.

Khi liên kết nông nghiệp là "chìa khóa vàng"

Chủ Nhật, 07/05/2017, 14:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Với sự phát triển và cạnh tranh hiện nay trong ngành sản xuất nông nghiệp, nhu cầu liên kết ngày càng trở nên đa dạng hơn. Không chỉ người nông dân cần liên kết, mà ngay cả các doanh nghiệp, tác nhân trong chuỗi sản xuất hàng hóa nông nghiệp cũng có nhu cầu này. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp tỉnh vẫn đang phát triển với quy mô nhỏ, manh mún, đa phần sản xuất theo kiểu truyền thống, sự liên kết lại càng cần thiết, góp phần mang lại hướng mở cho tổng thể nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Hướng mở trong trồng trọt

Ông Võ Văn Khinh, Giám đốc HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong, Phong Thủy, Lệ Thủy cho biết, từ năm 2013 đến nay, vụ đông-xuân nào HTX cũng liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình (Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình). Nhờ hướng đi này, việc sản xuất lúa của HTX được đi vào ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể, HTX tham gia trồng 50 ha lúa Xi23 để lấy lúa giống, cung cấp cho Công ty. Trong quá trình sản xuất, Công ty có trách nhiệm cung cấp giống, vật tư cho HTX, bên cạnh đó sẽ hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc lúa giúp bà con nông dân. Sau khi thu hoạch, HTX cam kết cung ứng đủ 250 tấn lúa giống/vụ cho Công ty, Công ty sẽ thu mua hết số lúa đó theo hợp đồng đã ký.

Ông Khinh phấn khởi chia sẻ: “Nhờ việc liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình, HTX đã bán được lúa có giá trị kinh tế cao hơn mức giá lúa bình thường 25%. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương và doanh nghiệp tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất lúa thương phẩm, cung cấp cho thị trường”.

Bên cạnh cây lúa, hiện nay, cây sắn đang nhanh chóng chuyển sang là cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học và là nguồn xuất khẩu với khối lượng lớn. Tuy nhiên, việc phát triển sắn ồ ạt, không theo quy hoạch, chưa đa dạng sản phẩm, thị trường tiêu thụ chưa ổn định... gây nhiều khó khăn cho người dân.

Trước thực tế đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN và PTNT) đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan-SNV, tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả Dự án “Công ty kinh doanh cùng nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn” nhằm mục đích đưa ra những định hướng cho việc phát triển sản xuất sắn bền vững theo hướng hàng hóa.

Cũng nhờ đó, đa phần sản lượng sắn sản xuất của bà con trong tỉnh được Công ty CP Pococev Quảng Bình, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh... ký kết hợp đồng thu mua từ đầu vụ. Với giá bán bình quân 1.800 đồng/kg, người dân đã thu về khoảng 40 triệu đồng/ha sắn.

Để kết nối, liên kết hợp tác giữa các tổ hợp tác (THT) sản xuất ngô với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, nhằm phát triển sản xuất, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ cho cây ngô. Năm 2016, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) đã phối hợp với Dự án SRDP tư vấn phát triển chuỗi giá trị ngô làm thức ăn cho bò ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, trên tổng diện tích ngô sinh khối được trồng 192,8 ha.

Trên cơ sở kế hoạch diện tích đất trồng ngô, trước vụ sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tư vấn cho các THT lựa chọn doanh nghiệp để ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm, gồm: Công ty TNHH TM Lê Dũng Linh, Công ty sinh thái Cát Ngọc, Công ty TNHH Đầu tư thương mại thực phẩm Nam Việt, Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình. Đây là những công ty có khả năng hỗ trợ về kỹ thuật, cho nông dân ứng vật tư, thu mua ngô giá cao, do đó, đã được kết nối, ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho các THT.

Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chia sẻ: “Bà con nông dân các THT rất phấn khởi, bởi nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật, vật tư của các doanh nghiệp, nên các khâu kỹ thuật canh tác thực hiện tốt, cây ngô sinh trưởng phát triển khá, đạt năng suất 38 tấn/ha, có nơi đạt 40-45 tấn/ha. Bà con thu về lợi nhuận từ trồng ngô sinh khối 11,07 triệu đồng/ha, cao hơn ngô lấy hạt 7,8 triệu đồng/ha (ngô lấy hạt chỉ 3,27 triệu đồng/ha)”.

Ông Lê Hồng Viễn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (Sở NN và PTNT) cho biết, nhờ điều kiện thổ nhưỡng và hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ quá trình canh tác được đầu tư bài bản nên những năm qua, Quảng Bình đang trở thành điểm đến khá hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, cung ứng giống lúa nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp nói chung.

