.

Nỗi lo lợn hơi rớt giá! - Bài 1: Biết lỗ vẫn phải bán

Thứ Năm, 09/03/2017, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Giá lợn hơi liên tục giảm mạnh thời gian qua khiến các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ta lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, giữ không được, bán cũng chẳng xong. Tình trạng này đang đẩy người chăn nuôi đứng trước tình thế cầm chừng, phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí nhiều hộ đang đối mặt với nguy cơ bỏ nghề.

Người chăn nuôi lao đao

Theo thống kê, hiện tại, toàn tỉnh ta có khoảng 690 trang trại (theo tiêu chí mới), trong đó, trang trại chăn nuôi lợn chiếm phần lớn. Liên tục trong nhiều tháng nay, giá lợn hơi giảm mạnh khiến tất cả các trang trại, các hộ chăn nuôi từ nhỏ lẻ cho đến quy mô đều rơi vào cảnh lao đao.

Từ mức 50.000-55.000 đồng/kg, giá lợn hơi giảm mạnh chỉ còn 30.000-35.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi đang lỗ từ 1.000.000-1.500.000 đồng/con lợn. Trong khi đó, chi phí chăn nuôi, như: giá thuốc, các loại thức ăn lại không hề giảm. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, người chăn nuôi bị thiệt hại nặng do giá lợn hơi giảm sâu.

Không chấp nhận lỗ vốn khi bán qua tay thương lái, nhiều người quyết định tự mổ lợn bán để kiếm lời.
Không chấp nhận lỗ vốn khi bán qua tay thương lái, nhiều người quyết định tự mổ lợn bán để kiếm lời.

Những năm gần đây, người dân xã Nghĩa Ninh (TP.Đồng Hới) đẩy mạnh đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn. Nhờ nuôi lợn, nhiều hộ gia đình đã cải thiện đáng kể cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của xã. Tuy nhiên, những ngày này, đi đến đâu cũng bắt gặp những khuôn mặt nặng trĩu âu lo vì giá lợn đang trên đà sụt giảm.

Dẫn chúng tôi ra xem đàn lợn gần 100 con đã quá lứa xuất chuồng hơn tháng nay nhưng vẫn phải nuôi cố, chị Đào Thị Hà (thôn 3) ngao ngán: “Đáng ra, đàn lợn này đã được xuất từ tháng trước, nhưng giá thấp quá nên tôi phải nuôi cố đợi xem giá có nhích thêm chút nào không. Chắc ít hôm nữa tôi cũng phải kêu người tới bán thôi. Biết là lỗ nhưng không thể để lâu hơn, vì nếu giá không tăng, càng nuôi càng lỗ, với giá lợn hiện nay, cứ 100kg lợn hơi lỗ khoảng 2.000.000 đồng. Không biết đến bao giờ lợn mới tăng giá cho chúng tôi yên tâm tăng đàn”.

Đây cũng là trăn trở chung của người nuôi lợn tỉnh ta trong thời gian gần đây. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ trang trại cảm thấy hoang mang khi lợn đã đến kỳ xuất chuồng mà giá lại liên tục rớt. Theo nhiều hộ chăn nuôi, đây là mức giá thấp chạm đáy trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong hai tháng 1 và 2-2017, toàn tỉnh có khoảng 29.649 con lợn nái, 87.086 con lợn thịt đến tuổi xuất chuồng (tương đương khoảng 5.790 tấn thịt lợn hơi).

Tuy nhiên do giá lợn hơi giảm mạnh nên số lượng lợn thịt được bán có nhiều biến động. Tâm lý chờ giá lên mới bán của nhiều người khiến cho tình trạng lỗ càng thêm nặng. Vì chờ mãi không thấy giá lên, trong khi đó, chi phí cho thức ăn tăng, lợn đã đến thời kỳ tăng trọng không đúng là bao. Giá thịt lợn giảm, sức mua của người tiêu dùng bị “cầm chừng” nên nhiều lái thương ngần ngại, không dám mạnh tay mua nhiều lợn hơi như trước đây.

