.

Phát triển vùng sản xuất rau an toàn ở Bố Trạch: Hướng đi đã mở

Thứ Sáu, 31/03/2017, 08:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con nuôi, nhiều diện tích rau an toàn trên địa bàn huyện Bố Trạch đã được đầu tư mở rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Xã Đồng Trạch vốn được xem là “vựa rau” của huyện Bố Trạch, bởi nơi đây trồng rau quanh năm. Ông Dương Ngọc Giép, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Trạch chia sẻ: Cả xã có tổng diện tích trồng rau khoảng 81ha với 1.100/1.400 hộ tham gia trồng. Bình quân mỗi năm, các hộ gia đình ở Đồng Trạch có thu nhập vài chục triệu đồng từ vườn rau. Nhờ rau mà nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định, con cái có điều kiện học hành.

Theo lời giới thiệu của ông Dương Ngọc Giép, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Hồng Sơn (thôn 2), một trong những hộ trồng rau sạch có tiếng ở Đồng Trạch. Với thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí, rau sạch hiện là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Ông Sơn cho biết, ngay sau khi xuất ngũ, nhận thấy đất quê mình là đất thịt pha cát, thích hợp với trồng rau, ông đã trồng thử nghiệm vài loại rau như dưa chuột, dưa hấu, rau cải, rau cần... rồi dần dần mở rộng diện tích. Cũng từ đó, phong trào trồng rau ở Đồng Trạch bắt đầu phát triển mạnh. Sau hơn 30 năm, hầu hết các hộ dân ở địa phương đều tham gia trồng rau. Người trồng nhiều khoảng dăm ba sào, người trồng ít thì cũng đủ ăn và bán cho người dân ở các địa phương lân cận. Trong đó, riêng vùng rau an toàn của xã có diện tích khoảng 3 ha với khoảng 25 hộ gia đình tham gia trồng.

Nhiều diện tích rau sạch được mở rộng trên địa bàn huyện Bố Trạch.
Nhiều diện tích rau sạch được mở rộng trên địa bàn huyện Bố Trạch.

Hiện không chỉ riêng Đồng Trạch mà tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Bố Trạch, như: Hoàn Trạch, Hòa Trạch, Hoàn Lão, Trung Trạch..., nhiều diện tích rau an toàn đang dần được mở rộng và được xem là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của các địa phương.

Đặc biệt, thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con nuôi, riêng trong giai đoạn 2010 – 2015, huyện Bố Trạch có gần 500 ha diện tích chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại dưa hấu, ngô, rau... mang lại hiệu quả gấp từ 1,5 đến 3 lần so với trồng lúa; qua đó góp phần mở rộng diện tích rau màu.

Đơn cử như Hoàn Lão, với đặc thù diện tích đất nông nghiệp ít, nhiều diện tích lúa sản xuất không hiệu quả, các hộ gia đình nơi đây đã mạnh dạn chuyển sang trồng rau sạch. Hiện toàn thị trấn có 30 hộ dân triển khai mô hình trồng rau an toàn với diện tích gần 3ha. Bà Lê Thị Lựu (tiểu khu 8, thị trấn Hoàn Lão) chia sẻ: Thực ra, trước đây người dân địa phương đã có trồng rau rồi nhưng lúc đó chủ yếu là trồng theo phương thức cũ, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên hiệu quả kinh tế không cao. Vài năm trở lại đây, khi người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong việc lựa chọn rau, nhiều hộ gia đình trên địa bàn dần chuyển sang triển khai trồng rau an toàn. Nhờ được tập huấn nên giờ đây, nhiều diện tích rau trên địa bàn được trồng theo đúng kỹ thuật, bảo đảm mật độ gieo trồng thích hợp, phân bón, thời gian cách ly... thu hoạch đạt năng suất cao và được thị trường rất ưa chuộng. Riêng gia đình bà Lựu, với diện tích trồng khoảng 500m2 với các loại rau ngắn ngày và dài ngày như: rau cải, đậu cô ve, mướp đắng... chỉ 5 tháng sau khi triển khai trồng rau an toàn, gia đình bà đã có thu nhập gần 30 triệu đồng.

Với việc mở rộng diện tích rau sạch như hiện nay, Bố Trạch được xem là một trong những vùng sản xuất rau trọng điểm của tỉnh với tổng diện tích trên 1.000 ha. Trong đó, đã xuất hiện một số mô hình trồng rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, điển hình là mô hình sản phẩm rau sạch mang thương hiệu An Nông của đôi vợ chồng trẻ Lê Đình Quả và Lê Thị Thanh Thủy (thôn Kéc, Hòa Trạch). Không sử dụng phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân chuồng tại địa phương, đặt mua bánh dầu đậu phộng để làm đạm thực vật, tự chế chế phẩm từ gừng, ớt và tỏi ngâm rượu để hạn chế sâu bệnh..., sản phẩm rau sạch mang thương hiệu An Nông đã bắt đầu chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng trên địa bàn.

Sản phẩm rau sạch An Nông (thôn Kéc, xã Hòa Trạch) được trồng theo mô hình rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Sản phẩm rau sạch An Nông (thôn Kéc, xã Hòa Trạch) được trồng theo mô hình rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, để các vùng rau sạch ở Bố Trạch phát triển bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía. Ông Dương Ngọc Giép, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Trạch cho biết: Những năm trước đây, nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng rau ở Đồng Trạch, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai thực hiện dự án mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trên địa bàn xã Đồng Trạch với 25 hộ gia đình tham gia trên tổng diện tích 3 ha. Giai đoạn 1 của dự án đã được thực hiện trong năm 2011 với các nội dung như: quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (đào đắp khoanh lô vùng rau an toàn, san lấp mặt bằng, khoanh thửa, đào rãnh thoát nước); xây dựng cơ sở hạ tầng (đường điện, giếng nước, máy bơm nước, bể chứa chất thải); hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học; tập huấn quy trình sản xuất cho nông dân; hướng dẫn về mặt kỹ thuật trồng trọt... Nhờ đó, tất cả sản phẩm rau an toàn tại Đồng Trạch đều bảo đảm giới hạn an toàn theo quy định, thậm chí các loại rau như cải, cần, xà lách... có chỉ số an toàn rất cao. Tuy nhiên, sau khi kết thúc giai đoạn 1 thì giai đoạn 2 của dự án vẫn chưa được triển khai do thiếu nguồn vốn đầu tư. Dự án rau VietGap ở Đồng Trạch dang dở, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến người nông dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch chia sẻ: Với những tiềm năng và lợi thế nhất định, huyện Bố Trạch xác định rau sạch là một trong những loại cây trồng tiềm năng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhằm phát triển bền vững các vùng rau xanh an toàn, huyện Bố Trạch sẽ tiếp tục thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, huyện sẽ quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất rau quả ở các xã ven Quốc lộ 1, ven thị trấn, khu vực du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và BasicGAP có quy mô đạt khoảng 50 -100 ha, tập trung ở các xã Đồng Trạch, Hòa Trạch, Sơn Trạch...; đăng ký tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu đối với rau Đồng Trạch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả tại các xã Đại Trạch, thị trấn Hoàn Lão, Đồng Trạch, Tây Trạch, Hòa Trạch, Hoàn Trạch, Trung Trạch... sang trồng rau các loại.

Thanh Hải