.

Hiệu quả từ mô hình ươm cây giống

Thứ Ba, 30/05/2017, 10:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ nhiều năm nay, nhờ mô hình ươm cây giống lâm nghiệp, đời sống của người dân ở xã Quảng Trường (Quảng Trạch) đã được cải thiện đáng kể. Hiện tại, với gần 40 hộ tham gia, chính quyền địa phương đang tích cực đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình ra toàn xã.

Quảng Trường là một trong những địa phương đa ngành nghề. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, thương mại, xã còn có hai ngành thế mạnh nữa là nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và ươm cây giống.

Được hình thành từ những năm 1955, đến nay, nghề ươm cây giống lâm nghiệp ở Quảng Trường đã có 62 năm “tuổi đời”, trở thành nghề chính của gần 40 hộ dân địa phương. Trước khi triển khai mô hình này, người dân Quảng Trường chủ yếu canh tác lúa nước và một số loại rau màu khác, tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao.

Với lợi thế đất đai sẵn có, nguồn nước tưới dồi dào, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang nghề ươm cây giống lâm nghiệp. “Và không nằm ngoài dự kiến, với hiệu quả kinh tế cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa nước, ươm cây giống đã giúp gia đình tôi và nhiều gia đình khác ở đây có được nguồn thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện đáng kể”, vừa thoăn thoắt đóng bầu chị Hân (thôn Hạ Trường) vừa phấn khởi chia sẻ.

Nghề ươm cây giống vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giải quyết việc làm cho nhiều người dân xã Quảng Trường.
Nghề ươm cây giống vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giải quyết việc làm cho nhiều người dân xã Quảng Trường.

Gia đình chị hiện có 7 sào diện tích ươm cây giống với các loại keo, huê, lim, xà cừ, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhờ nghề ươm cây giống mà từ chỗ là hộ khó khăn của xã, gia đình chị Hân nhanh chóng vươn lên, vượt qua khó khăn, xây dựng nhà cửa khang trang, chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Gia đình chị Hân chỉ là một trong số nhiều hộ dân ở Quảng Trường “phất lên” nhờ nghề ươm cây giống lâm nghiệp trong những năm qua.

Việc chăm sóc cây giống không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù với nhiều công đoạn. Đầu tiên là khâu làm đất đóng bầu. Sau khi cho vào máy xay, đất được bỏ vào bầu, ghép thành từng luống. Chọn cành mập, khỏe, đều rồi cấy vào bầu, dùng máy phun sương tự động tưới nước.

Sau một tháng cây sẽ ra rễ đầy đủ, sau hai tháng cây cao khoảng 5cm là xuất bán. Ươm cây giống tưởng dễ mà lại không hề dễ. Điều quan trọng trong làm vườn ươm cây giống là phải chọn đất phù hợp, thường là đất đỏ bazan, chưa trồng loại cây gì, tiếp đến là đặt ống dẫn nước, lắp hệ thống bơm, tỷ lệ đất trồng tại các bầu om, pha chế thuốc. Việc phun thuốc phải theo liều lượng, nếu quá liều sẽ dẫn đến tình trạng vàng lá, dễ chết.

Đối với cây mới cấy, phải thường xuyên túc trực. Nếu như mất điện, thiếu nước từ 10-15 phút, cây sẽ chết hàng hoạt. Lượng đất trong bầu cũng phải thích hợp, không nhiều, không ít để bảo đảm sinh trưởng tốt cho cây con.

Trước đây, những hộ làm vườn ươm ở Quảng Trường thường áp dụng kỹ thuật ươm gieo hạt, nhưng gần đây, bà con dần chuyển sang hình thức giâm cành với đặc tính phát triển nhanh, lợi gỗ, ít bị đổ gãy khi mưa bão. Bên cạnh đó, bà con còn áp dụng kỹ thuật mới, đặt ống để tưới nước tự động.

Khi tưới cây, phải tuân thủ theo quy luật sinh trưởng. Đối với cây mới đưa vào bầu om thì 2-3 phút phải tưới một lần; cây 5-7 ngày thì phải tưới sau 5 phút; 10 ngày thì khoảng 10 phút tưới một lần. Nhờ tuân thủ đúng các quy trình chăm sóc, nên vườn ươm của các hộ dân Quảng Trường luôn phát triển tốt, ít bị sâu bệnh phá hoại, năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Có thể thấy, nghề ươm cây giống lâm nghiệp đã và đang là thế mạnh của xã Quảng Trường. Theo thống kê của xã, hiện tại địa phương gần 40 hộ ươm cây với tổng diện tích 3ha. Riêng năm 2016, doanh thu đạt 1,8 tỷ đồng. Nghề này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần giải quyết hiệu quả bài toán lao động, việc làm cho người dân địa phương. Hiện tại, toàn xã có khoảng gần 200 lao động làm nghề ươm cây giống. Để thuận lợi phát triển nghề, bảo đảm ổn định trong việc cung cấp giống cũng như tìm đầu ra, từ tháng 4-2016, chính quyền địa phương đã cho thành lập tổ hợp tác ươm cây giống lâm nghiệp.

“Mục tiêu chúng tôi đặt ra là sẽ nhân rộng mô hình hiệu quả này ra toàn xã để vừa giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vừa góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương”, ông Phạm Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.

Đ.V