.

Minh Hóa: Người chăn nuôi lao đao vì giá lợn hơi giảm

Thứ Ba, 09/05/2017, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Chung cảnh ngộ với người chăn nuôi cả nước, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Minh Hóa đang khốn đốn trước thực trạng giá lợn hơi ngày càng lao dốc. Nhiều chủ gia trại chăn nuôi trên địa bàn huyện có nguy cơ vỡ nợ.

Năm 2017, huyện Minh Hóa tiếp tục xác định lấy chăn nuôi làm ngành kinh tế mũi nhọn giúp người dân giảm nghèo bền vững. Huyện đã có nhiều chính sách về hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư chuồng trại và mua con giống, giúp người dân tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống..., trong đó chăn nuôi lợn đã mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho bà con. Tuy nhiên, hiện nay, giá lợn hơi giảm mạnh đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cũng như thu nhập của các hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Gia đình chị Đinh Thị Quế ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa đã duy trì mô hình nuôi lợn hơn 15 năm nay, có thời điểm nguồn thu từ nuôi lợn đạt trên 200 triệu đồng. Cuối năm 2016, gia đình chị Quế tiếp tục nhân lên 22 lợn nái, và hiện nay, tổng lợn nái và lợn thịt trong chuồng trên 120 con. Chi phí thức ăn mỗi ngày chị Quế phải bỏ ra để duy trì đàn lợn là trên 3 triệu đồng.

Đàn lợn của ông Đinh Thanh Minh (Xuân Hóa, Minh Hóa) dù đủ điều kiện xuất chuồng vẫn không ai hỏi mua.
Đàn lợn của ông Đinh Thanh Minh (Xuân Hóa, Minh Hóa) dù đủ điều kiện xuất chuồng vẫn không ai hỏi mua.

Trước đây, khi giá lợn hơi vẫn ổn định ở mức 4 triệu đồng một tạ, gia đình chị Quế còn có được đồng lãi, bây giờ giá lợn hơi giảm ở mức 2,8 đến 3 triệu đồng một tạ, gia đình chị lỗ nặng. Hiện, chị Quế vẫn đang nợ ngân hàng và tiền thức ăn cho lợn trên 300 triệu đồng. Chị Quế cho biết, gia đình có trên 50 con lợn đã quá thời kỳ xuất chuồng, nhưng vẫn không có thương lái đến mua, trong khi đó vẫn phải cho ăn hàng ngày, Năm nay, chị coi như không có nguồn thu từ trang trại lợn.

Chung cảnh với gia đình chị Quế, trang trại nuôi lợn của gia đình ông Đinh Thanh Minh ở xã Xuân Hóa đang có trên 150 con lợn, trong đó có 20 nái đẻ và trên 130 con lợn thịt, hơn 2 lứa lợn với trên 45 con đã đến thời điểm xuất chuồng.

Để phát triển trang trại, ông đã đầu tư trên 120 triệu đồng làm chuồng trại, trên 50 triệu đồng mua con giống để nhân đàn. Chi phí thức ăn mỗi ngày trên 4 triệu đồng. Mặc dù giá lợn giảm, nhưng vẫn không có thương lái nào đến hỏi mua. Có ngày, gia đình ông tự mổ bán, vậy mà cũng không có đồng lời và với phương án này thì không thể giải quyết hết số lợn trong chuồng. Trong khi đó, lợn mỗi ngày một lớn, một tháng chi phí thức ăn lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ông Minh tâm sự, kinh tế của gia đình chỉ trông chờ vào trang trại lợn, giờ chấp nhận bán lỗ mà cũng chẳng ai mua, nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn gia đình sẽ phá sản, cơ ngơi xây dựng hơn 10 năm nay đang tuột dần khỏi tay. Gia đình cũng đang theo giỏi thông tin trên báo đài để nắm tình hình thông tin giá lợn tăng, giảm và rất mong các ngành quan tâm để giúp người chăn nuôi mua được thức ăn hợp lý, tìm thương lái để tiêu thụ sản phẩm, có như vậy, bà con mới có hy vọng và yên tâm đầu tư vào nghề chăn nuôi.

Hiện, xã Xuân Hóa có trên 50 hộ dân đầu tư vào nuôi lợn, toàn xã có trên 1.600 con lợn, trong đó có gần 300 con lợn nái. Do giá lợn giảm, nhiều hộ chăn nuôi chấp nhận bán lỗ để lấy tiền chi trả nguồn thức ăn cho thương lái, nhiều hộ lại giảm số lượng thức ăn hàng ngày để cầm cự chờ giá lợn tăng.

Theo người chăn nuôi, đầu tư 1 tạ lợn hơi bình quân hết 2 - 2,2 triệu đồng tiền thức ăn, cộng thêm chi phí giống, khấu hao chuồng trại, thuốc thú y, nhân công..., tổng giá thành hết 3,6 - 3,7 triệu đồng/tạ. Tuy nhiên, giá lợn hơi thương lái thu mua giảm xuống còn 2,8 - 3 triệu đồng/tạ. Như vậy, với một tạ lợn, người nuôi lỗ từ 8 trăm nghìn – 1 triệu đồng, đó là chưa tính khấu hao lợn chết hoặc kéo dài thời gian xuất chuồng.

Khó khăn của xã Xuân Hóa cũng là thực trạng chung của huyện Minh Hóa thời điểm này. Trước tình cảnh điêu đứng của người chăn nuôi, rất mong các cấp, ngành chức năng sớm có giải pháp kịp thời hỗ trợ bà con trong tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, giảm lãi suất vay ngân hàng, giãn nợ và quy hoạch tổng đàn cân đối, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, tránh để người chăn nuôi rơi vào thế khó như hiện nay.

Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)