.

Sản phẩm lưu niệm và quà tặng cho khách du lịch - Kỳ 2: Bao giờ có hàng lưu niệm theo đúng nghĩa?

Thứ Hai, 15/05/2017, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Chưa có quy hoạch cụ thể các điểm bán hàng; chưa quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển các sản phẩm là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến một thị trường hàng lưu niệm, quà tặng du lịch của tỉnh ta còn nghèo nàn, không có gì đặc trưng, nổi trội. Câu hỏi đặt ra đối với những người làm du lịch và quản lý là bao giờ du lịch tỉnh ta có được những sản phẩm lưu niệm đúng nghĩa?

>> Kỳ 1: Để không bỏ lỡ tiềm năng

Thiếu sự kết nối

Cả người làm du lịch và quản lý du lịch đều biết các mặt hàng lưu niệm, quà tặng của Quảng Bình còn thiếu, yếu và đơn điệu, nhưng làm như thế nào để phát triển nó, thì gần như ai cũng lúng túng. Trong khi du lịch được tỉnh ta xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, thế nhưng, các sản phẩm phục vụ cho du khách lại chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Những chiếc áo có in dòng chữ “Phong Nha” vẫn không đủ hấp dẫn 2 vị khách nước ngoài.
Những chiếc áo có in dòng chữ “Phong Nha” vẫn không đủ hấp dẫn 2 vị khách nước ngoài.

Xuất hiện từ năm 2008 tại các quầy hàng lưu niệm của Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, sản phẩm nón lá của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất-Dịch vụ nón lá Mỹ Trạch (xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch) đã trở thành món quà không thể thiếu của nhiều du khách khi đến với Quảng Bình. Hàng năm, HTX này cho ra đời 25.000 sản phẩm/năm, trong đó chỉ có khoảng 1/4 là sản phẩm nón lưu niệm tiêu thụ tại các điểm du lịch, với giá cả gấp 1,5 lần nón bình thường, mang lại nguồn thu đáng kể cho HTX.

Với một thị trường rộng lớn nhiều tỉnh thành, như: Huế, Quảng Trị, Nghệ An, Lào..., HTX này không lo lắng về đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX vẫn còn nhiều trăn trở đối với mặt hàng nón lưu niệm phục vụ khách du lịch. Bởi, ngay tại thị trường du lịch trong tỉnh, nón của HTX khó có thể cạnh tranh với nón Huế, vì mẫu mã, hoa văn trang trí, thêu thùa của nón Huế đẹp hơn. Giá cả lại rẻ và cạnh tranh hơn nhiều.

Mặc dù, HTX đã có nhiều cải tiến về mặt hình thức, song để nâng cấp dòng sản phẩm này, bà Vân cho rằng, một mình HTX không thể làm được. Hiện nay, HTX đang rất cần sự hỗ trợ đào tạo nghề, ví như nghề thêu ren, hoa văn, trang trí, tạo mẫu mã mới; hỗ trợ vốn và vay vốn ưu đãi để đầu tư máy móc làm vành, vì hiện nay HTX phải nhập vành từ Huế, Đà Nẵng.

Không riêng gì HTX Sản xuất-Dịch vụ nón lá Mỹ Trạch, để đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch, các cơ sở, làng nghề truyền thống trong tỉnh đang phải chật vật để làm mới, cải tiến mẫu mã sản phẩm, thế nhưng trước mắt họ đang gặp phải không ít khó khăn.

Thêm vào đó, trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm ngoại tỉnh, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì sản phẩm của họ cũng khó mà đứng chân được trong các quầy hàng lưu niệm trên địa bàn tỉnh ta.

Theo bà Bùi Thị Thanh Thúy, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (Sở Du lịch), lý do là bởi quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, nên các sản phẩm làm ra chưa có chất lượng cao. Hình thức, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch.

Vì vậy, các sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng cho khách du lịch chưa phong phú và đa dạng, chưa mang đặc trưng riêng của vùng đất con người Quảng Bình. Đó chính là một trong những yếu tố quan trọng, khiến cho các sản phẩm phục vụ khách du lịch không đủ sức hấp dẫn. Còn du khách đến tỉnh thì không có nơi để tiêu tiền.

