.

Triển khai Năm cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2017

Thứ Năm, 09/03/2017, 09:45 [GMT+7]

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa đã ban hành Kế hoạch số 321/KH-UBND về việc triển khai Năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2017.

Theo đó, mục tiêu mà kế hoạch đề ra là tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh vật trong thịt và số lượng mẫu vật tư nông nghiệp vi phạm chất lượng giảm 10% so với năm 2016; số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn được kiểm tra, xếp loại tăng 15%, trong đó tỷ lệ cơ sở đạt yêu cầu về ATTP tăng 10%; tái kiểm tra và xử lý dứt điểm 100% cơ sở xếp loại C theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng từ 2 - 4 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn được cấp Giấy xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan triển khai mạnh mẽ và đồng bộ hoạt động thông tin truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, thực hành về ATTP của các nhà quản lý, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản; thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản; công khai rộng rãi các cơ sở xếp loại C theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT, các sản phẩm rau, thịt, thủy sản không bảo đảm ATTP; tổ chức lấy mẫu giám sát ATTP, tập trung thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, thịt, thủy sản...) để kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp nông sản thực phẩm không bảo đảm an toàn; thanh tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông, lâm, thủy sản, tập trung vào các cơ sở lưu thông, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, các sở, ngành và địa phương phổ biến, hướng dẫn, vận động các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thực phẩm nông, lâm, thủy sản áp dụng chương trình quản lý tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP, ISO, VietGAP,...), tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn cho người sử dụng và có sức cạnh tranh, tổ chức hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ, xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn; đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý chất lượng, ATTP trên địa bàn, đặc biệt là các cán bộ kiêm nhiệm cấp huyện, cấp xã...

A.T