận và ban hành nghị quyết thông qua phương án trình UBND thị xã phê duyệt.

Ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, Trưởng Ban chỉ đạo Dồn điền đổi thửa thị xã cho biết thêm, toàn thị xã có 46 thôn thực hiện dồn điền đổi thửa trong đợt này (trong đó xã Quảng Hải có 6 thôn, Quảng Văn 3 thôn, Quảng Lộc 5 thôn, Quảng Hoà 4 thôn, Quảng Minh 6 thôn, Quảng Trung 4 thôn, Quảng Thuỷ 5 thôn, Quảng Tiên 6 thôn và Quảng Sơn 7 thôn) và đến nay chỉ còn 3 thôn của xã Quảng Sơn chưa tiến hành dồn điền đổi thửa.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn với nhiều ưu điểm vượt trội tại xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn với nhiều ưu điểm vượt trội tại xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn.

Toàn thị xã có diện tích trước khi dồn điền đổi thửa là 1668,75 ha, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa còn 1.384 ha, giảm 284,75 ha. Nguyên nhân diện tích sau dồn điền đổi thửa giảm là do một số xã trước đây thống kê đất trồng cây hàng năm trong cùng thửa đất ở, có quy hoạch tuyến đường cao tốc đi qua nên không đưa vào để dồn điền đổi thửa và hiến đất để làm công trình giao thông, thủy lợi nội đồng.

Trước khi dồn điền đổi thửa, toàn thị xã có 23.157 thửa, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa còn 12.654 thửa, giảm 10.503 thửa. Số thửa bình quân/hộ trước dồn điền đổi thửa là 3,1 thửa/hộ, sau dồn điền đổi thửa là 1,7 thửa/hộ, cơ bản đạt được mục tiêu mỗi hộ còn từ 1 đến 2 thửa. Diện tích bình quân thửa trước dồn điền đổi thửa là 578,1 m2/thửa, sau dồn điền đổi thửa là 867,8 m2/thửa, trung bình tăng 1,5 lần so với trước đây.

Có thể nói rằng, thị xã đã thực hiện thành công tiêu chí khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hoá. Điển hình như xã Quảng Thủy có diện tích bình quân thửa trước dồn điền đổi thửa là 328,6 m2/thửa và sau dồn điền đổi thửa là 1.276,5 m2/thửa, gấp 3,88 lần.

Cùng với kết quả thực hiện dồn điền đổi thửa, người dân trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã tự nguyện đóng góp trên 90ha đất để làm công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng và đất 5% của xã. Khối lượng đào đắp giao thông, thuỷ lợi nội đồng bình quân mỗi xã khoảng 1.500m3. Hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng được các xã thực hiện theo đúng quy hoạch.

Cụ thể, thiết kế bờ vùng cách bờ vùng là 200 đến 300m, bờ thửa cách bờ thửa từ 50 đến 100m, mặt bờ vùng rộng từ 3 đến 5m, bảo đảm cho máy cày, máy gặt đập liên hợp hoạt động. Dọc bờ vùng, bờ thửa có mương tưới tiêu nước và thuận lợi cho việc sử dụng cơ giới vào sản xuất.

Đặc biệt, do công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang nội đồng theo đúng quy hoạch, nên các xã đều quy hoạch được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mỗi xã có từ 3 đến 4 vùng. Đây là nền tảng để xây dựng và thực hiện cánh đồng mẫu lớn, là điều kiện tốt để các tập thể, cá nhân mạnh dạn đầu tư vốn để mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần làm giảm chi phí, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tại các xã đã dồn điền đổi thửa và chỉnh trang nội đồng, nông dân đã đầu tư máy móc, cơ giới phục vụ sản xuất nên khâu làm đất đạt 100%, vận chuyển đạt 100%, gặt 90%, và bơm nước 100%. Cũng nhờ được cơ giới hoá nên trong sản xuất nông nghiệp, bà con đã giảm được từ 80.000 đến 100.000 đồng/sào cho chi phí khâu làm đất, khâu gặt giảm 130.000 đồng/sào.

T.H