.

Tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật

Thứ Ba, 23/05/2017, 11:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Để chủ động ngăn chặn vi phạm trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trên địa bàn, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 856/UBND-KTN về việc tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn từng địa phương thực hiện quy định về kiểm soát giết mổ động vật, cơ sở thu gom, điểm trung chuyển gia súc, kiểm tra vệ sinh thú y bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành của pháp luật; tổ chức đoàn thanh, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện trường hợp vi phạm trong việc giết mổ động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; chú trọng công tác quản lý giết mổ, chế biến thịt tại cơ sở giết mổ động vật, chế biến sản phẩm động vật nhỏ lẻ, tập trung nhằm phát hiện, xử lý kịp thời hành vi giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật bị chết, bị bệnh làm thực phẩm theo quy định.

Các huyện, thành phố, thị xã nghiêm cấm việc buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để sử dụng làm thực phẩm; vứt xác động vật ra ngoài môi trường; thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thông cơ sở đến tổ chức, cá nhân chăn nuôi, buôn bán, giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật không được giết mổ động vật bị chết, bị bệnh để chế biến làm thực phẩm hoặc liên kết với người buôn bán thịt gia súc, gia cầm để gian lận thương mại, biến động vật chết thành thực phẩm...; không được vứt xác động vật ra môi trường.

Mặt khác, các địa phương cần bố trí địa điểm xử lý, tiêu hủy động vật chết, mắc bệnh bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là những nơi có nhiều hoạt động buôn bán, chăn nuôi gia súc, gia cầm; tăng cường công tác kiểm tra các điểm thu gom để phát hiện gia súc bị bệnh hoặc không đảm bảo vệ sinh thú y; có biện pháp xử lý chất thải, nước thải trong quá trình vận chuyển, thu gom, tập kết, tắm lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường; đồng thời làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

A.T