.

Nông dân sáng tạo

Thứ Ba, 30/05/2017, 10:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiếp nối truyền thống của vùng đất được mệnh danh là “vựa lúa” của tỉnh, vụ đông - xuân năm nay, Lệ Thủy lại được mùa. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi về đất đai, khí hậu, giống…, trong quá trình sản xuất, nông dân Lệ Thủy đã không ngừng sáng tạo, góp phần vào thắng lợi  chung của những vụ mùa. Anh nông dân Trần Văn Chức (thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy) là một ví dụ.

Những ngày này, để gặp anh Chức là rất khó, bởi anh hầu như có mặt ở ngoài ruộng từ sáng sớm đến tối muộn. Là chủ nhân của chiếc máy tời với mục đích vận chuyển lúa từ ruộng lên xe, trong hai năm 2016 và 2017, anh đã sản xuất và tiêu thụ được gần 50 máy. Hiện tại, anh vẫn đang tiếp tục sản xuất theo đơn đặt hàng của các hộ dân trên địa bàn.

Với đặc trưng của huyện Lệ Thủy, hàng năm có khoảng gần 8.000 ha diện tích lúa sau khi thu hoạch vụ đông - xuân tiếp tục được sản xuất vụ lúa tái sinh, chỉ khoảng 3.000 còn lại là diện tích sản xuất hai vụ. Đối với những diện tích đất sản xuất hai vụ, việc thu hoạch được diễn ra nhanh chóng khi người nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp. Tuy nhiên, với những diện tích tiếp tục sản xuất lúa tái sinh, nông dân Lệ Thủy phải thu hoạch theo phương pháp thủ công để bảo đảm cho cây lúa tiếp tục sinh trưởng.

Để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, anh Chức đã sáng tạo ra máy tời được cải tiến từ máy xe mô tô. Tìm những chiếc xe mô tô cũ, anh mua lại động cơ xe, nối dây cáp vào máy, làm chân đế và các bộ phận liên quan, như: bình đựng nhiên liệu, cần khởi động, tay ga... Máy nhỏ gọn, có thể được đặt ở bất cứ bờ ruộng nào. Máy hoạt động tương tự xe mô tô với hệ thống tay ga điều chỉnh tốc độ.

Anh Trần Văn Chức đang vận hàng máy tời vận chuyển lúa.
Anh Trần Văn Chức đang vận hàng máy tời vận chuyển lúa.

Cuộn dây cáp được nối với một tấm bạt lớn trải dọc theo bờ ruộng. Người gặt đến đâu, máy tời sẽ di chuyển tấm bạt đến đó để lúa được chất lên. Khi lượng lúa đã được chất đầy, tấm bạt sẽ được kéo về điểm tập kết và bốc lên xe. Ở những diện tích ruộng có nước, chiếc máy có thể kéo được lượng lúa của 1 sào.

Với nguyên lý hoạt động đơn giản, nhưng chiếc máy này đã góp phần tiết kiệm chi phí và thời gian cho người nông dân. Anh Chức cho biết, nếu gặt thủ công, chi phí cho việc thuê hai nhân công để thu hoạch 1 sào sẽ mất khoảng 500 đến 600 nghìn đồng, còn dùng máy tời hỗ trợ, chi phí chỉ khoảng 30 đến 40 nghìn tiền thuê máy, chưa kể việc thu hoạch nhanh hơn gấp nhiều lần.

Những ngày cao điểm, anh Chức sử dụng chiếc máy của mình để tham gia thu hoạch từ 15 đến 20 sào, mỗi sào chi phí khoảng 5 nghìn tiền xăng, anh thu về tiền công từ 20 đến 25 nghìn đồng/sào. Đặc biệt, những thời điểm gặt rộ hoặc gặt chạy lũ, chiếc máy này phát huy tối đa công suất và hiệu quả, giúp người nông dân thu hoạch kịp thời, hạn chế được thiệt hại.

Chính vì những lợi ích mà chiếc máy mang lại, vụ mùa năm 2016, anh Chức đã sản xuất và bán 20 chiếc, năm 2017 là 30 chiếc. “Nhu cầu của người dân vẫn còn nhiều. Với giá bán 4 triệu đồng/chiếc, sau khi trừ chi phí, tôi thu tiền lãi khoảng 500 nghìn đồng/chiếc!”, anh Chức cho biết thêm.

Từ những hiệu quả của chiếc máy do anh Chức chế tạo, bên cạnh một số hộ đầu tư 4 triệu đồng để mua máy của anh, một số người cũng đã học hỏi và chế tạo máy này. Anh Nguyễn Văn Ánh (đội 1, thôn Lộc Thượng, xã An Thủy) cho biết: “Sau khi thấy được hiệu quả hoạt động của máy ở các địa phương lân cận, đã học hỏi và chế tạo chiếc máy như thế cho gia đình mình với giá thành khoảng trên 3 triệu đồng.

Chiếc máy này không những đã giúp gia đình thu hoạch nhanh diện tích lúa của mình mà còn tham gia hỗ trợ anh em, hàng xóm khi có nhu cầu”. Còn chị Võ Thị Phương Loan (xã An Thủy) chia sẻ: “Từ khi có máy này, vào mùa gặt, gia đình tôi đỡ vất vả hơn nhiều, chi phí cũng rẻ và quan trọng nhất là lúa được thu hoạch kịp thời, tránh được những ảnh hưởng thất thường của thời tiết”.

Gắn bó với ruộng đồng, những người nông dân trên vựa lúa Lệ Thủy không ngừng sáng tạo. Và những sáng tạo của họ đã góp phần không nhỏ mang lại những mùa vàng bội thu.

Ngọc Mai