Chị Hoàng Thị Hòa (Thuận Đức, Đồng Hới) rầu rĩ: “Trước kêu một tiếng là lái thương đến mua ngay, nay cả tuần vẫn không thấy đến. Càng để lâu, chúng tôi càng lỗ nặng. Đây chính là cái cớ để thương lái ép giá. Biết là thế nhưng chúng tôi cũng đành chịu vì lợn tới lứa, giá nào cũng phải bán”. Giá lợn liên tục giảm, trong khi giá thức ăn, thuốc thú y thì vẫn không hề giảm đã khiến nhiều hộ chăn nuôi chọn giải pháp bỏ trống chuồng còn hơn “đánh bạc” với thị trường.

Nghịch lý giá thịt lợn từ chuồng ra chợ

Những ngày này, đi đến đâu cũng bắt gặp cảnh người dân tự phát mổ lợn bán rải rác dọc các chợ, các tuyến đường. Hỏi ra mới biết, vì giá lợn hơi giảm mạnh, nhưng thịt lợn vẫn được bán với giá cao, nhiều người không chấp nhận lỗ vốn khi bán qua tay thương lái nên quyết định tự mổ bán để kiếm lời. Khảo sát quanh một số chợ, điểm bán thịt lợn trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được biết hiện tại lợn có giá dao động từ 80.000-90.000 đồng/kg thịt lợn thăn và từ 60.000-70.000 đồng/kg thịt ba chỉ.

Với mức này, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao gần gấp đôi so với giá lợn hơi. Như vậy, mặc dù giá lợn hơi rớt thảm hại nhưng giá thịt lợn tại các điểm bán lẻ không giảm hoặc chỉ giảm rất nhẹ, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo với giá cao. Từ khoảng trống lệch giá giữa lợn hơi và thịt lợn đã cho thấy một nghịch lý trớ trêu mà đối tượng chịu thua thiệt không ai khác chính là người chăn nuôi.

 Lợn hơi rớt giá khiến người chăn nuôi tỉnh ta lâm vào cảnh khó khăn.
Lợn hơi rớt giá khiến người chăn nuôi tỉnh ta lâm vào cảnh khó khăn.

Chị Đào Thị Hương (Bắc Nghĩa, TP.Đồng Hới) chia sẻ: “Tôi vừa mua 1kg thịt nạc vai với giá 85.000 đồng/kg. So với thời kỳ lợn hơi giá cao thì giá này không chênh lệch là bao. Chẳng hiểu sao lợn hơi giảm mạnh mà chúng tôi vẫn phải mua thịt lợn với giá cao như thế?

Phân trần về lý do này, bà Lê Thị Xuần, một tiểu thương ở chợ Cộn (Bắc Nghĩa TP.Đồng Hới) cho hay thông tin giá lợn giảm mạnh đã có từ lâu, tuy nhiên, tham khảo giá bán lẻ thịt lợn của các hộ kinh doanh khác trên thị trường vẫn giữ nguyên, thêm vào đó giá mua lợn tại các lò mổ cũng không có thay đổi nhiều, Vì vậy, bà vẫn bán thịt lợn ra thị trường với mức giá như trước đây mà không có sự điều chỉnh giá.

Anh Lê Thanh Trọng, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Cam Thủy (Lệ Thủy) băn khoăn: “Trong khi các hộ chăn nuôi đang phải bán lợn với giá thấp thê thảm, chịu lỗ hơn một triệu đồng/con lợn bán tại trại, thịt lợn được bán ra ngoài thị trường lại vẫn giữ ở mức giá ổn định, có chăng chỉ giảm đi chút ít nhưng vẫn không đáng kể so với giá bán lợn của những người chăn nuôi.Như vậy là không công bằng với các hộ chăn nuôi, không sòng phẳng với người tiêu dùng, chưa kể tình trạng này đã góp phần gây khó khăn cho việc tiêu thụ thịt lợn mà những người chăn nuôi phải chịu hậu quả”.

Với nghịch lý giá lợn như hiện nay, có thể thấy, do không có sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng về giá, phần chênh lệch giữa giá bán tại chuồng với giá bán đến tay người tiêu dùng lại “chảy” vào túi bộ phận trung gian là các thương lái. Từ lò mổ, thịt được đưa về các chợ để phân phối tới các tiểu thương, qua các khâu trung gian, giá thịt lợn lại được đẩy lên cao gấp rưỡi ban đầu, thậm chí gần gấp đôi. Và như thế, không chỉ người chăn nuôi lỗ nặng mà người tiêu dùng cũng chịu nhiều thua thiệt.

Đ.V

Bài 2: Đâu là “cứu cánh” cho người chăn nuôi