.

Tiêm phòng vắc xin đợt 1 cho đàn gia cầm: Quyết liệt từ tỉnh đến địa phương

Thứ Ba, 21/03/2017, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện Thông tư số 07-2016/TT- BNN ngày 31-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Kế hoạch số 2160/KH-UBND ngày 14-12-2016 của UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm năm 2017, hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã cung cấp đầy đủ vắc xin, các loại vật tư, hoá chất phục vụ tiêm phòng đợt 1; các địa phương đang khẩn trương tiêm phòng cho đàn gia cầm. 

Bà Nguyễn Thị Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, từ sau Tết Đinh Dậu đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại nhiều địa phương trong toàn quốc diễn biến phức tạp. Tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), địa phương giáp ranh với phía Bắc tỉnh Quảng Bình cũng đang xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1.

Các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm.
Các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm.

Thêm vào đó, các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh đang tổ chức tái đàn với số lượng lớn, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm là rất lớn. Nhằm bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, Chi cục đã chuẩn bị đầy đủ vắc xin, các dụng cụ, vật tư, hoá chất thú y cung cấp cho các địa phương tiến hành tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Kế hoạch tiêm phòng đợt 1 được tiến hành trong vòng 1 tháng từ ngày 24-2 đến 24-3.

Để đợt ra quân tiêm phòng đạt kết quả tốt, ngay từ đầu năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lên kế hoạch chuẩn bị 2 triệu liều vắc xin các loại cho 2 đợt tiêm phòng năm 2017. Bên cạnh đó, Chi cục cũng tiến hành hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng, cách sử dụng và bảo quản vắc xin đối với những người tham gia tiêm phòng; cung ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin cúm gia cầm khi có đăng ký của các địa phương, trang trại, gia trại và người chăn nuôi; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện tiêm phòng của các huyện, thành phố, thị xã, báo cáo UBND tỉnh, Cục Thú y.

Trong  đợt tiêm phòng này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% trong diện tiêm (80% tổng đàn); yêu cầu các địa phương tiêm đúng loại vắc xin, đúng kỹ thuật, đúng thời gian; ghi chép đầy đủ, chính xác số gia cầm được tiêm phòng, nêu rõ nguyên nhân số gia cầm không được tiêm phòng.

Rút kinh nghiệm từ các đợt tiêm phòng trước đây, để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng và phát huy hiệu quả sử dụng vắc xin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y yêu cầu Trưởng Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm kế hoạch số 2160/KH-UBND ngày 14-12-2016 của UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2017.

Trong quá trình tiêm phòng, đề nghị chính quyền các địa phương bố trí cán bộ phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng địa bàn để kịp thời kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác tiêm phòng, cũng như phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả tốt nhất.Đến nay, các địa phương đã tiến hành tiêm phòng cho đàn gia súc đạt gần 50% kế hoạch.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giấy tờ kiểm dịch gia cầm nhập vào tỉnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giấy tờ kiểm dịch gia cầm nhập vào tỉnh.

Nhận thức đúng vai trò quan trọng của tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm, anh Trương Văn Điệp, xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh) chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi khoảng 250 con gà, trung bình mỗi năm xuất 3 lứa. Để đàn gà phát triển khoẻ mạnh, có chất lượng thịt ngon, bảo đảm, tôi luôn chú trọng tiêm phòng dịch bệnh 100% cho gà”.

Ông Phạm Hồng Hiên, Trưởng ban Thú y xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh)  cho biết: “Xã Gia Ninh có khoảng 11.000 con gia cầm, trong đợt tiêm phòng lần 1 năm 2017, xã có kế hoạch tiêm vắc xin cho 5.000 con gia cầm. Đến nay, xã  đã tiêm trên 2.000 con, số còn lại sẽ tiếp tục tiến hành tiêm, phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu vào ngày 24-3.

Để bảo đảm tiến độ kế hoạch đề ra, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền xã, thôn tăng cường công tác tuyên truyền kế hoạch tiêm phòng, thông báo lịch tiêm phòng cụ thể đến từng thôn, xóm và phổ biến các quy định phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để người dân biết chủ động phòng tránh, hợp tác... Rất vui là các hộ dân chăn nuôi rất nghiêm túc hợp tác trong tiêm phòng cho đàn gia súc.”

Lê Mai