.

Sản xuất lúa theo hệ thống thâm canh cải tiến SRI tạo được sản phẩm lúa gạo sạch, chất lượng cao

Thứ Bảy, 13/05/2017, 08:45 [GMT+7]
( QBĐT) -Sáng 12-5, tại HTX Quảng Xá (xã Tân Ninh, Quảng Ninh), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả thực hiện cánh đồng sản xuất lúa theo hệ thống thâm canh cải tiến (SRI) thuộc dự án FLOW/EOWE do Chính phủ Hà Lan tài trợ.
 
Thực hiện dự án “Tăng cường cơ hội cho doanh nghiệp nữ/Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp” (FLOW/EOWE), vụ đông xuân 2016-2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện hợp phần sản xuất lúa theo hệ thống thâm canh cải tiến (SRI) tại huyện Quảng Ninh.  
 Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật báo cáo  kết quả thực hiện cánh đồng sản xuất lúa theo hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại Quảng Ninh.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật báo cáo kết quả thực hiện cánh đồng sản xuất lúa theo hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) tại Quảng Ninh.
Với tổng diện tích 210 ha, được thực hiện bởi 800 hộ tại 3 xã Tân Ninh, Hàm Ninh, Xuân Ninh, sau hơn 4 tháng triển khai, mô hình cơ bản đã hoàn thành. Tại các điểm tham gia mô hình, hầu hết các hộ nông dân (trên 50% trưởng nhóm là nữ) đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật SRI, sử dụng giống xác nhận P6, VN 20 với lượng giống gieo 5kg/ sào. 
 
Qua việc đánh giá chỉ tiêu, năng suất ruộng tại HTX Quảng Xá, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khẳng định ruộng canh tác theo mô hình SRI có tỷ lệ hạt chắc cao hơn ruộng ngoài mô hình do đó mặc dù lượng giống gieo thấp hơn so với lúa truyền thống nhưng năng suất lúa canh tác theo mô hình SRI vẫn bảo đảm thậm chí cao hơn.  
 Bà con Quảng Xá, Tân Ninh đang thu hoạch lúa tại ruộng canh tác theo mô hình cải tiến SRI.
Bà con Quảng Xá, Tân Ninh đang thu hoạch lúa tại ruộng canh tác theo mô hình cải tiến SRI.
Năng suất và chất lượng lúa tăng lên trong khi giảm được sức lao động từ 6-7 công trong khâu dặm tỉa, 3-4 công trong công tác bảo vệ thực vật. Hiệu quả kinh tế của mô hình cũng thấy rõ với lượng giống giảm từ 35-45%, lượng phân đạm giảm 30-40%, chi phí BVTV giảm 27-36%, năng suất tăng 210-218kg/ ha, hiệu quả kinh tế tăng 4.076.000/4.158.000 đồng/ha.
 
Sản xuất theo SRI tạo được sản phẩm lúa gạo sạch, chất lượng cao, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an ninh lương thực. Đồng thời, hiệu quả kinh tế cao hơn giúp người phụ nữ có thêm thu nhập và có tiếng nói trong gia đình hơn, góp phần tạo niềm tin cho chị em phụ nữ, giảm áp lực công việc đồng áng, giúp chị em có thời gian hơn cho công tác xã hội, thực hiện bình đẳng giới như tiêu chí của dự án FLOW/EOWE đưa ra. 
 
Với những ưu điểm nổi trội của mô hình canh tác lúa cải tiến SRI, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho Quảng Bình để nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.
 
                                                                                                                                                                            Đ.V