Bà con nông dân phấn khởi bởi sản lượng sắn được thu mua ổn định.
Bà con nông dân phấn khởi bởi sản lượng sắn được thu mua ổn định.

Với cầu nối là các THT, HTX nông nghiệp, hàng năm nông dân trên địa bàn tỉnh được liên kết cùng với hàng chục công ty trong việc sản xuất lúa, ngô, sắn..., theo phương thức doanh nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch hại tổng hợp, bao tiêu đầu ra của sản phẩm.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc nông dân bắt tay với các doanh nghiệp, đã giúp họ tăng thêm giá trị kinh tế cho các sản phẩm cây trồng. Là hướng mở cho bà con nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững. Đồng thời, bà con giảm dần việc sản xuất tự phát, thiếu quy hoạch.

Vượt qua khó khăn

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thực tế việc liên kết trong sản xuất thời gian qua vẫn còn bộc lộ những khó khăn, bất cập. Các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ, trong khi sự liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, HTX, thương lái còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau.

Các hợp đồng liên kết cơ bản là hợp đồng thời vụ, chưa hình thành hợp đồng dài hạn, tính pháp lý thấp. Nông dân lại chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, mà chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Do đó, nhiều trường hợp, người dân đã tự ý phá vỡ hợp đồng, gây tổn thất cho doanh nghiệp.

Ví dụ điển hình như liên kết giữa Công ty CP Lương thực Bình Trị Thiên trong thu mua lúa P6, liên kết giữa các doanh nghiệp với người trồng ớt, nhất là Công ty Long Nguyên Khang. Hoặc, cách thức thu mua của một số công ty còn qua khâu trung gian, thu mua muộn dẫn đến một số hộ dân cũng phá vỡ hợp đồng, như: Công ty Thảo Mai Lê, Công ty Long Nguyên Khang trong thu mua ớt.

Theo một số doanh nghiệp, khi tham gia vào chuỗi liên kết, doanh nghiệp muốn có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, thị trường nông sản của các doanh nghiệp không ổn định, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thấp. Do các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu thô; hệ thống, công nghệ chế biến, bảo quản còn yếu, nguồn tiêu thụ phụ thuộc thị trường Trung Quốc, dẫn đến những khó khăn, bất cập trong mức giá thu mua sản phẩm cho bà con nông dân.

Trước những khó khăn, bất cập trong việc liên kết sản xuất nông nghiệp giữa doanh nghiệp và bà con nông dân, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết, Sở đã chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững.

Mục tiêu chính là tạo mối liên kết bền vững thông qua các hợp đồng kinh tế để tiến hành sản xuất chuyên môn hóa, nhằm khai thác tốt tiềm năng của từng vùng liên kết, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế của các bên liên kết. Từ đó, tỉnh lựa chọn các sản phẩm chủ lực để khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ thông qua hợp đồng, như: lúa chất lượng cao, ngô, sắn, nấm, thanh long, rau các loại...

Không chỉ chú trọng đến chất lượng, năng suất sản phẩm, giải pháp về chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, được xem là đòn bẩy thu hút các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết. Thực tế, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã bám sát tình hình sản xuất của người dân và có nhiều mô hình hỗ trợ về giống, phân bón cho bà con trong sản xuất như: mô hình ngô, lúa, lạc, đậu xanh...

Nhiệm vụ quan trọng cần được tiến hành trong thời gian tới là cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý Nhà nước; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thị trường giá cả bất ổn định, người dân không còn “mặn mà” với trồng ớt.
Thị trường giá cả bất ổn định, người dân không còn “mặn mà” với trồng ớt.

Tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất của người dân theo hướng hàng hóa, liên kết theo chuỗi; thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, cần tổ chức liên kết các doanh nghiệp tham gia thu mua nông sản trên địa bàn với các địa phương đưa ra phương án hợp tác ngay từ đầu vụ sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở, nhà máy chế biến hiện có trên địa bàn đầu tư cải tạo nâng cấp công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị; tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư vào một số cơ sở, nhà máy chế biến nông sản như các sản phẩm từ ớt, ngô, thân cây ngô...

Trên thực tế, tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa người sản xuất và doanh nghiệp, ngoài nguyên nhân từ người sản xuất thì cũng có một phần từ doanh nghiệp, bởi họ chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của người sản xuất. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lỏng lẻo trong mối quan hệ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Do đó, để tạo được mối liên kết bền vững, các bên cần chủ động chia sẻ khó khăn, bảo đảm chữ tín trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược từ sản xuất đến kinh doanh, bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định...

Lê Mai