.
Nam Trạch:

Sắn mất giá, mía mất mùa, người dân gặp khó

Thứ Tư, 26/04/2017, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Là những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, thời gian gần đây, diện tích trồng mía và sắn ở xã Nam Trạch, Bố Trạch ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên, giá cả và đầu ra của các sản phẩm này lại không ổn định, nên bà con nông dân rất lo lắng.

Theo những hộ dân trong xã, trước đây, Nam Trạch là vùng trồng sắn, cung cấp nguyên liệu cho Công ty TNHH Bình Lợi. Khi Công ty này đóng cửa, một số hộ vẫn tiếp tục duy trì diện tích trồng sắn, số hộ còn lại thì chuyển đổi sang trồng các cây nông nghiệp khác. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường và giá sắn tăng cao, nhiều hộ dân đã quay trở lại trồng sắn.

Nông dân xã Nam Trạch hy vọng vụ sắn năm nay sẽ không thất thu như vụ trước.
Nông dân xã Nam Trạch hy vọng vụ sắn năm nay sẽ không thất thu như vụ trước.

Chính vì vậy, diện tích của cây trồng này hằng năm lại tăng nhanh và chiếm diện tích lớn trong đất trồng nông nghiệp của xã. Năm 2016, trong tổng số diện tích gieo trồng nông nghiệp của xã Nam Trạch là 762,4 ha thì diện tích trồng sắn chiếm 540 ha.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhu cầu thị trường giảm, giá sắn xuống thấp khiến nhiều hộ dân trồng sắn ở Nam Trạch lâm vào cảnh lỗ vốn nặng. Bà Nguyễn Thị Lựu, thôn Hòa Trạch cho hay, vụ sắn năm 2015, gia đình bà trồng gần 1ha sắn.

Thời điểm đó, 1kg sắn có giá 22.000 đồng, sau khi trừ giống và phân bón thì gia đình bà lãi được 10 triệu đồng. Thấy sắn được giá, năm 2016, gia đình bà tiếp tục trồng 1ha sắn. Thế nhưng đến thời kỳ thu hoạch thì giá sắn xuống còn 10.000 đồng/kg. Nếu trừ tất cả chi phí như giống, phân bón, công chăm sóc, công thuê người thu hoạch thì vụ sắn này gia đình bà chỉ có lỗ chứ không có lời. 

Đang lên luống cho gần 2ha diện tích sắn mới trồng, vợ chồng ông Nguyễn Tuyên Huấn, thôn Hòa Trạch cho biết: “Chăm sóc thế này chứ không biết đến khi thu hoạch giá sắn sẽ như thế nào. Vụ sắn năm ngoái, giá sắn xuống quá thấp, để đỡ tiền thuê người thu hoạch, gia đình phải đi đổi công với các gia đình khác, vậy nhưng, cuối cùng lời lãi cũng không có gì”. Năm nay, vợ ông hy vọng đến vụ thu hoạch, giá sắn sẽ tăng lên để gia đình có thêm tiền trang trải cho sinh hoạt và đầu tư cho vụ sau. Ông Huấn cũng cho hay, ngoài 5 sào ruộng thì kinh tế gia đình ông  chủ yếu dựa vào cây sắn.

Có thể thấy, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã trở nên quá quen thuộc với nhiều bà con nông dân.

Để hạn chế tình trạng này vai trò và năng lực quản lý, quy hoạch của những cán bộ địa phương là rất quan trọng.

Dù hiệu quả kinh tế không cao, thời gian canh tác dài và đầu ra bấp bênh, thế nhưng nhiều hộ dân ở Nam Trạch vẫn lựa chọn và duy trì diện tích trồng sắn. Bởi, với họ, nếu không trồng sắn thì cũng không biết trồng cây gì cho phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương và kinh tế gia đình.

