.

Khoai deo Hải Ninh: Sinh kế sau sự cố môi trường biển

Thứ Ba, 30/05/2017, 14:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng năm, nắng rát vàng đường về vùng cát Hải Ninh (Quảng Ninh). Hải Ninh đang vào vụ thu hoạch khoai lang trồng trên cát trắng. Từ bao đời nay, đặc sản khoai deo Hải Ninh đã nổi tiếng khắp cả nước. Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, đời sống người dân Hải Ninh bộn bề khó khăn, từ trong cái khó, bà con động viên nhau giữ lấy thương hiệu làng nghề, để cùng vượt khó, thắng khổ.

Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh Lê Văn Khởi khoe với chúng tôi: "Trong khó khăn sau sự cố môi trường biển, cơ bản Hải Ninh có hai điểm nhấn mang tính đột phá. Lần đầu tiên, ngư dân trong xã hạ thủy thành công chiếc tàu vỏ sắt trị giá 22 tỷ đồng đóng mới theo Nghị định 67/CP và đây cũng là chiếc tàu vỏ sắt có tải trọng lớn đầu tiên của huyện Quảng Ninh. Người dân Hải Ninh đang bước vào vụ thu hoạch khoai lang trên cát, năng suất, sản lượng đạt cao, chất lượng bảo đảm. Đặc sản khoai deo Hải Ninh cho thu nhập ổn định".

Vụ khoai lang năm nay, toàn xã Hải Ninh có 400 hộ dân trồng trên diện tích 10,5 ha đất cát. Diện tích khoai lang được sự hỗ trợ sản xuất từ UBND huyện Quảng Ninh với 15 triệu đồng mỗi ha. Sau khoảng 4 tháng trồng, khoai lang đã cho thu hoạch, năng suất 290 tạ/ha; sản lượng xấp xỉ 300 tấn. Trung bình mỗi hộ trồng thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng.

Nói về nghề truyền thống sản xuất khoai deo của làng Tân Định, ông Nguyễn Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết: "Khi môi trường biển bị ô nhiễm, nghề cá và dịch vụ chế biến nghề cá bị ảnh hưởng, trồng khoai và chế biến khoai deo trở thành cứu cánh, trước mắt giúp người dân ổn định dần cuộc sống và tìm hướng phát triển sinh kế lâu dài. Cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực động viên, sát cánh tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích, làng nghề, tạo nguồn thu nhập ổn định".

Khoai deo Hải Ninh là “quà tặng” của miền cát.
Khoai deo Hải Ninh là “quà tặng” của miền cát.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ngày theo "việc nước", đêm về và thời gian rảnh rỗi ông cùng vợ tranh thủ chế biến khoai deo: "Để có những lát khoai mềm dẻo, ngọt bùi, sau khi thu mua khoai củ tươi, qua công đoạn nấu, ủ, phơi..., người dân Hải Ninh "bắt" củ khoai ban đầu chứa nhiều tinh bột thành sản phẩm khoai dẻo, ngọt, ngon.

Người làm khoai deo thức dậy từ nửa đêm, đỏ lửa, bắc bếp nấu khoai, kịp để nguội, đến sáng sớm thì bóc vỏ, cắt lát đem phơi, đón cho kịp nắng... Gia đình tôi mùa này chế biến khoảng 3,5 tấn khoai, tương đương 1 tấn khoai deo thành phẩm"- ông Hải cho biết.

Trung bình mỗi vụ, xã Hải Ninh chế biến khoảng 700 tấn khoai tươi. Nguồn nguyên liệu ngoài diện tích bà con trong xã trồng được còn thu mua thêm ở các vùng lân cận, như: Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy... (huyện Lệ Thủy). Tân Định có 330 hộ dân, trong đó, 250 hộ chuyên chế biến khoai deo. Mỗi vụ, làng nghề Tân Định cần trên 500 tấn củ khoai tươi. Trung bình gần 4 tấn khoai tươi sẽ cho 1 tấn khoai deo thành phẩm. Sau khi trừ chi phí, mỗi tấn khoai deo cho lãi từ 15 đến 20 triệu đồng/tấn tùy theo chất lượng sản phẩm ban đầu.

