.

Tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt: Thành công từ các mô hình chuyển đổi

Thứ Năm, 13/04/2017, 10:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo và đầu tư nghiên cứu chuyển đổi một số mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thời tiết và đất đai của từng vùng nhằm phát huy hiệu quả sử dụng ruộng đất nông nghiệp. Đồng thời, việc chuyển đổi một số diện tích kém hiệu quả sang sản xuất mô hình kinh tế mới đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích cho người nông dân và giúp bà con nông dân có thu nhập đáng kể...

Với không ít bà con xã viên HTX DVNN Lê Xá, xã Mai Thủy (Lệ Thủy), những ngày tất bật thu hái đậu xanh vừa qua là những ngày vui. Bởi, cây đậu xanh không chỉ mang lại thu nhập gấp 7-8 lần so với sản xuất lúa tái sinh mà đã giúp bà con có lời giải cho “bài toán” trồng cây gì mang lại hiệu quả kinh tế trên đất lúa kém hiệu quả...

Những vựa ngô nếp HN68 phát triển xanh tốt phủ đều trên 5 ha đất gieo trồng tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh.
Những vựa ngô nếp HN68 phát triển xanh tốt phủ đều trên 5 ha đất gieo trồng tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh.

Nói về giống đậu xanh ĐX 208, anh Hoàng Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Lệ Thủy, cho biết, đặc điểm của các xứ đồng có địa hình cao của huyện Lệ Thủy là tình trạng thiếu nước sản xuất và chuột phá hoại trong vụ hè-thu, nên sản xuất lúa ở vùng đất này hiệu quả kinh tế thấp và tiềm ẩn rủi ro, thậm chí nhiều nơi, người dân chỉ sản xuất một vụ rồi bỏ hoang đất.

Do đó, những năm gần đây, huyện Lệ Thủy đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ hè-thu trên những vùng đất này. Vụ hè-thu 2016, Trạm đã thực hiện mô hình trình diễn trồng đậu xanh ĐX 208 trên đất lúa kém hiệu quả với diện tích 20ha cho 187 hộ tại HTX DVNN Lê Xá, xã Mai Thủy và thôn Mỹ Hà, xã Mỹ Thủy, nhằm thay đổi nhận thức, tạo động lực cho người dân trong thực hiện chuyển đổi sang những giống cây trồng mới để nâng cao thu nhập.

Theo đánh giá của các hộ thực hiện mô hình, giống đậu xanh ĐX 208 cho năng suất thực thu đạt 1 tạ/ha. Qua hạch toán hiệu quả kinh tế, trồng đậu xanh ĐX 208 đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa tái sinh, lãi thu được của trồng đậu xanh gần 14 triệu đồng/ha, cao gấp 8,2 lần so với lúa tái sinh.

Ông Nguyễn Văn Đợt, xã viên HTX DVNN Lê Xá tham gia trồng 1 sào đậu xanh của mô hình cho biết, mặc dù là vụ đầu tiên chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng năng suất đậu xanh thu khá cao với khoảng 200 lon (tương đương 55-60kg/sào), so với lúa tái sinh thì hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Tuy nhiên, theo ông, vụ trồng đậu xanh năm sau cần dịch thời vụ gieo trồng lên sớm hơn để tránh nắng nóng đầu vụ và mưa cuối vụ; đồng thời, cần chú trọng công tác thủy lợi như đào mương tiêu nước trước khi làm đất để bảo đảm tiêu úng tốt khi có mưa lớn.

Về Hiền Ninh, một trong những xã của huyện Quảng Ninh đã thực hiện chuyển đổi một số mô hình kinh tế có hiệu quả, trong đó nổi bật là trồng cây ngô. Mô hình này bước đầu đã đem lại những thành công đáng ghi nhận.

Ông Lê Hồng Viễn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, cho hay: “Sau khi thẩm định, chúng tôi quyết định chọn thôn Long Đại của xã Hiền Ninh trồng thử nghiệm mô hình giống cây ngô nếp HN68. Mô hình ngô nếp HN68 đã được thực hiện trên tổng diện tích 5 ha với 54 hộ tham gia. Qua gần 3 tháng gieo trồng, giống ngô nếp HN68 cho trung bình 1,05 bắp/cây. Theo tính toán, bình quân giống ngô HN68 cho thu hoạch khoảng 52.500 bắp/ha (tương đương 2.625 bắp/sào)”. 

Bà con xã viên HTX DVNN Lê Xá, xã Mai Thủy (Lệ Thủy) thu hái đậu xanh ĐX 208.
Bà con xã viên HTX DVNN Lê Xá, xã Mai Thủy (Lệ Thủy) thu hái đậu xanh ĐX 208.

Được biết, nếu tính về giá trị kinh tế, bình quân một ha người nông dân lãi hơn 29 triệu đồng (tương đương gần 1,5 triệu đồng/ sào trong 3-4 tháng thực hiện). Trong khi đó, trên diện tích này, nếu trồng sắn nông dân chỉ lãi khoảng 280.000/sào trong hơn 10 tháng liền. Như vậy, trên cùng một diện tích thì việc chuyển đổi từ trồng sắn sang trồng ngô sẽ nâng cao được thu nhập cho người nông dân. Đây là một trong những yếu tố kinh tế tác động đến hiệu quả lựa chọn sản xuất mà người nông dân quyết định.

Anh Nguyễn Văn Quả, một trong những hộ được tham gia trồng điểm mô hình ngô nếp HN68, cho biết: “Nhà tôi được nhận trồng hai sào giống ngô nếp mới này. Ban đầu, tôi cũng lo lắng không biết có hiệu quả không. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng gieo trồng, hiệu quả đem lại ngoài dự kiến, ngô lên rất đẹp, quả đều, ngon thơm, dẻo, bán được giá, thời gian trồng lại ngắn hơn so với những giống cây khác vì thế người nông dân chúng tôi có cơ hội trồng được nhiều vụ hơn”.

Với những mô hình kinh tế chuyển đổi thành công trên, hy vọng trong thời gian tới, các mô hình sẽ sớm được nhân rộng để góp phần đưa nền sản xuất địa phương ngày càng phát triển bền vững.

Hiền Phương