.

Rừng trồng, "lá chắn" cho rừng tự nhiên - Bài 5: Hướng đến rừng chất lượng cao

Thứ Sáu, 28/04/2017, 09:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Anh Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy là người rất tâm huyết trong việc vận động người trồng rừng ở các xã miền tây huyện nâng cao chất lượng rừng trồng. “Với đất rừng của địa phương, nếu đầu tư đúng hướng, bài bản thì mỗi ha rừng trồng có thể thu được 100 - 130 triệu đồng mỗi vụ thu hoạch chứ không phải chỉ 60 triệu đồng như hiện nay”- anh Quế khẳng định.

>> Bài 4: Còn lắm những khó khăn

>> Bài 3: Rừng trồng thay đổi quê nghèo

>> Bài 2: Những bước tăng trưởng ngoạn mục

>> Bài 1: Thăng trầm cửa rừng

Cây huỵnh 13 năm tuổi cho hạt để ươm cây giống.
Cây huỵnh 13 năm tuổi cho hạt để ươm cây giống.

Bài  toán cho 100 triệu đồng/ha

Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy (huyện Lệ Thủy) cho biết, nâng cao chất lượng rừng là vấn đề địa phương quan tâm lâu nay. Cách làm cụ thể như thế nào? Chúng tôi hỏi, ông Tình chia sẻ, song hành với trồng rừng bán gỗ dăm là trồng cây lấy gỗ phục vụ xây dựng, xuất khẩu.

“Từ bán gỗ dăm chuyển sang bán gỗ xây dựng, gỗ hộp xuất khẩu là thu nhập khác nhau nhiều lắm. Người dân sẽ được hưởng lợi cao hơn. Tuy nhiên, nhiều người trồng rừng vẫn đang chần chừ và chưa có đủ kiên nhẫn để đi theo hướng này” - ông Tình nói.

Theo anh Nguyễn Xuân Quế, đưa diện tích rừng vào thâm canh chất lượng cao cũng không phải là quá khó khăn đối với người trồng rừng. Chỉ cần tập trung mấy việc, đó là cần quy hoạch lại diện tích cụ thể để tạo nên sự tập trung từng loại cây giống, sử dụng bộ giống chất lượng, có quy trình chăm sóc bài bản và khai thác đúng lộ trình.

Hiện nay, phần lớn bà con trồng rừng sử dụng giống không đạt chuẩn và trồng cây rất dày. Quy trình sau 5 năm mới khai thác thì vào năm thứ tư, thậm chí năm thứ ba, bà con đã cắt rừng để trồng lại. Sản phẩm rừng lúc này chỉ đủ tiêu chuẩn của loại gỗ dăm, mà còn bị đối tác chê gỗ có độ ẩm cao...

Nói về định hướng rừng chất lượng cao, anh Nguyễn Văn Bình, Giám đốc một doanh nghiệp có các nhà máy chế biến xuất khẩu gỗ rừng trồng tại các tỉnh Bắc Trung bộ cho rằng, bà con đang trồng và khai thác theo dạng “ăn xổi” và theo phong trào chứ chưa tính toán thật kỹ về hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Điều đó thể hiện rất rõ, bởi theo thực tế hiện nay, số lượng cây bà con bán cho các nhà máy để đưa vào băm dăm lớn gấp nhiều lần lượng cây lấy gỗ. “Trong khi đó, một hộ gia đình trồng rừng, chủ yếu là cây keo. Sang năm thứ 4, bà con khai thác để bán cho nhà máy theo trọng lượng. Lúc này, mỗi ha cho lãi khoảng 60 triệu đồng. Nhưng, cũng trên đất đó, bà con trồng tràm, trồng thưa theo quy định và khai thác vào năm thứ 6.

Lúc này, cây trồng đủ tiêu chuẩn lấy gỗ để xuất khẩu, thu nhập của bà con có thể lên đến 150 triệu đồng/ha. Tính theo chu kỳ trong vòng 12 năm, rừng trồng thu hoạch sớm cho gỗ băm dăm được 3 lứa, tổng thu nhập được 180 triệu đồng; rừng chất lượng cao chỉ được 2 lứa (vì đến 6 năm mới thu hoạch) nhưng thu nhập lên đến 300 triệu đồng” - anh Bình tính toán như vậy.

Ngoài ra, khi Nhà nước thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên, lúc này nhu cầu dùng gỗ rừng trồng sẽ rất lớn. Cây gỗ tràm được xem như là giải pháp cho việc làm hàng mộc dân dụng, như: đóng giường, tủ, bàn ghế, cửa nhà. Anh Bình cũng đã đưa chúng tôi đi xem ngôi nhà anh làm với kiểu cầu thang, cửa chính, cửa sổ đều làm từ gỗ tràm hoa vàng. Qua mấy năm sử dụng, gỗ tràm vẫn sáng bóng, chắc chắn. Anh Bình cho hay: “Hiện, cây gỗ tràm có đường kính trên 0,4m tìm mua rất khó và giá cũng đắt như gỗ rừng tự nhiên”.