Nắng tháng năm đổ vàng trên cát, thời gian này, người dân làng nghề Tân Định hối hả, tất bật chạy đua cùng thời gian để sản xuất khoai deo. Họ khéo léo nâng niu, tỉa gọt từng củ khoai cho ra từng lát khoai deo mềm óng mượt, đậm đà vị ngọt nơi miền cát trắng Hải Ninh. Các công đoạn chế biến khoai deo hoàn toàn bằng thủ công thô sơ cộng với cái nắng gắt cùng gió biển miền Trung mặn mòi, tạo nên hương vị riêng có của khoai deo nơi đây.

Chúng tôi ghé thăm một nhà dân ven đường. Chủ nhà là anh Hoàng Công Nhật đang cùng vợ khéo léo bóc vỏ khoai, nhẹ nhàng tách khoai thành từng lát đặt lên khung phơi bằng cây rười mọc dọc biển để hong cho kịp ngày nắng. Anh Nhật trao đổi: "Vợ chồng học nghề làm khoai deo từ mạ tôi. Nay, con cháu gắn bó và ngày càng cảm thấy trân quý, ai từng yêu nghề mới biết, nên nhà tôi quyết giữ và sẽ tiếp nối nghề".

Hơn lúc nào hết, chúng tôi hiểu, nghề chế biến khoai deo đã giải quyết việc làm lúc biển  rã khó khăn, cho thu nhập khá ổn định. "Năm nay, chưa tính toán, nhưng gia đình ước tính chế biến khoảng 4 tấn khoai củ tươi, tương đương 1 tấn khoai deo; lãi chắc 20 triệu đồng; đủ để trang trải cho cuộc sống đỡ chật vật hơn"- anh Nhật cho biết thêm.

Hoàng Công Nhật "bật mí" các công đoạn làm khoai deo: "Để có những lát khoai deo đạt chất lượng, khoai tươi phải phơi ba nắng, đem cất khoảng mười ngày. Khi nấu khoai đổ nước đầy nồi, đun kỹ bằng lửa củi sao cho chín nhừ thì vớt ra, để nguội, bóc vỏ, sát lát; tiếp tục phơi thêm độ dăm mười nắng (tùy theo độ nắng) là thành phẩm. Sát khoai hoàn toàn bằng tay, nhờ đó, loại bỏ củ khoai nào bị hà, sâu, sùng; đồng thời, phải khéo léo vì khoai đã nấu chín rất mềm và dễ rời".

“Quảng Bình có biết bao nhiêu xã bám theo dọc biển, biết trồng khoai chia bữa no bữa đói lúc biển rã mất mùa, nhưng chỉ riêng ở vùng Hải Ninh, người dân nơi đây mới làm nên sản phẩm khoai deo đặc sản "riêng có". Tuy bà con Hải Ninh không hề giấu quy trình, bí quyết làm khoai deo nhưng người dân các xã lân cận học nghề mà sản phẩm làm ra cũng chẳng thể như ý muốn"- ông Nguyễn Văn Liệu cho biết thêm.

Nhâm nhi lát khoai deo dẻo ngọt đậm đà, cảm nhận bao công khó của những người yêu nghề nơi xã biển Hải Ninh. Có lẽ, từ trong cát trắng, từ trong khó khăn, dưới bàn tay cần cù, nhẫn nại của người dân làng biển, vị ngọt bùi khoai deo chắt chiu quyện hòa cùng vị nồng đượm của nắng gió miền biển, khoai deo Hải Ninh sẽ không kén thực khách từ bắc chí nam, thậm chí ra cả nước ngoài.

Hương Trà