Cũng giống như cây sắn, ở Nam Trạch, cây mía cũng là một trong những cây nông nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế. Trước đây, cây mía đã từng là nguồn cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhà máy mía đường Quảng Bình. Sau khi nhà máy này giải thể, do nhu cầu mía làm nước ép tăng, nên nhiều hộ đã quay trở lại trồng mía. Năm 2016, xã Nam Trạch trồng được hơn 27 ha mía, tập trung vào các thôn Chánh Hòa, Hòa Trạch, Sao Sa. So với cây sắn, theo đánh giá của người dân nơi đây, cây mía là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn và dễ tìm đầu ra hơn.

Bởi, mía Nam Trạch khi ép lấy nước có màu xanh và rất ngọt nên được nhiều nơi ưa chuộng. Những năm gần đây, mía Nam Trạch chủ yếu được bán cho các thương lái ở thành phố Đồng Hới, các huyện và tỉnh lân cận. Có gia đình còn tự chủ động đầu ra bằng cách mở các quầy bán nước mía ép, nên thu nhập lại khá cao.

Tuy nhiên, chưa hết buồn vì giá sắn quá thấp, nhiều hộ trồng mía ở Nam Trạch cũng chẳng lấy làm vui khi nhiều diện tích mía bị mất mùa do hậu quả của hai đợt lũ vừa qua.

Mặc dù đã sát thời gian thu hoạch, nhưng 3 sào diện tích mía trồng ở soi đất sát bờ sông Dinh của gia đình ông Hoàng Công Thủy, thôn Chánh Hòa  nhìn như chỉ mới được trồng cách đây 3 tháng. Ông cho biết, đó là do số diện tích mía này bị nước lũ ngâm, đọt thối và sinh trưởng chậm hơn so với những sào mía còn lại được trồng ở diện tích đất cao hơn. Không chỉ riêng 3 sào mía trồng ở vùng thấp bị mất mùa, mà 6 sào diện tích mía còn lại cũng bị ảnh hưởng, làm năng suất giảm chỉ bằng một nửa so với vụ mía năm ngoái.   

Dẫn chúng tôi ra ruộng mía gần nhà, bà Nguyễn Thị Lanh, thôn Chánh Hòa nói: “Mấy ngày nay, mía đang được giá, thương lái đến hỏi mua tận vườn với giá 30.000 đồng/kg nhưng bán giờ thì xem như lỗ, vì mía chưa đủ độ chín. Năm ngoái, vào thời điểm này, nhà tôi thu hoạch được 17-18 tấn mía, nhưng năm nay cũng với 0,5ha mía, nếu thu hoạch xong xuôi thì chắc chỉ còn  6-7 tấn”.

Theo những hộ dân trồng mía trong xã, mặc dù mía được giá cao nhưng do năng suất giảm xuống còn một nửa so với các vụ mía trước, nên vụ mía năm nay, bà con nông dân cũng không có lãi.

Mía được giá nhưng lại mất mùa.
Mía được giá nhưng lại mất mùa.

Ông Trần Công An, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch cho biết, năm 2016, sản xuất nông nghiệp của xã gặp không ít khó khăn. Đầu ra và giá cả của một số mặt hàng nông nghiệp không ổn định, đặc biệt là cây sắn. Từ khi Nhà máy tinh bột sắn sông Dinh giải thể, đa số người dân trồng sắn đều tự tìm đâù ra cho mình.

Vụ sắn năm 2016, do giá sắn xuống thấp nên diện tích gieo trồng của năm 2017 giảm xuống còn 470 ha. Nói về hướng sản xuất sắp tới của địa phương, ông An cho biết thêm, để giúp bà con tìm được cây trồng phù hợp và có đầu ra ổn định, vừa qua, xã đã có chủ trương vận động và kêu gọi bà con chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn, mía và cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây bắp để cung cấp nguồn nguyên liệu cho Công ty Quảng Bình Milk. 

Có thể thấy, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã trở nên quá quen thuộc với nhiều bà con nông dân. Để hạn chế tình trạng này vai trò và năng lực quản lý, quy hoạch của những cán bộ địa phương là rất quan trọng. Đã đến lúc Nam Trạch cần có phương án sản xuất nông nghiệp dài hơi thay vì sản xuất kiểu chạy theo phong trào, theo cảm tính, như vậy, cuối cùng người chịu thiệt sẽ là nông dân.

Đ.Nguyệt