Tuy nhiên, việc định hướng rừng chất lượng cao ở một số địa phương mà chúng tôi có dịp đến, hình như mới là ý tưởng chứ chưa đi vào cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thanh (ở huyện Lệ Thủy) có trong tay hơn 50 ha rừng cho rằng chưa thấy cán bộ địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể gì và chưa thấy ai làm gì khác ngoài trồng keo nên gia đình cũng chưa có kế hoạch thay đổi loại cây trồng. Qua trao đổi với một số người trồng rừng khác trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy nét chung của người trồng rừng ở tỉnh ta là trồng rừng theo thói quen, “theo làng nước” chứ chưa suy tính đến việc thay đổi cách thức sản xuất để có hiệu quả cao hơn.

Có nghĩa là, thấy xung quanh mọi người đang trồng keo, tràm bán cho sơ chế gỗ băm dăm thì mình cũng trồng và làm theo như vậy. Thậm chí thấy túng tiền là có thể bán sớm... Trong sản xuất ở nông thôn việc tạo ra “ngọn cờ”  để mọi người học theo là rất quan trọng. Từ thực tế này, việc chỉ đạo làm điểm một vài mô hình rừng trồng chất lượng cao để cho người trồng rừng học hỏi kinh nghiệm có lẽ là “việc cần làm ngay” của ngành chức năng hiện nay. 

Những gợi ý... tiền tỷ

Có lẽ, cũng cần nhắc lại về rừng dẻ của anh Ngô Thế Anh, con ông Ngô Văn Lý ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch mà chúng tôi đã đề cập đến trong một bài viết của số báo trước. Bởi, rừng dẻ trên địa bàn tỉnh ta có khá nhiều, nhưng chưa thấy nơi nào bắt dẻ... đẻ ra tiền như ở đây. Đó là nếu khai thác rừng dẻ kết hợp trồng keo, tràm có thể cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha/năm.

Mặt khác, có những diện tích rừng dẻ được “nuôi” thành cây gỗ lớn mà giá trị của nó còn cao hơn. Đây là những cách làm mới và hay, nâng cao giá trị cây trồng trên một đơn vị diện tích.

Vườn cây huê 15 năm tuổi.
Vườn cây huê 15 năm tuổi.

Cùng với rừng dẻ, một loại cây khác tại đây là cây huỵnh cũng cho thu nhập khá tốt, tuy thời gian lấy lại tiền đầu tư lâu hơn. Vườn huỵnh của gia đình anh Thế Anh trồng được 10 năm đã có đường kính 0,2-0,3m, cao trên 20m, thẳng vút. “Cây huỵnh có độ tuổi từ 20-30 năm là khai thác được. Lúc này, giá gỗ huỵnh có thể trên 12 triệu đồng/m3”, anh Thế Anh cho biết. Gia đình anh còn là nơi cung cấp “độc quyền” giống cây huỵnh, mỗi năm ươm và bán trên 10 vạn cây giống huỵnh cho người trồng rừng.

Chỉ tiếc rằng bà con trồng rừng trên địa bàn tỉnh ta chưa mặn mà lắm với giống cây này: “Cây giống này chủ yếu là bán vào các tỉnh phía nam, như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai... Bà con trong tỉnh mình ít mua lắm.”- anh Thế Anh nói. 

“Thượng chua, hạ gõ” là cách dân gian “suy tôn” hai thứ gỗ: gõ, chua- có giá trị bậc nhất trong việc xây dựng nhà cửa ngày trước. Trong đó, gỗ chua săn thịt, bền, đẹp, dễ lên nước khi đánh véc ni... Có lẽ, vì sự hấp dẫn về giá trị sử dụng mà thời gian qua anh Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã “đắm đuối” với nó để kỳ công nghiên cứu ươm giống cây chua.

Anh Thái cho biết, cây chua trong rừng tự nhiên tỉnh ta không nhiều và có thể bị tuyệt chủng. Thời gian qua, anh đã nghiên cứu “quy trình” ra hoa kết trái của nó và “mai phục” để nhặt hạt về ươm thử. Nói mai phục, bởi quả cây chua có vị ngọt, dễ làm mồi cho chồn, cáo trong rừng khi rụng xuống. Anh Thái cho biết đã ươm được giống cây này. Chúng tôi cho rằng, đây cũng là một gợi ý nữa cho người trồng rừng trên địa bàn tỉnh về giống cây có thể nâng cao chất lượng rừng trồng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích...

Để có rừng chất lượng cao thì người trồng rừng phải quyết đoán, mạnh dạn đầu tư và phải biết... chờ đợi. Với những giống cây có sẵn trên địa bàn, tin rằng trong một tương lai không xa, rừng trồng tỉnh ta sẽ có những chuyển biến về chất.

Văn Hoàng-Nguyễn Tâm

Bài cuối: Tư duy mới trên những cánh rừng