.

Hiệu quả từ các dự án ODA

Thứ Tư, 17/05/2017, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Đinh Hữu Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giai đoạn từ năm 2011-2016, toàn tỉnh triển khai thực hiện 28 dự án ODA với tổng nguồn vốn gần 300 triệu USD. Hầu hết các dự án thu hút đầu tư ODA thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Một số dự án có quy mô lớn, phát huy tốt hiệu quả, như: dự án Thủy lợi Thượng Mỹ Trung (ADB), dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (IFAD), dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình cho các bản của 10 xã điện lưới quốc gia không đến được (nguồn vốn Hàn Quốc), dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới, dự án phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung tỉnh Quảng Bình (ADB+ AFD), dự án bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng (KFW- Đức), dự án đầu tư xây dựng công trìnhkhu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ (WB5)...

Dự án vệ sinh môi trường T.P Đồng Hới được Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn đang phát huy hiệu quả.
Dự án vệ sinh môi trường T.P Đồng Hới được Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn đang phát huy hiệu quả.

Kết quả thu hút các dự án đầu tư vốn ODA có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh nghèo như tỉnh ta, góp phần tạo thêm cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện đời sống người dân.

Hiệu quả rõ nét nhất là dự án thủy lợi Thượng Mỹ Trung. Dự án này được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)  tài trợ với vốn vay trị giá trên 380 tỷ đồng, triển khai trên địa bàn hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Dự án nhằm nâng cấp 82km đê bao và hàng trăm công trình trên đê. Đây là lá chắn vững chắc cho 4.200 ha lúa hai vụ, dự án phát huy tốt hiệu quả, bảo đảm mục tiêu đề ra.

Nếu như trước đây, khi chưa có dự án, hàng ngàn ha lúa 2 vụ của vùng trọng điểm lúa Lệ Thủy, Quảng Ninh luôn bị đe dọa bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Từ khi có dự án, tình trạng này đã chấm dứt và theo đó mỗi năm bà con nông dân trong vùng có thêm vài nghìn tấn lúa.

Dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới, được Ngân hàng Thế giới (WB), cho vay vốn ODA gồm 2 giai đoạn với mục tiêu nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường  một cách bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại địa bàn.

Giai đoạn I (đã hoàn thành) với tổng nguồn vốn đầu tư 73,8 triệu USD, trong đó vốn ODA 59,628 triệu USD. Dự án đã xây dựng 1,7km kênh Phóng Thủy, 4km sông Cầu Rào, cải tạo hồ Nam Lý; đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh có công suất xử lý nước thải đạt hơn 6.200m3/ngày đêm (theo thiết kế ban đầu 5.200m3/ngày đêm) với chất lượng nước đầu vào BOD đạt từ 70-168mg/lít, chất lượng nước đầu ra BOD đạt từ 27-30mg/lít, đạt theo tiêu chuẩn thiết kế.

Dự án đã đầu tư xây dựng bãi rác Lý Trạch để bảo đảm công suất với hơn 100 tấn/ngày, tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn cho 26.000 hộ, tạo điều kiện cho 2.800 hộ được vay vốn ở nguồn quỹ quay vòng vốn để cải thiện nhà vệ sinh...

Giai đoạn 2 của dự án đang triển khai, tập trung vào 4 hạng mục cơ bản, đó là: phát triển hạ tầng vệ sinh môi trường bao gồm giảm ngập lụt, thoát nước, nước thải, quản lý chất thải rắn, vệ sinh trường học; hạ tầng phát triển xã hội; đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ thực hiện dự án, tăng cường năng lực bảo vệ môi trường cộng đồng..., theo ông Lê Duy Hưng, đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, dự án vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới đã phát huy tốt hiệu quả, nhờ vậy mà Ngân hàng Thế giới đồng ý tiếp tục cho vay vốn để tiến hành giai đoạn 2.

Nhờ làm tốt công tác vận động các tổ chức phi chính phủ và sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả, trong năm 2016 và quý I-2017, tỉnh đã thu hút, vận động được 4 dự án từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, gồm: dự án môi trường bền vững TP. Đồng Hới; dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập tỉnh Quảng Bình; dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương; dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

Mới đây vào cuối tháng 3-2017, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký hiệp định với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng ý cho Quảng Bình vay ưu đãi 30 triệu USD để đầu tư dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới. Dự án sẽ đầu tư cho 3 hợp phần chính là thu gom nước thải, thoát nước cho thành phố; đầu tư hạ tầng đô thị Bảo Ninh để thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý lũ lụt, các cơ sở hạ tầng khác.

