.

Lão nông vượt khó làm giàu

Thứ Sáu, 28/04/2017, 08:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, người dân Quảng Trạch đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng chuồng trại, chọn giống vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Điển hình trong đó phải kể đến gia đình lão nông Võ Văn Sỹ, ở thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông. Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho gia đình ông hơn 300 triệu đồng mỗi năm. 

Về thăm mô hình kinh tế của ông Võ Văn Sỹ, chúng tôi vừa ngạc nhiên bởi quy mô trang trại vừa phục tinh thần lao động của ông. Gần 70 tuổi, khi kinh tế gia đình được xem là khá giả, trong khi nhiều người đã yên tâm  vui thú điền viên với con cháu, ông Sỹ, vẫn quần quật làm những "việc không tên" của nhà nông, mỗi ngày và còn dành thời gian xem sách báo, truyền hình học hỏi những cách làm hay, mô hình hiệu quả.

Ông tâm sự, con nhà nông muốn hết đói thì phải cần cù, mà muốn làm giàu phải chịu khó học hỏi. Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, ông Sỹ thấu hiểu những vất vả thiếu thốn trong cuộc sống.

Thời chiến, ông Sỹ từng là dân công hỏa tuyến, hòa bình lập lại, ông lấy vợ rồi ra riêng, tuy nhiên, cuộc sống thời bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn chục năm về trước, gia đình ông thuộc diện  nghèo của làng Minh Sơn. Năm 2001, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, ông Sỹ quyết định vay vốn, xây dựng chuồng trại, tập trung vào chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

A

Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông Võ Văn Sỹ, xã Quảng Đông, Quảng Trạch.
Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông Võ Văn Sỹ, xã Quảng Đông, Quảng Trạch.

Thuở đầu khó khăn, ông nuôi vịt lấy trứng và thả cá nuôi sống gia đình và không ngừng học hỏi khắp nơi để mở rộng quy mô. Sau một thời gian, tích trữ được nguồn vốn, gia đình ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư mở rộng chuồng trại để nuôi hơn 1.000 con vịt đẻ trứng, đào 4 ao để nuôi thả các loại cá nước ngọt.

Hiện tại, mỗi ngày, đàn vịt đẻ khoảng 900 quả trứng, được thương lái vào tận nhà để thu mua, mang lại nguồn thu khoảng 2 triệu đồng. Đối với 4 hồ cá, gia đình ông nuôi đủ các loại, như:  cá rô phi đơn tính, cá chép, cá chim trắng, cá chẽm, cá trê. Mỗi năm, ông xuất bán khoảng 4-5 tấn, thu về khoảng 70 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy Quảng Đông là địa phương có thế mạnh từ tài nguyên rừng, thuận lợi cho việc chăn nuôi dê, năm 2012, ông Sỹ đã nuôi thử 3 con dê mẹ. Sau một thời gian chăm sóc, dê mẹ sinh sản dần, đến nay, gia đình ông đã có 30 con dê, trong đó có 20 con dê mẹ. Ông Sỹ cho biết, từ lúc nuôi đến nay, gia đình ông đã xuất bán 25 con, với trọng lượng mỗi con từ 15 đến 20kg, theo giá thị trường 150.000 đồng/kg.

Riêng đối với dê giống, ông bán giá 200.000 đồng/kg. Nhờ biết cách chăm sóc đàn vật nuôi cũng như chọn vật nuôi phù hợp với đặc thù của địa phương nên gia đình ông Sỹ trở thành hộ khá giả, mỗi năm sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng trên 300 triệu đồng.

Ông Sỹ chia sẻ, để đàn vật nuôi sinh trưởng tốt, bên cạnh chú trọng đến nguồn thức ăn bảo đảm, nhất là đàn vịt, cần có dinh dưỡng hợp lý để cho nguồn trứng giá trị, gia đình ông luôn chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn dê và vịt. Mỗi năm, ngoài thực hiện lịch tiêm định kỳ, gia đình thường xuyên phun tiêu độc khử trùng chuồng trại. 

Ông Đinh Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết, không chỉ là người chịu khó, ham học hỏi, ông Sỹ còn thường xuyên sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm chomọi ngườivề kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi. Ông Sỹ là một trong hàng trăm tấm gương tiêu biểu phát triển kinh tế trên địa bàn mà huyện Quảng Trạch đang khuyến khích, đầu tư và nhân rộng.

Những tấm gương nông dân vươn lên thoát nghèo nhờ chủ động phát triển kinh tế như gia đình ông Sỹ đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong tư duy của người nông dân hiện nay. Đây sẽ là động lực quan trọng, tạo đòn bẩy vững chắc để mỗi địa phương trên toàn huyện phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quê hương.

X.P-M.A