.

Việc sử dụng cân đối chứng: Góp phần bảo vệ người tiêu dùng

Thứ Bảy, 15/04/2017, 18:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Cân gian, bán thiếu là thực trạng thường xảy ra tại các chợ, khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt. Vì vậy, việc sử dụng cân đối chứng là một trong những biện pháp giúp nâng cao ý thức của các hộ kinh doanh cũng như bảo vệ người tiêu dùng.

Đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi công tác quản lý tại các chợ phải chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, tình  trạng cân thiếu, cân gian là vấn đề nhức nhối, tồn tại nhiều năm tại các chợ trên địa bàn tỉnh, gây mất lòng tin cho người tiêu dùng, nhất là khách du lịch. Với cách làm này, người bán hàng đã thu lợi bất chính, còn người tiêu dùng thì bị móc túi ngang nhiên.

Chị Nguyễn Thị Hoa, ở phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) mua một kg nhãn tại chợ Nam Lý, cảm thấy ít hơn ngày thường rất nhiều, nên chị sang cửa hàng người quen cân thử thì hóa ra chỉ còn lại 800g. Còn chị Nguyễn Thị Gạch, ở phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) cũng rất bức xúc sau nhiều lần đi chợ bị cân thiếu. Nên chị mua bất cứ sản phẩm nào cũng phải đi cân lại.

Nếu có cân đối chứng, người bán sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm trong kinh doanh.
Nếu có cân đối chứng, người bán sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm trong kinh doanh.

Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ 15-12-2011, Ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại có trách nhiệm đặt và duy trì hoạt động của cấn đối chứng, thiết bị đo lường tại các chợ, trung tâm thương mại để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung công bố công khai gồm: tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân vi phạm; hành vi, địa bàn vi phạm; cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm quyết định xử lý vi phạm.

Tuy luật đã có, nhưng theo khảo sát của phóng viên tại nhiều chợ ở Đồng Hới, như: chợ Nam Lý, chợ Cộn, chợ Đồng Hới, chợ Lộc Ninh..., đều không thấy bóng dáng của bất cứ một chiếc cân đối chứng nào. Hỏi khá nhiều người mua hàng về cân đối chứng, phóng viên cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu ngạc nhiên và câu trả lời: “chưa dùng bao giờ”, “không biết”, “không rõ”, “ở chợ này có à?”... Nếu có biết thì cũng chỉ là: “Lúc trước có thấy, giờ không biết đi đâu rồi”...

Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Hằng Nga, Đội trưởng Đội quản lý chợ Đồng Hới cho biết, từ năm 2000 đến năm 2005, ở chợ có đặt cân đối chứng, mỗi lần người dân vào cân thường bỏ phí 500 đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian cân bị hỏng, không có ai bảo quản nên cũng bỏ luôn cho đến tận bây giờ.

Khi được hỏi về sự cần thiết của cân đối chứng, nhiều người tiêu dùng đều khẳng định việc duy trì hoạt động của cân đối chứng là cần thiết. Bởi, chỉ cần có cân đối chứng đặt trong khu vực chợ đã khiến tiểu thương phải dè chừng. Tình trạng tranh chấp do cân thiếu cũng dần được hạn chế, qua đó, góp phần từng bước hình thành ý thức văn minh thương mại cho các tiểu thương.

Theo chị Lê Thị Anh Đào, phường Hải Thành (TP. Đồng Hới), cân đối chứng còn giúp người tiêu dùng biết được sự trung thực trong kinh doanh của các tiểu thương, từ đó tránh xa những cửa hàng “một cân ăn tám lạng”.

Vì vậy, các cơ quan quản lý có thẩm quyền nên tổ chức kiểm tra tổng thể các điểm cân đối chứng tại chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, qua đó có kế hoạch duy trì, sửa chữa và đầu tư lắp đặt thêm các điểm mới để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng theo quy định tại Nghị định số 99/2011/NĐ-CP.

Song song với cân đối chứng, Ban Quản lý các chợ có thể đưa ra những giải pháp cứng rắn hơn, như nếu tiểu thương bị người tiêu dùng phản ánh cân gian dối, sẽ bị cấm buôn bán trong một thời gian nhất định. Có như thế, ý thức tự giác của tiểu thương trong tuân thủ quy chuẩn đo lường mới được nâng cao và tạo niềm tin, thu hút được người tiêu dùng về với chợ truyền thống.

Phạm Hà