Mục tiêu của dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới là bảo vệ các cồn cát; giảm thiểu tác động về xã hội và môi trường; phát triển hạ tầng phù hợp với nhu cầu xã hội và phát triển du lịch giai đoạn 2017- 2020.

Một trong những dự án mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân phải nói đến dự án cấp nước sinh hoạt huyện Quảng Trạch sử dụng vốn tín dụng ODA của Chính phủ Hungary với tổng mức đầu tư hơn 28 triệu Euro, công suất 22.000 m3/ngày đêm, phục vụ việc cấp nước sạch sinh hoạt cho 22 xã dọc sông Gianh của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn.

Mới đây, ông Ory Csaba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Hungary trực tiếp đến thăm kiểm tra dự án, nhận thấy dự án phát huy hiệu quả nên đã kiến nghị lên Chính phủ Hungary tiếp tục đầu tư giai đoạn 2. Và Chính phủ Hungary cam kết tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của dự án với tổng mức đầu tư 15,7 triệu Euro. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 12 xã, phường khu vực phía Bắc sông Gianh.

Một tin vui nữa đến với bà con thị xã Ba Đồn là, cuối  năm 2016, dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn đã chính thức được khởi công. Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn sử dụng tín dụng hỗn hợp của Chính phủ Vương quốc Đan Mạch.

Ông Bùi Xuân Hợp, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA Quảng Trạch cho biết, dự án sẽ xây dựng mới hệ thống tuyến ống thu gom nước thải tự chảy và hệ thống ống thoát nước thải với tổng chiều dài 15,4km, xây dựng mới 4 trạm bơm nước thải, đấu nối hộ gia đình 3.000 điểm. Gói thầu còn xây dựng mới trạm xử lý nước thải công suất 3.000m2/ngày bằng công nghệ mương ôxy hoá cải tiến và hỗ trợ vận hành hệ thống thoát nước. Đây là dự án đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực và phát triển đô thị bền vững.

Nguồn vốn Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ dự án chống xói lở bờ sông Nhật Lệ.
Nguồn vốn Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ dự án chống xói lở bờ sông Nhật Lệ.

Cùng với thu hút nguồn vốn ODA, giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 71,81 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh cũng đã vận động được 179 dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) với giá trị cam kết viện trợ 20,733 triệu USD, góp phần xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề và hướng nghiệp; hỗ trợ người khuyết tật và trẻ em nghèo; dò tìm và rà phá bom mìn; thích ứng với biến đổi khí hậu; cứu trợ khẩn cấp các vùng bị thiên tai...

Theo ông Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua tỉnh cũng đã tích cực vận động, tiếp xúc mời gọi nhà đầu tư đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Thông qua đó, tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Tài chính Bombay - Ấn Độ (Công ty Quasathu) về triển khai 3 dự án Phát triển và mở rộng Khu nghỉ mát và giải trí sinh thái Phong Nha - Kẻ Bàng (tổng mức dự kiến 185 triệu USD), dự án Khu du lịch Spa suối nước nóng và dây chuyền nước đóng chai Phúc Trạch (tổng mức dự kiến 18 triệu USD) và dự án Hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Ấn Độ tại xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch thuộc Khu kinh tế Hòn La (tổng mức dự kiến giai đoạn I: 100 triệu USD); Tập đoàn Dohwa - Hàn Quốc về dự án Tổ hợp năng lượng điện sinh khối, điện năng lượng mặt trời với quy mô khoảng 550 MW tại huyện Lệ Thủy...

Để thu hút được nguồn vốn ODA có kết quả trong thời gian tới, vấn đề hàng đầu mà tỉnh cần tập trung là tăng cường năng lực các cơ quan đầu mối về công tác vận động thu hút ODA, FDI và NGO ở địa phương; bảo đảm có cán bộ chuyên trách, được đào tạo cơ bản và phù hợp; đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện công tác vận động, quản lý và sử dụng viện trợ hiệu quả, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư, nhà tài trợ để thực hiện tiếp cận, vận động vốn nước ngoài...

Trọng Thái