Anh Trần Xuân Cương, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh gợi ý: “Tỉnh ta có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển sản xuất các sản phẩm phục vụ khách du lịch, trong đó có các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân. Đó là chưa nói đến, các tiềm năng và thế mạnh về các sản vật từ nông-lâm-hải sản đặc thù, với chất lượng cao.

Tại sao chúng ta không liên kết các làng nghề truyền thống gắn với du lịch và biến nó thành một sản phẩm du lịch, thành các điểm tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Thực tế, cách làm này đã được nhiều địa phương lựa chọn thực hiện và phát huy rất tốt”. Phải chăng, chính sự rời rạc, đơn lẻ của các yếu tố này đã khiến cho du lịch tỉnh ta thừa tiềm năng nhưng lại thiếu sản phẩm cần thiết phục vụ cho du khách?

Cần một chiến lược phát triển

Hiện nay, ngoài các điểm đến du lịch tại Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng là có khu vực trưng bày, bán hàng lưu niệm và quà tặng khách du lịch được tổ chức quy mô và chặt chẽ, còn lại trên địa bàn tỉnh ta chưa có một điểm bán hàng lưu niệm theo đúng nghĩa. Rõ ràng, chúng ta đang thiếu những sản phẩm lưu niệm dành cho khách du lịch và trên hết chúng ta đang thiếu kế hoạch, chiến lược cụ thể để phát triển, sản xuất, trưng bày, giới thiệu các mặt hàng này.

Việc chậm trễ xác định và xây dựng các sản phẩm lưu niệm đặc trưng, các địa điểm trưng bày, giới thiệu không chỉ làm cho chúng ta mất đi một nguồn thu đáng kể, mà còn bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh. Trong thực tế, chính sự phong phú hấp dẫn của các mặt hàng lưu niệm và quà tặng du lịch sẽ kích thích du khách chịu “móc hầu bao” chi tiêu, mua sắm.

Các làng nghề truyền thống gắn với các hoạt động tham quan, trải nghiệm du lịch là một hướng đi mới cần được phát huy.
Các làng nghề truyền thống gắn với các hoạt động tham quan, trải nghiệm du lịch là một hướng đi mới cần được phát huy.

Để giải quyết được vấn đề trên, theo ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch: “Trước hết chúng ta phải trả lời được 3 câu hỏi. Một là, phải xác định được hàng lưu niệm là gì? Hai là, ai sẽ thực hiện nhiệm vụ này? Và ba là, cách thức quảng bá hình ảnh và tiêu thụ sản phẩm như thế nào?” Theo ông, hàng lưu niệm là sản phẩm phải đặc thù, là sự kết tinh của văn hóa, vùng đất, con người Quảng Bình.

Nó không chỉ có giá trị sử dụng về mặt vật chất, mà còn có ý nghĩa về mặt tinh thần, văn hóa. Qua đó, còn góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của quê hương. Nhận thức được điều đó, chúng ta mới có thể nhận diện đúng được vai trò của sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng du lịch.

Để thực hiện được điều này, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp có vai trò định hướng, tổ chức, khuyến khích; còn chính những người trực tiếp làm du lịch là các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định. Bởi, hơn ai hết, thông qua các hoạt động của mình, họ biết được du khách cần và mong muốn gì, sản phẩm phải thay đổi như thế nào để phù hợp với thị hiếu của khách du lịch?

Vừa qua, Sở Du lịch đã tổ chức cuộc gặp gỡ và bàn bạc vấn đề nêu trên với một số công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh, đồng thời khuyến khích, kêu gọi các công ty này đầu tư, đưa ra những ý tưởng mới để sản xuất và phát triển các mặt hàng hàng lưu niệm, quà tặng du lịch.

Hiện, Sở cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch các điểm bán hàng, các điểm dừng nghỉ, hình thành một số Trung tâm thương mại nhằm trưng bày, giới thiệu và kinh doanh các sản lưu niệm, quà tặng cho khách du lịch, ông Hà cho biết.

Dương Công Hợp